Lập “đội thiện chiến” khởi nghiệp để chung lưng đấu cật
(Dân trí) - Đó là những chia sẻ của một trong các doanh nhân trẻ đến với buổi giao lưu mang chủ đề: “Sinh viên với vấn đề khởi nghiệp” diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chiều ngày 23/11, các bạn sinh viên Hà Nội đã được gặp gỡ, giao lưu cùng những doanh nhân trẻ, bước đầu thành công trong quá trình khởi nghiệp những năm qua. Buổi giao lưu “Sinh viên với vấn đề khởi nghiệp” do Hội Sinh viên Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam tổ chức nhằm tạo diễn đàn cho các bạn trẻ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, đồng thời tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp cho chính các bạn.
Đại diện các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp thành công, anh Trần Quang Hưng - người đồng sáng lập một mô hình văn phòng mở cửa 24/7 tại Việt Nam chia sẻ: “Nếu chúng ta không cân nhắc tới việc khởi nghiệp tại thời điểm này thì có thể chúng ta sẽ bị lỡ thời cơ, bởi vì một vài năm nữa luồng nhân sự mới, cơ chế, sự rộng mở của nguồn vốn... có thể thay đổi.
Dù rằng tỉ lệ thành công của khởi nghiệp sáng tạo là không quá 10% nhưng tinh thần của khởi nghiệp của người trẻ là luôn luôn đứng lên, làm lại từ đầu sau khi vấp ngã. Chúng ta không bao giờ từ bỏ”.
Anh Hưng nói tiếp: “Sau những thất bại, các bạn sẽ học được những bài học để làm tốt hơn ở lần sau. Và để giảm thiểu tỉ lệ thất bại, bạn cần phải tìm hiểu kĩ về tất cả những yếu tố cần có để khởi nghiệp, bao gồm: nguồn vốn vay, thủ tục giấy tờ, mặt bằng văn phòng... Sự chuẩn bị kĩ càng bao giờ cũng mang tới cho bạn khả năng thành công cao hơn”.
Anh Võ Ngọc Quí - giám đốc công ty khởi nghiệp về dịch vụ đặt món trực tuyến và ship đồ ăn tận nơi gợi ý cho các bạn sinh viên ý tưởng để khởi nghiệp: “Các bạn nên sử dụng mạng xã hội, Google để tìm kiếm ý tưởng cho bản thân.
Ban đầu mình là con số 0, mình phải đi tìm kiếm những người có ý tưởng, để ghép vào với họ nhằm tăng cao tỉ lệ thành công của cả đội. Vậy phải lập một đội “thiện chiến” để cùng nhau làm. Đó phải là một tập thể đoàn kết, không nề hà khó khăn, các cá nhân cùng “chung lưng đấu cật”, sẵn sàng góp sức với tiêu chí tất cả vì công việc”.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, anh Quí nói: “Đối với khởi nghiệp, chúng ta cần phải tìm kiếm những con người có kĩ năng, mục tiêu để hỗ trợ cho nhau. Vì tỉ lệ thành công của khởi nghiệp thấp nên các bạn phải linh hoạt, cần phải biết chuyển đổi hướng đi khi không hợp lý. Ví dụ như ở công ty mình, thậm chí khi thiếu shipper, mình có thể tự mình đi ship hàng”.
Anh Quí nói thêm: “Bạn lúc nào cũng phải tập trung, trăn trở về ý tưởng của mình. Không ai có thể dạy bạn bất cứ điều gì. Về đối thủ, bạn suy nghĩ về họ để tự thấy được điểm mạnh, yếu của mình nhưng đừng chìm quá sâu vào đánh giá đối thủ mà hãy tập trung tìm kiếm thị trường “ngách” để đánh vào, tìm kiếm cơ hội. Thị trường chính là đối thủ của bạn, những cái gì truyền thống chính là đối thủ của sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo”.
Trong buổi giao lưu, một bạn sinh viên đặt câu hỏi là làm thế nào để thành công trong khi có rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp. Anh Võ Ngọc Quí trả lời: “Ý tưởng khởi nghiệp cũng có rất nhiều ý tưởng giống nhau nhưng đội nào có sự cố gắng, có khả năng thực hiện ý tưởng đó một cách thiết thực, khả thi nhất thì sẽ thành công”.
Sinh viên Nguyễn Trọng Minh đặt câu hỏi về huy động vốn khởi nghiệp: “Người người nhà nhà khởi nghiệp thì sinh viên làm sao để cạnh tranh gọi vốn. Anh chị làm thế nào để giúp đỡ sinh viên?”.
Về vấn đề này, anh Trần Quang Hưng đáp: “Thương trường là chiến trường. Cuộc chiến để giành nhà đầu tư cũng không dễ dàng. Ví dụ có ý tưởng rất tốt, các bạn nên tìm đến những người đã từng thành công trong lĩnh vực đó. Chúng ta phải thử mới biết được là chúng ta có thể làm ý tưởng của mình thành sự thật hay không. Chúng ta chỉ cần mạnh dạn hơn”.
Diễn giả của chương trình cũng trả lời câu hỏi về hành trang cần thiết để các bạn trẻ khởi nghiệp chính là kiến thức các bạn được học trong nhà trường. Và những cuộc thi dành cho sinh viên khởi nghiệp cũng là cơ hội để các bạn thử nghiệm khả năng của bản thân. Từ đó, các bạn trẻ học được những bài học, kinh nghiệm thiết thực cho việc khởi nghiệp.
Mai Châm