Làm thế nào để không sống hoài, sống phí?

Mai Văn Chu, SV năm cuối, ĐH Xây dựng HN, Sao Tháng Giêng 2011 nói rằng bạn rất thích câu nói nổi tiếng của nhân vật Paven trong "Thép đã tôi thế đấy": "Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận về những năm tháng đã sống hoài, sống phí…".

Tiết kiệm thời gian tuổi trẻ

Mai Văn Chu từng là thủ khoa đầu vào của trường ĐH Xây dựng mùa tuyển sinh năm 2007 với số điểm tuyệt đối: 30. Chỉ khi được vào học tại lớp Kỹ sư xây dựng Pháp ngữ thì Chu (vốn chỉ siêu Toán, Lý, Hóa) mới học vỡ lòng môn tiếng Pháp. Thế nhưng không lâu sau, Chu đã giành giải nhất trong liên tiếp 2 năm ở cuộc thi tiếng Pháp toàn trường. Với Chu thì mọi việc chỉ phụ thuộc vào một điều là bạn có thực sự muốn cố gắng không mà thôi.

Làm thế nào để không sống hoài, sống phí? - 1
Mai Văn Chu.

Chu có thể là sinh viên tốt nghiệp thủ khoa với số điểm tổng kết học tập đang dẫn đầu của trường ĐH Xây dựng: 8,89. Thời gian biểu của cậu kín mít là lịch học. Chu học nhiều đến mức đôi khi cũng thấy mình quá tải và muốn buông tay. Sau 2 năm đầu, Chu quyết định thay đổi phương pháp học tập: "Vì nếu chỉ suốt ngày cày cuốc với lý thuyết và sách vở thì giỏi lắm mình sẽ được 9 phẩy mà cuộc sống thì còn biết bao điều khác cần phải học". 

Năm thứ 3, Chu bắt đầu đến công trường xây dựng và làm việc không công ở các phòng thiết kế. Hiện tại, Chu đang thực tập tại Trung tâm Vật liệu nhiệt đới của trường. Chỉ có thâm nhập vào thực tế cuộc sống, Chu và những sinh viên xây dựng cần mẫn mới hiểu được rằng, có những điều ghi trong giáo trình đã lạc hậu vô cùng, còn thực tế thì cách xa lắm lắm.

 "Những câu chuyện về giàn giáo, ván khuôn trong sách vở làm bằng gỗ của hàng chục năm trước đã khác xa so với hiện tại. Những vật liệu này giờ đã làm bằng sắt, bằng thép. Ví dụ nhỏ này chỉ để thấy, chúng ta không thể có một kiến thức toàn diện, không thể cán đích sớm nếu như chỉ biết dung nạp kiến thức một cách thụ động". Năm năm là sinh viên, Mai Văn Chu luôn luôn bận rộn vì điều cậu sợ nhất là lãng phí thời gian.

Tận dụng cơ hội

Có bất cứ cuộc thi và cơ hội nghiên cứu khoa học nào, Chu đều dốc sức tham gia. Chu được giải nhì Olympic Cơ học sinh viên toàn quốc, giải A sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, 2 giải nhất cấp trường môn Cơ học đất, được học bổng Toyota, giải 3 môn Sức bền vật liệu, học bổng thực tập văn hóa của AUF, là gương mặt Tài năng trẻ Thủ đô năm 2010…

Mai Văn Chu đã tham gia một CLB chuyên ngành của trường, CLB X50 với vai trò là thủ lĩnh. Các thủ lĩnh của nhóm ngoài việc tìm kiếm những cơ hội để sinh viên đi thực tập, thực tế cuộc sống công trường còn mang đến cả những cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trong nhóm. Năm thứ 3, Chu cũng tham gia nghiên cứu khoa học, bắt tay làm dự án cùng các thầy trong trường. Với đề tài "dầm có bản bụng lượn sóng", nghiên cứu này của Chu đang được các thầy chuẩn bị áp dụng vào một công trình lớn ở Thái Nguyên.

Dự định của Mai Văn Chu sau khi ra trường là tìm kiếm một suất học bổng tiến sĩ về xây dựng tại Pháp. Cậu còn muốn được học tập nghiên cứu sâu hơn nữa ở quốc gia khác đào tạo bằng tiếng Anh. Điều mà Chu mong muốn là nắm bắt được những xu hướng hiện đại nhất trong ngành học xây dựng để tự tìm cơ hội cho chính mình.

Theo SVVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm