Li Huijian, người mơ làm “nữ Bao Công”

Khi Li Huijian đưa ra phán quyết trong vụ tranh chấp về giá hạt giống giữa hai công ty ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) dựa vào bộ luật của quốc gia thay vì luật địa phương, quyết định của người nữ quan tòa trẻ tuổi đã khiến nhiều thẩm phán và hội thẩm viên giật mình.

Sự khác nhau giữa luật tỉnh Hà Nam và luật quốc gia nằm ở chỗ: luật tỉnh qui định giá hạt giống phải do nhà nước đưa ra, còn luật quốc gia giao giá cho thị trường quyết định. Người nữ đảng viên 32 tuổi không cần phải đắn đo nhiều.

 

Luật Trung Quốc về vấn đề pháp chế đã nói rõ: mọi sự xung đột, cách biệt giữa luật địa phương so với luật quốc gia từng tồn tại do vấn đề lịch sử phải được xóa bỏ nhằm củng cố lại hệ thống luật của nước này. Và cho dù ngồi quanh cô hầu hết là những người đã quen "cầm cân nảy mực" luật pháp theo lối cũ, Li vẫn tin hành động của mình là đúng đắn và cần thiết.

 

Li Huijian là thế hệ những thẩm phán trẻ đang được kỳ vọng trở thành trụ cột tương lai trong hệ thống tòa án đang được Trung Quốc ráo riết hoàn chỉnh. Sinh trưởng ngay tại tỉnh Hà Nam, vì yêu nhân vật Bao Công từ thời niên thiếu mà Li đã ôm ấp giấc mộng và cố gắng thi vào ngành luật.

 

Tốt nghiệp thạc sĩ với điểm xuất sắc, Li được một tòa phúc thẩm tỉnh gọi về công tác, lúc đầu với tư cách thư ký tòa, và rất nhanh sau đó đã được bổ nhiệm làm thẩm phán rồi thẩm phán chủ trì các phiên xử.

 

Song, lời phán quyết "luật của địa phương là vô giá trị" của Li trong vụ "giá hạt giống" là một câu nói "không thể nào tưởng tượng nổi" đối với các thẩm phán và hội thẩm viên khác. Người đứng đầu Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc nay không còn là thành viên nội các.

 

Tuy nhiên, các thẩm phán địa phương đều do quốc hội chỉ định. Bản thân Li cũng là người được quốc hội bổ nhiệm nên phán quyết của cô được xem là một thách thức. Cho đến tận lúc đó, chưa thẩm phán nào ở Trung Quốc dám phán một câu như vậy.

 

Sau phiên xử, một quan chức của thành phố Nam Dương (Hà Nam) đã chuyển cho cô lá thư của một công ty. Ông này đính kèm vào đó vài chỉ thị dành cho tòa và gạch dưới mấy chữ "vui lòng chú ý". "Nhận được bức thư ấy, tôi thấy khó chịu. Tôi có cảm giác mọi người đang ngờ rằng tôi đã hành xử một cách thiên vị" - Li kể.

 

Đại diện của một trong hai công ty tranh chấp đã xin gặp nữ thẩm phán nhưng cô tìm cách từ chối. Kết quả xử được gửi lên tòa cấp cao hơn. Để tránh gây thêm tranh cãi, Li Huijian đã trình kết quả xét xử dự trù cho người đứng đầu tòa. Bản dự thảo cuối cùng đã được chuyển đến HĐND tỉnh Hà Nam.

 

Rất nhanh chóng, báo chí và các học giả trong cả nước đã vào cuộc. "Đúng là chưa có tiền lệ nào về việc một phiên tòa phán quyết luật địa phương là vô giá trị. Nhưng chúng ta đang hướng đến một hệ thống tư pháp mới, ở đó tòa án là chí công vô tư. Quan tòa không thể vì chính phủ hay vì quốc hội. Và ở góc độ này, chị Li Huijian đã làm đúng" - Huai Xiaofeng, hiệu trưởng Trường cao đẳng Thẩm phán quốc gia, nơi đang được giao trọng trách đào tạo lại các thẩm phán để hội nhập quốc tế của Trung Quốc, trình bày ý kiến. Cuối cùng, Tòa án tỉnh Hà Nam phân xử vụ tranh chấp giữa hai doanh nghiệp như Li đã quyết.

 

Và Li Huijian cùng vụ án "giá hạt giống" đã trở thành biểu tượng cải cách của hệ thống tư pháp Trung Quốc.

 

Theo Thủy Tùng

Tuổi Trẻ/IHT, NYT