Lối sống độc hại của Gen Z: "Vừa ăn vừa làm" nguy cơ dẫn đến béo phì

Thu Hoài

(Dân trí) - Gen Z dường như đang bỏ qua "hệ tiêu hóa" khi vừa ăn vừa sử dụng thiết bị điện thoại, máy tính để giải trí, làm việc.

Hiện nay, xu hướng đi ngược lại lối sống của những thế hệ trước của Gen Z ngày càng phổ biến. Tình trạng thức khuya, ăn uống không lành mạnh, sống thiếu khoa học ngày một nhiều thêm. Tiêu biểu là việc vừa ăn vừa sử dụng thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại, tivi…) để giải trí, làm việc, đã có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cá nhân và bữa cơm gia đình.

Thiết bị điện tử làm xa cách bữa cơm gia đình

Chia sẻ về vấn đề vừa ăn vừa làm việc, giải trí, bạn Mai Quỳnh Anh (19 tuổi) cho hay: "Gia đình mình có thói quen vừa ăn vừa xem thời sự, nói chuyện. Bản thân mình từ lúc ở một mình không thường xuyên vừa ăn vừa làm việc khác bởi mình muốn chuyên tâm ăn uống để còn làm việc khác. Nhưng đôi lúc bài tập quá nhiều, mình phải vừa ăn vừa làm để kịp giờ nộp bài mà không ảnh hưởng đến giờ ăn hàng ngày".   

Khi được hỏi về tác hại của việc vừa ăn vừa làm việc khác, Quỳnh Anh cho rằng vừa ăn vừa sử dụng thiết bị di động, hoặc làm những việc khác sẽ khiến cho bản thân mình bị tăng cân khó kiểm soát, tiêu hóa kém, đau bụng.

Lối sống độc hại của Gen Z: Vừa ăn vừa làm nguy cơ dẫn đến béo phì - 1
Mai Quỳnh Anh, 19 tuổi, đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: NVCC).

Quỳnh Anh cho biết cô sống rất khoa học, có thời gian biểu ăn uống rõ ràng, tập thể dục thường xuyên để có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, sau trường hợp xử lý bài tập trong giờ ăn cô cảm thấy bụng khó chịu, chậm tiêu. Bởi trong quá trình vừa ăn vừa làm, cô không thể tập trung cho ăn uống.

Đối với Quỳnh Anh, bữa cơm gia đình là bữa cơm ngon nhất. Thời gian đầu mới xa gia đình để đi học, cô cảm thấy nhớ nhất là bữa cơm gia đình. Cả gia đình sẽ vừa ăn, vừa trò chuyện tạo cảm giác ấm cúng, các thành viên trong gia đình sẽ thấu hiểu nhau hơn, bữa cơm do đó sẽ ngon miệng hơn. Nếu chỉ chú ý vào thiết bị điện tử, chúng ta sẽ lãng quên đi ý nghĩa của bữa cơm gia đình.

"Vừa ăn vừa làm" là "làm bạn" với béo phì

Chia sẻ về việc vừa ăn vừa làm việc khác, bác sĩ Dương Minh Tuấn (bác sĩ chuyên khoa II, khoa Nội tiết, Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết: "Khi ăn uống, chúng ta cần phải tập trung để dạ dày nhận biết được đồ ăn. Khi vừa ăn uống vừa xem điện thoại hay làm một việc khác, não bộ của chúng ta sẽ phải phân thân ra làm hai. 

Một cái dành cho công việc đang làm, cái còn lại là ăn uống. Từ đó, hiệu quả tiêu hóa sẽ bị giảm đi, nếu duy trì lâu dài sẽ gây ảnh hưởng lớn cho đường tiêu hóa".

Bác sĩ Tuấn cho biết, nếu kéo dài tình trạng vừa ăn vừa làm việc khác sẽ làm cho cơ thể mắc bệnh ăn uống khó tiêu, dạ dày co bóp giảm hấp thụ, đặc biệt nguy hiểm nhất là căn bệnh viêm dạ dày hoặc loét dạ dày mãn tính.

Một phần nữa, nếu để ý quá nhiều vào việc vừa làm vừa ăn sẽ dẫn đến thói quen khó bỏ. Sau này, khi ăn, cá nhân sẽ phải tìm việc gì đó để làm, xem thì mới ăn được. Trong trường hợp vừa "tiêu hóa thức ăn" vừa xem tivi, điện thoại chúng ta sẽ không thể để ý được lượng đồ ăn mà mình hấp thụ vào cơ thể và nó có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng do mình ăn thiếu chất hoặc béo phì do thừa chất. Đa số là tình trạng béo phì, bác sĩ nói.

Ở Việt Nam, các gia đình ngay từ lúc con còn nhỏ nếu thấy con không chịu ăn hoặc nghịch phá, cha mẹ sẽ lôi điện thoại, máy tính ra để cho con ăn. Như thế sẽ giúp con ăn ngoan, không tốn nhiều thời gian của bố mẹ. Trong gia đình, nếu có tình trạng như thế xảy ra, chúng ta nên khuyên bảo con vì sức khỏe và thói quen của con cháu, bác sĩ cho hay. 

Lối sống độc hại của Gen Z: Vừa ăn vừa làm nguy cơ dẫn đến béo phì - 2
Bác sĩ Dương Minh Tuấn - Bác sĩ chuyên khoa II, khoa Nội tiết, Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Tình trạng béo phì ở nước ta hiện nay

Theo Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (QLKCB) - Bộ Y tế, béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa bất thường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ở nhiều nước trên thế giới tình trạng béo phì ngày một tăng thêm, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây.

Thống kê tại Việt Nam năm 2011 cho thấy kết quả thừa cân, béo phì tại Hà Nội và Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số người béo phì, thừa cân trên cả nước.

Dạ dày là bộ phận tiêu hóa quan trọng của con người, liên quan trực tiếp đến ăn uống. Căn bệnh béo phì cũng xuất phát từ dạ dày, khi chúng ta đưa lượng thức ăn vào cơ thể nhiều hơn lượng năng lượng chúng ta tiêu hao, cơ thể sẽ bị tích tụ và gây nên căn bệnh béo phì. 

Theo bác sĩ Dương Minh Tuấn: "Để tránh tình trạng thừa cân béo phì, chúng ta cần lập ra chế độ ăn uống và tập thể dục để cân bằng lượng năng lượng nạp vào. Mỗi người cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để tránh tình trạng ăn một lần quá nhiều, gây dạ dày co bóp mạnh, làm to kích thước dạ dày. Khi dạ dày rộng ra, chúng ta sẽ có nhu cầu ăn nhiều hơn.

Tình trạng mau đói sẽ hay xảy ra và khi ăn quá nhiều, cá nhân sẽ bị lên cân, trở nên lười vận động và gây ra tình trạng thừa cân béo phì. Bởi vậy, nên chấm dứt thói quen trái khoa học vừa ăn vừa làm việc khác ở mỗi cá nhân, gia đình để có một sức khỏe tốt, tránh bệnh tật".

Lối sống độc hại của Gen Z: Vừa ăn vừa làm nguy cơ dẫn đến béo phì - 3

Vừa ăn vừa học sẽ không tốt cho sức khỏe (Ảnh minh họa: Canva).

Thời gian quý báu, công việc quan trọng, nhưng sức khỏe con người mới là trên hết. Các bạn trẻ nên trân quý sức khỏe, tạo cho mình lối sống khoa học để tránh bệnh tật, tăng tuổi thọ.