Lạnh ớn người sau vụ 2 nữ sinh bị cưỡng bức tại phòng trọ
(Dân trí) - Ngày 19/2 vừa rồi, ở Kom Tum, ba thanh niên đã xông vào phòng trọ giả vờ xin nước rồi giở trò cưỡng bức hai nữ sinh. Ở trong nhà mà vẫn bị cưỡng hiếp, đủ thấy sinh viên thuê trọ đang phải sống chung với nhiều mối nguy hiểm như thế nào.
Theo chân Thúy, sinh viên năm thứ hai trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) đến xóm trọ của cô trong một con hẻm trên đường Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân). Từ ngoài đường, rẽ vào ngõ, rồi còn một con hẻm cũng phải dài hơn cây số mới đến được khu trọ nằm khá tách biệt ở cuối hẻm. Chỉ có một mặt của khu trọ là giáp các hộ gia đình khác nhưng lại cách một khoảng đất trống, lại bị ngăn cách bởi bức tường cao gần 2m. Ba phía còn lại toàn là rau muống mọc xanh rờn.
Thúy nói: “Mỗi lần tắm hay đi vệ sinh chúng em đều thấy sợ. Lúc nào có người ở nhà mới dám đi. Xóm trọ ít người nên càng ngại, cũng chẳng thân thiết với phòng con trai vì người chuyển đến, chuyển đi suốt”.
Cánh cửa sau cũng chẳng mấy an toàn, hai thanh gỗ mỏng được lắp lại và một cái chốt. Vì thế mỗi tối, trước khi đi ngủ Thúy và cô bạn ở cùng đều phải kéo chiếc bàn học ra chèn cửa. Ở xóm trọ có ba bạn nữ đi dạy thêm, tối nào về cũng đứng ngoài ngõ nháy máy chờ mấy người trong phòng đi bộ ra đón vào vì không dám một mình đi qua ruộng rau muống vắng đến rợn người.
“Lúc nào cũng đề phòng, cũng lo, em còn đặt một con dao đầu giường, chẳng bao giờ dám ở lại xóm trọ một mình nhưng bọn em không có ý định chuyển đi. Mỗi phòng này giá 500.000 đồng, giờ không tìm ở đâu ra giá này hết” - Lương, cô sinh viên ĐH Thăng Long thuê trọ ở đây cho hay. Lương cũng kể, ở xóm trọ nhiều đêm có tiếng động lạ nhưng không ai dám lên tiếng, đành nằm im thin thít.
Không đến mức “ốc đảo” như xóm trọ trên nhưng xóm trọ của Hồng, ĐH C nằm ở cuối làng Kiều Mai (Phú Diễn, Từ Liêm) cũng thuộc kiểu… “có kêu cũng chẳng ai nghe”.
Ở xóm trọ này, những lúc chỉ 1-2 phòng có sinh viên ở nhà thì lại xuất hiện người lạ đi lại như thám thính. Hồng kể mà vẫn chưa hết run: “Tuần trước, xóm trọ đi vắng gần hết. Có cô bạn học trường Thương mại nghe tiếng lục cục trước cổng, tưởng sinh viên nào về liền mở cửa phòng thì thấy hai thanh niên lạ hoắc đang trèo cổng vào. Hai cậu này tiến lại đập cửa phòng nữ sinh này ầm ầm, cô nàng ngồi trong tím mặt vì sợ. Cũng may, cô bạn phòng bên cạnh hét toáng lên: “Bọn mày cứ đập nữa đi, tao vừa gọi cho… 113 đấy!”. Nghe thế hai tên kia mới tìm đường chuồn”.
“Lúc xóm trọ đông vui thì không có vấn đề gì, nhưng hôm nào mọi người đi vắng thì sợ thật. Khi đó mình lại chốt cửa ngồi im trong phòng. Nhưng nếu có ai phá cửa xông vào, mình kêu cứu chắc cũng chẳng ai biết mà cứu…” - Hồng nói.
Cũng vì lý do “sợ”, nhiều sinh viên đến thuê phòng ở xóm trọ này được một thời gian lại chuyển đi. Nhưng số đông vẫn phải “bám trụ”, vì giờ tìm được một chỗ trọ mới thật chẳng dễ dàng. Và không ít các sinh viên đang sống ở những khu trọ tách biệt, nhất là các khu trọ vùng ven. Ở đó, họ phải đối mặt với những lo lắng, sợ hãi thậm chí kể cả lúc ở trong phòng đã cửa đóng, then cài!
Hoài Nam