Lê Minh Nguyệt: “Em đã sống có ích”

(Dân trí) - Hai tuần Nguyệt chờ đợi, thấp thỏm, cuối cùng cũng có kết quả xét nghiệm tủy. “Em đã chuẩn bị tinh thần cho điều này nên không quá sốc nhưng em thấy tiếc”, tác giả “Vẫn tin ở ngày mai” cười nói bởi cô không muốn người đối diện phải an ủi, phải thương cảm…

Một ngày… vẫn như mọi ngày

“Buổi sáng, em đang ngồi chơi với cháu Vân thì nhận được điện thoại của chị phóng viên rất quan tâm đến việc ghép tủy của em. Chị ấy nói rất khó nhọc nên em đã đoán ra… Chị ấy nói là “Hình như không tìm được tủy phù hợp” nhưng em biết đó là sự thật” - Lê Minh Nguyệt, cô gái bị ung thư máu được Viện Huyết học Truyền máu Trung ương chọn ghép tủy miễn phí kể về giờ phút đón nhận tin mình sẽ không thể tiến hành ghép tủy.

 
Lê Minh Nguyệt: “Em đã sống có ích” - 1
“Chị Nguyệt thấp nhưng ý chị, nghị lực của chị ấy… cao lắm!” (Trong ảnh Nguyệt và người em kết nghĩa Bùi Huy Bách).

Ngay chiều 29/7, ngày Nguyệt đón tin xấu đến với mình, tôi đến nhà Nguyệt ở thôn Văn Quang, xã Nghĩa Hương (Quốc Oai, Hà Tây). Tôi đã hứa với Nguyệt ngày em có kết quả, dù tốt xấu thế nào cũng sẽ sang thăm em”.

Lúc tôi đến nhà, Nguyệt đang ở bên nhà bạn. Chị gái đi gọi Nguyệt về, vừa vào đến cổng Nguyệt cười tươi: “Có đứa em kết nghĩa ở Hà Nội lên chơi nên em đưa nó sang chơi nhà bạn”. Người em kết nghĩa của Nguyệt là cậu Bùi Huy Bách, học sau Nguyệt một khóa. Bách nói: “Sáng nay biết tin, em sang đây luôn”, rồi cậu nói với tôi nhưng như là để thanh minh với Nguyệt: “Em sang không phải để an ủi chị Nguyệt đâu. Em biết chị Nguyệt thế nào rồi… Em sang cho biết nhà, chị em chơi với nhau lâu nhưng đã có dịp lên nhà chị đâu”.

Nguyệt chủ động vào chuyện: “Khi em nghe điện thoại, mọi người trong nhà đều nghe và hiểu được phần nào. Không ai hỏi em câu gì, mọi người hiểu tính em. Nỗi đau nào cũng thế, em luôn để mình ngấm dần đến khi lấy lại được tinh thần thì mới báo tin cho mọi người. Bản thân mình có bình tâm thì mọi người mới đứng vững được”.

Trước đây khi có tin mình được ghép tủy miễn phí, các bác sĩ ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã nói trước với Nguyệt khả năng không tìm được tủy phù hợp để ghép là rất lớn nên điều xấu nhất cũng nằm trong dự đoán của cô. Nhưng có gặp Nguyệt lúc ấy, mới thấy cô giáo trẻ Lê Minh Nguyệt mạnh mẽ mức nào trước một hy sống bị dập tắt.

Nguyệt cười: “Ngày hôm nay vẫn như mọi ngày của em thôi. Bách lên chơi em dẫn cậu qua nhà mấy đứa bạn học cùng cấp ba rồi nhân thể báo tin… không mấy vui của mình. Mấy đứa liền chạy đi mua một bịch bim bim và kem về. Được ăn kem là em quên hết mọi chuyện”.


Lê Minh Nguyệt: “Em đã sống có ích” - 2
Chơi với cháu gái là cách để Nguyệt quên đi nỗi buồn của mình.

Người thân của Nguyệt cũng không ai tỏ ra quá chán nản trước kết quả không tìm được tủy phù hợp để ghép cho Nguyệt. Mẹ Nguyệt, cô Nguyễn Thị Uyên thở dài nhưng không để con gái nhìn thấy: “Cả bốn chị em mà không ai trùng tủy cả. Nguyệt đã thế mình mà suy sụp thì con sẽ thế nào”.

Nguyệt là vậy, cô không thích ai phải an ủi mình: "Em muốn nghe những lời động viên hơn là những lời an ủi. Nghe những lời ai ủi mình thêm yếu đuối. Gia đình em biết thế nên không ai tỏ ra chán nản, bi quan vì sợ em bật khóc".

