Lên nhà “cô cậu” tìm quẻ “như ý”

“Mấy đứa bạn mình nói “cậu Hồng xem đúng lắm, nói chuẩn lắm". Mùng 4 Tết, năm đứa chơi thân rủ nhau đi từ sớm chứ nhà cậu đông người tới coi lắm, không đi sớm thì không có chỗ đâu.

“Cậu Hồng” bảo cái Liên bạn mình có “duyên âm” phải sắm lễ để thầy cắt duyên âm cho thì mới lấy được chồng, còn em thì cậu bảo năm nay xin được việc, vậy là yên tâm rồi”. Tâm, cô sinh viên năm cuối trường Trung cấp Dược Hà Nội kể về việc đi xem bói ở nhà “cậu Hồng” trú tại một huyện ngoại thành Hà Nội.

 

“Rước” lo vào mình...

 

Rất nhiều bạn trẻ quá tin tưởng vào những lần bói toán, tìm kiếm vận may qua những lời “tiên đoán” của các “cô”, các “cậu”. Những ngày trước, trong và sau Tết, họ rầm rập tìm tới nhà “cô - cậu” để bói tử vi, bói tướng mạo, bói bài tây… Dù đường đi gian nan đến mấy, mong tìm thấy ở nơi “thầy” một tương lai sáng lạn hơn trong năm mới, họ sẵn sàng lên đường.

  

Đỗ Oanh, sinh viên trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội buồn rầu khi nghĩ tới những gì thầy phán trong buổi đi xem bói cùng chị gái đầu năm mới.

 

“Thầy bảo mình năm nay đường công danh sự nghiệp không được tốt, không xin được việc, rồi còn nói là mình với bạn trai hiện tại sẽ chia tay trong năm nay. Thầy còn nói năm nay bị hạn, phải mua sắm đồ lễ rồi thầy giải hạn cho may ra thì đỡ,. Mình chẳng biết phải làm sao, đi xem “rước” thêm lo vào mình”.

  
Lên nhà “cô cậu” tìm quẻ “như ý”
 

Yến Nhi, sinh viên năm cuối ĐH Thành Đô, vừa mới xuống trường sau dịp nghỉ Tết, mấy cô bạn trong xóm trọ liền rủ lên nhà cô Lự để coi bói. “Điện của cô rất nhỏ, sau khi đặt lễ và tiền trên ban xong thì tất cả ngồi xuống.

 

Cô Lự nhìn mình chằm chằm rồi phán “Có bà Cô, ông Mãnh hợp tuổi đi theo phù hộ, đường tình duyên trắc trở lắm, có nhiều người đến tán nhưng rồi nhưng lại chẳng vào đâu với đâu. Năm nay ra trường thì không phải lo gì cả, có người giúp, có quý nhân phù trợ”. Thầy nói chung chung cũng chẳng biết thế nào.

  

Mất tiền oan...

 

Lợi dụng sự mê tín, đức tin nơi “các cô, các cậu”, các bạn trẻ thường không kịp suy nghĩ gì và sẵn sàng đưa tất số tiền mà mình vất vả lao động, tích góp để “trăm sự nhờ thầy” giải hạn, “cắt duyên âm” mong có được những điều tốt đẹp, suôn sẻ, như ý trong năm mới.

  

Hằng, học sinh lớp 12, trường THPT Tân Lập, năm đầu tiên đi xem bói cùng chị gái năm nay đã 29 tuổi. “Thầy bảo chị em có “người âm” đi theo, mà con gái đứng chữ Đinh là cao số nên năm nay làm lễ giải hạn, cắt duyên âm hoặc là đội bát nhang.

 

Thầy nói rằng sang tháng 2 thầy cũng có làm lễ “cắt tiền duyên” cho hai người nữa nếu có làm thì mang tiền tới. Tiền làm lễ cũng tới tiền triệu, chị dặn không được kể với mẹ, chị em lấy tiền của chị đưa cho thầy làm lễ rồi. Mình cũng đành im lặng”.

  

Cũng có rất nhiều thầy bói “xuất gia” đi tới tận nơi để coi cho những “tín đồ” của mình. Ở ngay trước các cổng trường ĐH – CĐ, những nơi đang diễn ra lễ hội truyền thống, các thầy chỉ cần một manh chiếu, một tấm biển là có thể hành nghề.

 

Những người muốn thầy coi bói chỉ cần đặt tiền vào chiếc đĩa thầy để trước mặt là có thể ngồi nghe thầy phán đủ mọi chuyện, có thể hỏi bất cứ những điều còn “tò mò” về tương lai của mình.

  

Chị Nguyệt, 35 tuổi (Cổ Nhuế, Hà Nội) không phản đối việc các bạn trẻ đi xem bói đầu năm nhưng cũng đừng tin vào những lời thầy bói nói một cách mù quáng rồi đưa cho họ số tiền mà mình phải kiếm bằng mồ hôi để thỏa mãn sự vòi vĩnh của thầy.

 

“Dù sớm dù muộn thì cũng đến lúc gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng. Cạnh nhà mình có người “cắt duyên” đến cả chục lần mà vẫn chưa lấy lập được gia đình”, chị Nguyệt nói.

 

Đừng để bản thân phụ thuộc vào những lời “tiên đoán” của “cô”, “cậu” mà ảnh hưởng tới công việc, học tập. Suốt ngày chỉ quẩn quanh, suy nghĩ tới những điều thầy bói nói rồi không còn tâm trí làm việc. Những điều đó mới khiến bạn tự làm mất đi những cơ hội tuyệt vời của mình trong năm mới.

 

Theo Nguyễn Hương

Tuổi trẻ thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm