Long “hâm” biến rác thành… thiệp mừng
(Dân trí) - Nhìn những tấm thiệp thiết kể tỉ mỉ, đẹp mắt về các chủ đề 20/11, Giáng sinh, 8/3… , người tinh mắt đến mấy cũng khó mà phát hiện được gần một nửa nguyên liệu tạo nên tấm thiệp được làm từ… rác.
Chủ nhân của loại thiệp “rác” này là cậu sinh viên Dương Vi Long, năm 2 khoa Quản trị Kinh doanh tổng hợp ĐH Tài chính Marketing TPHCM. Từ hồi học phổ thông, Long đã có đam mê mày mò làm thiệp để treo trong phòng, tặng bạn bè. Nhưng để mua đủ nguyên vật liệu, đồ trang trí làm nên một tấm thiệp với Long thật chẳng dễ dàng vì vừa khó lùng, mà Long lại không có tiền.
Chính lúc “bế tắc” đó, Long nghĩ, tại sao mình không tìm những vật trang trí không mất chi phí? Ngay lập tức hình ảnh… giấy vụn, lá cây rụng, hoa khô, túi nilon xuất hiện trong đầu cậu.
Long bắt đầu đi rong ruổi khắp phố, ở khu nhà thời Đức Bà, đường Tôn Đức Thắng, Trương Định… để nhặt cành, lá khô, hay bới các thùng rác để tìm tất cả những thứ đã bỏ đi nhưng có thể “phù phép” được thành đồ trang trí. Kể cả khi đang đi trên đường, thấy loại rác nào “vừa mắt”, Long cũng dừng xe xuống nhặt cho… vào túi.
Mới đầu, Long gặp khó khi trong cách xử lý rác thải sao cho thành những thứ đẹp mắt. Nhưng từ sự mày mò, cậu nhận ra cách thức để “làm đẹp” cho mỗi thứ. “Mới đầu em ép những chiếc lá trong vở nhưng khi sử dụng rất dễ bị gãy. Sau đó, em thử đưa ngâm nước trước khi phơi và hiệu quả bất ngờ: lá không chỉ dai mà còn lộ rõ hình gân rất đẹp”, Long nói.
Những tấm thiệp đầu tiên Long gửi đến bạn bè làm ai cũng sửng sốt. Người bạn thân của Long đề nghị: “Sao bọn mình không đi… buôn thiệp”. Sau đó cả nhóm 4 bạn cùng góp vốn và bắt tay thực hiện kinh doanh. Những tấm thiệp đầu tiên được họ bán tại các trường học, tiếp thị trên mạng…
Mỗi mẫu thiệp chỉ làm ra đúng một chiếc duy nhất nên đòi hỏi nhóm phải liên tục nghĩ ra mẫu mới. Trong khi giá bán thì rẻ nên… không có lãi. Lại thêm áp lực việc học thời điểm những năm cuối phổ thông, những người trong nhóm rút lui dần, chỉ còn lại mình Long.
Những tấm thiệp của Long, ngày càng tận dụng nhiều rác hơn. Đến nay, Long đã cho ra mắt 300 mẫu thiệp, trong đó nhiều mẫu được bán tại các nhà sách Nhân Văn, Thiên Ân… “Không có lãi nhiều đâu vì toàn bộ em làm bằng tay, công phu lắm, hiện thu - chi chỉ đủ để em nuôi dưỡng đam mê thôi”, Long thật thà.
Ấp ủ một… dự định lớn
Hiện tại Long đã giảm bớt thời gian “vùi đầu” làm thiệp vì cậu phải đi làm thêm kiếm tiền trang trải cho việc ăn học. Tuy nhiên, Long đang ấp ủ một dự định rất lớn mà theo Long trước mắt, việc trau dồi kiến thức ngành học quản trị rất quan trọng với mình.
Long nói: “Ý nghĩa việc bảo vệ môi trường của thiệp cũng là lợi thế để thu hút khách hàng khi mà ý thức của người dân về môi trường ngày càng tăng cao”.
Dù Long biết ngày đó còn… xa vời vì đòi hỏi về vốn, cần có người hỗ trợ nhưng cậu cũng đã chuẩn bị những bước cơ bản. Long đặt tên cho ý tưởng kinh doanh bảo vệ môi trường của mình là thiệp Blue Sky bởi theo cậu, cái tên này ẩn chứa một niềm đam mê vô tận, thổi hồn về một màu xanh tự nhiên của môi trường. Hàng ngày, Long cũng lùng sục tại các nhà sách, siêu thị để “nghiên cứu” về các thương hiệu sản xuất thiệp trên thị trường cũng như giá cả của chúng.
Mới đây, ý tưởng kinh doanh về thiệp Blue Sky của Long đến với cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ 2010 do Thành đoàn TPHCM tổ chức. Tuy chỉ giành giải khuyến khích nhưng ý tưởng này được đánh giá là sáng tạo rất thực tiễn, cụ thể việc bảo vệ môi trường và có khả năng áp dụng cao..
“Một tấm thiệp bớt được mẩu giấy vụn, túi nilon trong môi trường này là em thấy vui rồi. Dù nhiều lúc, nhìn em bới thùng rác trên đường phố nhặt túi nilon, có người nói là… hâm. Thậm chí, còn có người đến đuổi…”, Long chia sẻ.
Một số mẫu thiệp được kết từ rác của Vi Long:
Hoài Nam