Lâm Xuân Nhật: “Tại sao không vươn cao hơn?”

Nếu dùng một từ để nói về Lâm Xuân Nhật, lớp trưởng lớp Cử nhân tài năng khoa Công nghệ thông tin ĐH KHTN thì cụm từ “chàng thợ săn cừ khôi” có lẽ là phù hợp hơn cả vì bộ sưu tập đáng nể những giải thưởng, danh hiệu, học bổng từ “xịn” đến “rất xịn” Nhật đang sở hữu.

Bên cạnh những bí quyết, phương phâm sống và làm việc, “ngôi sao” này cũng có những trở trăn, lo lắng… rất “8X”.

 

“Đặt ra mục tiêu và quyết tâm chinh phục”

 

Tóc rẽ 7-3 khá lãng mạn, hơi tròn trịa, giọng Sài Gòn ngòn ngọt, hay cười và thường quay như chong chóng với hàng núi công việc nên Nhật đi “hơi bị nhanh” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

 

Vừa tập huấn 3 ngày ở Cần Giờ về, anh chàng đã lục tục chuẩn bị “khăn gói” lên Madaguil (Lâm Đồng) tổ chức cuộc giao lưu giữa lớp Cử nhân tài năng với lớp Báo chí II ĐH KHXH&NV. Xông xáo là thế song cũng có lúc Nhật “dừng lại” với những suy nghĩ vui vui mà rất thật: “Nhìn mấy em năm nhất tung tăng tung ta, thấy mình già quá! Nhớ hồi mới vào trường, gặp ai mình cũng gọi anh, chị, xưng em, bây giờ thì ngược lại!”.

 

Những thành tích liên hoàn như huy chương đồng Olympic tin học quốc tế năm 2002, vô địch cuộc thi lập trình trò chơi châu Á Agames 2003, cúp vàng siêu cúp cá nhân Olympic tin học SV toàn quốc 2004… - đối với Nhật là: “Những dấu ấn ghi lại từng chặng đường mình đã đi qua”.

 

Còn phương châm học tập của người bạn trẻ này là đặt ra mục tiêu và quyết tâm chinh phục. “Khi là học sinh lớp 3, mình quyết tâm đạt giải học sinh giỏi thành phố, lên lớp 9, mình đặt mục tiêu đạt giải học sinh giỏi quốc gia và khi học cấp III, một lần nghe tin một học sinh đoạt giải thưởng quốc tế mang vinh dự về cho đất nước, mình quyết tâm cũng sẽ làm được như vậy”.

 

Sống hết mình, làm hết sức nhưng cũng cần phải có kế hoạch. Nhật có thói quen lên kế hoạch cụ thể những việc phải làm vào ngày mai kể cả đánh răng, ăn sáng trước khi đi ngủ. Nháy mắt lém lỉnh, Nhật nói: “Sách bảo cần làm thế. Còn theo được bao nhiêu kế hoạch ấy thì còn tuỳ!”.

 

Chia sẻ về những thất bại như không vào được đội tuyển quốc gia năm lớp 5 vì đọc nhầm đề, sẽ đạt giải quốc gia cao hơn năm học lớp 11 nếu không nhầm một ký tự…, Nhật tâm sự: “Lúc ấy buồn và chua xót lắm, bây giờ là sinh viên, tỉnh táo rồi, ai cũng có thể nhầm nhưng phải phấn đấu để không phạm sai lầm lần hai”.

 

Những cái sợ và những nỗi trở trăn…

 

Tinh thần tự học của Nhật rất cao. Bằng B Anh văn lấy từ năm lớp 7, sau đó là quá trình tự học nhưng đã đủ tự tin làm thông dịch viên cho đoàn nữ vận động viên đi thi đấu giải bóng chuyền bãi biển châu Á tại Philippines năm 2002 hay trợ giảng cho giáo sư Singapore Yong Fook Seng trong một đợt tập huấn ngắn hạn tại Hà Nội.

 

Bên cạnh đó, môi trường ĐH, cụ thể là môi trường lớp cử nhân tài năng, yếu tố tự học lại càng có vai trò quan trọng. “Hỏi để hiểu” là một trong những bí quyết của Nhật và “không ngại hỏi, chỉ sợ không trả lời”.

 

Đứng trước những vấn đề khó khăn, người bạn này chỉ có một nỗi sợ duy nhất: “Sợ không tìm ra giải pháp chứ không sợ thất bại”. Bản lĩnh ấy đã góp một phần không nhỏ trong những thành công của Nhật trên những đấu trường tri thức.

 

Sống, làm việc nhiệt tình và cũng trăn trở mãnh liệt: “Có lúc, mình tự nhủ, có một cuộc sống bình ổn, với mình không quá khó. Nhưng ngay sau đó, mình tự hỏi: vậy thì tại sao không vươn đến một cái gì đó cao hơn?”. Chợt nhớ đến lời của anh Tăng Hữu Phong - chủ tịch Hội sinh viên TPHCM - trong một cuộc trò chuyện: “Trong thời đại tri thức ngày nay, chỉ cần đứng lại là đã thụt lùi”, có lẽ bạn sẽ hiểu trăn trở ấy của Nhật.

 

Theo Tuổi Trẻ