Đúng thế thật nhưng nhìn sẽ thấy chị gái và hai người em của Nguyệt đang trải qua những giây phút nặng nề như thế nào. Họ gần như không muốn tin mình không trùng tủy với Nguyệt, không cứu được Nguyệt như mong muốn…

Em đã sống và có rất nhiều người bên mình

Nguyệt vẫn viết tiếp những dòng nhật ký của mình. Những dòng nhật ký được viết trên giấy photo chỉ còn một mặt sẽ được Nguyệt giữ lại rồi nhờ bạn bè đánh máy. Nhưng sau lần mổ u trong bụng, Nguyệt không ngồi viết được lâu, phải nằm ngửa mới viết nổi. Những trang viết này sẽ là cuốn tự truyện thứ hai của Nguyệt đúng như tâm trạng của cô lúc này: “Thêm một lần nữa em “Vẫn tin ở ngày mai”.

 
Lê Minh Nguyệt: “Em đã sống có ích” - 3
Nguyệt tiếp tục những dòng nhật ký của mình trên những tờ giấy photo một mặt.

“Nói em không buồn là không đúng nhưng những lúc đó em làm việc khác để quên đi. Lúc đó em viết nhật ký hoặc chơi với bé Vân, con chị gái là em thấy nhẹ nhõm trong người. Bé Vân bập bẹ được rồi, nhưng chỉ nói được một từ. Cả ngày cháu cứ gọi ngang em: “Nguyệt!” em có buồn đến máy thì cũng phải bật cười”.

Nguyệt đưa ra những tờ A4 mà Nguyệt đã ghi lại tin nhắn của mọi người khắp niềm đất nước gửi cho mình. Đó là những lời cảm phục về nghị lực của cô gái bé nhỏ này và cả những tin nhắn nói với Nguyệt mọi người đang kêu gọi tham gia hiến máu để giúp đỡ Nguyệt… Trong đó, Nguyệt nhớ nhất tin nhắn của một thầy hiệu trưởng trường Tiểu học Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. “Suốt mấy đêm thầy không ngủ, cứ nghĩ mãi về em - một nhà giáo giàu tâm huyết và nghị lực. Thầy rất cảm phục và tự hào vì trong đội ngũ nhà giáo có những người như em. Mọi người mong em khỏe mạnh trở lại bục giảng, thầy và các thầy cô trường thầy sẽ luôn nhớ tới em”.

“Em thấy mình đã sống không vô ích dù cuộc sống của em quá ngắn ngủi. Có rất nhiều người quanh em, bạn bè, người thân và cả những người mình không bao giờ được gặp mặt. Thế thì có gì em phải hối tiếc” - Ánh mắt Nguyệt tràn lên niềm hạnh phúc. Thời gian tới Nguyệt sẽ tiếp tục điều trị với mong muốn đầu năm học có được sức khỏe để có thể di dạy.
 
Còn bây giờ mong muốn của em thật đơn giản: “Em muốn đi cho biết hết Hà Nội. Em thích nhất là công viên Nước Hồ Tây nhưng chưa có dịp đi bao giờ. Chắn chắn em sẽ đi!”...
 
Lê Minh Nguyệt: “Em đã sống có ích” - 4
Nguyệt ký sách tặng bạn bè, người thân và cả những người luôn bên mình.

Nguyệt rất thích chụp ảnh, hôm nay Nguyệt đã nhờ tôi chụp rất nhiều ảnh. Bạn bè trong xóm cũng qua chụp ảnh cùng cô. Trước khi tôi về, Nguyện nhờ: “Chị in cho em mỗi kiểu một ảnh với nhé, tuần sau  xuống Hà Nội khám lại, em sẽ gọi cho chị để lấy ảnh. Em muốn lưu lại kỷ niệm với mọi người”.

Tôi ấn tượng mãi với câu nói của Bùi Huy Bách, em kết nghĩa của Nguyệt,: “Chị Nguyệt thấp hơn em nhiều nhưng ý chí, nghị lực của chị ấy còn lâu em mới bằng được”.
 

 Sau khi Nguyệt biết tin mình được ghép tủy miễn phí, Lê Minh Nguyệt đã tặng hàng trăm cuốn tự truyện “Vẫn tin ở ngày mai”. Bây giờ, Nguyệt phải tích góp bán sách để dành tiền điều trị. Những ai muốn tìm mua cuốn tự truyện này của Nguyệt liên hệ với bạn Hoàng Văn Thắng, nhà số 6, ngõ 32, Nguyễn Văn Trỗi, Thanh Xuân, Hà Nội, Số điện thọai liên lạc: 0977.966.404, hoặc bạn Nguyễn Thị Nhung, điện thoại: 0976.998.782.

 
 

Bài và ảnh: Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm