“Lên sàn” giá… 10.000 đồng

Rất nhiều người chưa từng có một hình dung nào đúng về sàn khiêu vũ cổ điển. Cứ nghe khái niệm “lên sàn”, một nửa dân ngoại đạo khắt khe lập tức cảnh giác; một nửa còn lại từ chối. Thực sự, “lên sàn” giá 10.000 đồng có thể mang lại nhiều giá trị hơn thế.

Vũ cổ điển: “Ngoại ngữ” 2

 

Vừa trở thành tân SV, Ngọc đã “chấm” ngay khiêu vũ và xác định sẽ theo đuổi dài lâu vì nhận thấy đây là môn thể thao có tính nghệ thuật, vừa để giải trí vừa ích lợi cho xã giao. Hiếm có môn học nào vượt được khiêu vũ cổ điển để đáp ứng dường như trọn vẹn tất cả những đòi hỏi ấy.

 

Nhìn lại 10, 15 năm trước, một thanh niên đôi mươi tìm đến khiêu vũ cổ điển còn là một hiện tượng nổi bật đến… lạc lõng. Giờ đây, lượng “người lớn” (đặc biệt từ 50 tuổi trở lên) gần như đã nhượng lại “không điều kiện” thế áp đảo cho giới 8X. Và vì thế, khi thấy các “áo hoa, đầu chôm chôm” thay nhau say sưa quay Valse với một bác trung niên thì bạn hãy thêm ngay điểm cho bản tính galăng đầy tinh ý và trong sáng của họ nhé!

 

SV ĐH Ngoại thương tìm đến khiêu vũ cổ điển đông nhất. Các bạn có điều kiện tiếp xúc để lựa chọn bộ môn này sớm và nhiều hơn SV các trường khác do ở trường này, vũ quốc tế là một môn học bắt buộc, không khác bất cứ một môn rèn luyện nào.

 

Lê Nga (1984, SV ĐH Ngoại thương) cho biết: “Ban đầu mình cũng chỉ học để phục vụ cho môn thi học phần. Sau thấy mê thì theo luôn, khỏe người mà giảm stress lắm!”

 

Kế đến là SV ĐH Bách khoa Hà Nội. CLB Bách khoa trứ danh hiện nay nhiều năm trước khai sinh với mục đích phục vụ cho các giảng viên, dần dần “lây” ảnh hưởng sang SV. Một nguyên nhân khác có tác động ban đầu không nhỏ là xuất phát từ nguyện vọng “thiết thân” của các chàng, nhằm “giao lưu với các em Ngoại thương, Sư phạm…!”, N.S.Bình (1980) cựu SV Bách khoa - người đã tập khiêu vũ được 7 năm tiết lộ.

 

Oanh (1985, SV ĐHQG Hà Nội) giải thích lý do theo đuổi khiêu vũ như sau: “Tháng 2 vừa rồi, mình tham gia một hội nghị SV châu Á, tổ chức ở Philipines. Party nào có khiêu vũ là y như rằng cả buổi mình ngồi hút nước ngọt như… máy bơm, ai mời cũng lắc đầu quầy quậy, kể cả những điệu phổ thông như cha-cha-cha…Quê quá, về nước quyết tâm học ngay!”

 

SEA Games 23 vừa qua, lần đầu tiên khiêu vũ được đưa vào như một môn thi đấu chính thức dưới thể thức dance-sport. Thành công của giải khiêu vũ Hanoi Open tổ chức lần đầu cuối năm 2005 vừa rồi cũng thêm một yếu tố nữa khẳng định khiêu vũ đang được các nhà tổ chức quan tâm nhiều hơn, trở nên chuyên nghiệp hơn. Và đó cũng là lý do khuyến thích giới trẻ tìm đến khiêu vũ.

 

10 ngàn là đủ để “lên sàn”!

 

Nếu chi phí bỏ ra cho một cuộc lên sàn “truyền thống” của môn đồ disco hiện đại tính bằng tiền trăm, tiền triệu thì cuộc lên sàn tương tự của dân vũ cổ điển lại “hiện đại” theo đúng nghĩa “xã hội mới” - với giá phổ biến cho mỗi người là… 10.000 đồng!

 

Đáp ứng nhu cầu tăng lên của dân chơi, Hà Nội ngày càng nhiều sàn cổ điển. Một số sàn trước là sàn hiện đại nay chuyển hẳn sang phục vụ dân nhảy cổ điển. Đến tất cả các sàn này, hoặc là bạn phải mua vé vào cửa - và sẽ được tặng kèm một nước uống, hoặc là bạn chỉ phải trả tiền nước uống - và đấy chính là vé vào cửa của bạn.

 

Tóm lại là chỉ cần có 10.000 đồng, cứ tự tin mà ở chơi đến hết giờ, có giải khát bằng một cốc hồng trà lạnh, nóng tùy ý.

 

Thực ra, 10.000 đồng thậm chí đã là chi phí… hạng sang của khiêu vũ cổ điển! Bất cứ một CLB nào cũng tổ chức hình thức sinh hoạt định kì cho thành viên luyện tập và giao lưu, thường là vào cuối mỗi tuần. Tất nhiên, không phải chỉ khi là thành viên của CLB đó bạn mới được chào đón!

 

Không nước uống, không người phục vụ là đặc điểm chung của những buổi sinh hoạt này. Mọi người đến đây chỉ để nhảy và nhảy. Và… 5.000 đồng là giá tối đa cho mỗi buổi vui chơi ấy (CLB Cung Hữu Nghị: 4.000 đồng/người).

 

Rất nhiều người chưa từng có một hình dung nào đúng đắn về sàn khiêu vũ cổ điển. Cứ nghe thấy khái niệm “lên sàn”, một nửa dân ngoại đạo khắt khe lập tức cảnh giác: “Ối giời, không xem ti vi à? Chỉ có bọn hư hỏng, trụy lạc mới đến chốn ấy thôi!” (Q.Đăng - ĐH Giao thông vận tải), hay thậm chí là: “Cậu khiếp thế, không sợ bị cho… uống thuốc lắc à?” (P.Hà, ĐH Công nghệ).

 

Một nửa còn lại từ chối vì lý do khác hẳn: “Thôi, ai thèm! Toàn ông bà già quay quay, nhạc thì nẫu hết cả ruột… Tớ chẳng chịu được mươi phút đâu!” (B.Linh, HV Báo chí và Tuyên truyền).

 

Nhưng cả 3 nhân vật đại diện này, sau khi được thuyết phục lên sàn một lần đều đồng thanh thốt lên: “Choáng!”

 

Hà nói lại: “Đầu tiên là mình bất ngờ giá cả rẻ quá. Rồi đến không khí trên sàn, ai cũng tỏ ra lịch sự và hòa nhã. Nhạc thì rõ là hay!”. Còn B.Linh tiếc rẻ: “Không ngờ đấy, sàn cổ điển mà chẳng tẻ nhạt tí nào! Mình thích nhất mấy vũ điệu Latinh - vừa mềm dẻo, vừa mạnh mẽ. Đến lúc anh nhân viên thứ 3 ở sàn đến lịch sự mời nhảy, mình chỉ ước gì không phải từ chối thêm một lần nào nữa, vì lý do rất… quê “tại em không biết nhảy”.

 

Theo Nguyên Nhung
Vietnamnet