Lội “nét” tìm con
“Con tôi tên là Châu Phương L., 17 tuổi, cao 1,55m, nặng 45 kg, đeo kính. Cháu có nhiều nickname như: cobedoihon, bupbebangbong, thoisocolangotngao, meocondethuong... Cháu đã bỏ nhà đi từ ngày 15/4 đến nay chưa thấy về. Nếu có gặp cháu trong e-mail (!) hay ở đâu, xin báo cho chúng tôi theo địa chỉ...”
Online trong tuyệt vọng
Gần nửa tháng nay, gia đình ông Châu Long T. đã phải túc trực bên giường bệnh và online 24/24 trên Yahoo Messenger lẫn Alamak. Lý do: "Cô bé dỗi hờn" Châu Phương L. - đứa con gái học lớp 11 bỗng dưng... đi theo tiếng gọi của mối tình ảo trên net. Việc bỏ nhà đi bụi của Phương L. khiến người mẹ lâm bệnh vì lo lắng và nhớ nhung đứa con gái "rượu".
Tìm khắp những nơi có thể tìm nhưng vô vọng, số điện thoại di động của L. thì ngoài vùng phủ sóng hoặc tắt máy. Hơn 1 tuần sau, qua thông tin của bạn bè Phương L., cha mẹ cô mới biết thông tin con mình thường chat webcam với một "bạch mã hoàng tử" nào đó trên mức tình cảm. Thế là từ đó, từ nhắn tin trên báo đài, ông bà chuyển sang nhắn tin trên e-mail và trên hệ thống chat trực tuyến.
Mòn mỏi hơn nửa tháng qua, những tin nhắn cứ rơi vào hư không mà tin tức về "búp bê bằng bông" vẫn biền biệt tận phương trời nào. Trên màn hình, nickname "bupbebangbong" vẫn đang trong tình trạng off (tắt).
Thắt lòng hơn là dì Năm, một người mẹ bán rau tại chợ Phạm Văn Hai, Tân Bình (TPHCM) khi dì cũng phải tìm đến net trong sự tuyệt vọng. Đôi bàn tay ẩm ướt với những đầu ngón tay nở to vì suốt ngày ngâm trong nước run run đưa tờ giấy cho người chủ tiệm net: "Chú đánh giùm tôi mấy câu này nhắn cho thằng con tôi nó về. Nó thường đến đây chơi, nó là thằng P. đó, chú nhớ không, cái thằng cao cao...". Và khi người chủ tiệm hỏi địa chỉ e-mail của con trai dì, dì lật đật đọc... địa chỉ nhà.
Nghe giải thích một hồi, dì Năm mếu máo: "Địa chỉ "meo" là cái gì tôi đâu có biết. Tôi nghe nói vô đây nhắn tin thì chỉ tốn có mấy ngàn, nhắn tin trên báo đài, tôi đâu có đủ tiền...".
Rồi người mẹ ấy kể lể một hồi về đứa con trai ham chơi hơn ham học. "Nó thường xin tiền đến đây, nói là để nói chuyện với ai đó. Trời ơi, bạn bè trong xóm thì không chịu nói, đi nói chi với cái máy này thì làm sao mà nói được (?!)". Những lời lẽ ngây ngô của một bà mẹ bán rau trong thời đại kỹ thuật số không khiến ai bật cười nổi mà dường như chỉ có sự nghèn nghẹn còn đọng lại...
Đánh vật cùng net
Khi hoàn tất thủ tục cho con trai đi du học, điều đầu tiên ông Đoàn Văn S. (ngụ ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.3, TPHCM) phải làm ngay là học làm quen với Internet "để có thể liên lạc và quản lý con trong những ngày nó đi học xa nhà". Thời gian đầu, Internet là cầu nối của hai cha con ông S., nhưng chỉ một thời gian sau, mỗi lần lên net là mỗi lần ông phải viết thư thúc giục con trai... viết thư cho mình.
"Nó cứ nói là không có thời gian nhưng chẳng lẽ một tuần bỏ ra vài phút hồi âm thư cho cha mẹ cũng không được sao? Thật là...", ông lắc đầu rồi thở dài trước màn hình vi tính.
Trước "sức hút" của net đối với con em mình, một số bậc phụ huynh buộc phải tìm đến nó để "xem đó là cái thứ gì mà có thể khiến con cái mình hằng ngày cứ cắm đầu vào đó". Và ngay trong lần vào mạng chat Vietfun, bà Nguyễn Thị B. đã phải kêu trời trước những nickname quá "sốc": nào gaydethuong, tinhchokhongbieukhong, denvoiem, boygoitinh...
"Thật không chịu nổi, ở ngoài con tôi chỉ cần nói chuyện với một người không đàng hoàng là tôi đã thấy khó chịu. Còn trong đây, ngôn ngữ nhố nhăng, lời lẽ trắng trợn. Từ đây, tôi cấm tiệt ba cái vụ này. Xa lộ thông tin đâu không thấy, chỉ thấy độc hại thôi", bà B. gay gắt chỉ trích... Internet.
Còn ông Minh thì điềm tĩnh hơn. Khi biết đứa con trai đang học lớp 10 bắt đầu làm quen với Internet, ông đã lặng lẽ đi học một lớp chuyên đề về net ở Nhà Văn hóa Thanh niên. Thay vì cấm đoán, ông Minh đã sưu tầm những trang website thú vị, bổ ích, phù hợp với lứa tuổi con trai mình để nó tha hồ lướt web.
Tuần qua, khi online, ông Châu Long T. bi thiết: "Nó có online nhưng lại tránh mặt tôi. Trời ơi, nó xài chế độ... giấu mặt gì đó. Nó trò chuyện với bạn bè mà không thèm nói với ba nó một tiếng, mẹ nó đang bệnh vì nhớ nó như thế này mà nó nỡ lòng nào...". Thì ra "búp bê bằng bông" không hề biền biệt tận phương trời nào mà chỉ cách người cha bằng một phím gõ trên net.
Hóa ra, đối với một số người, Internet không phải để nối những khoảng cách mà là nơi để những người cha, người mẹ kiếm tìm trong vô vọng trong khi những đứa con lại thản nhiên "Hi!" (xin chào) với nhiều người xa lạ nhưng lại trừ người đã sinh thành đang mỏi mòn chờ đợi khuôn mặt con trẻ online...
Theo Đoàn Ngọc Phụng
Thanh Niên