Làm giàu từ 700.000 đồng và chiếc xe đạp

21 tuổi, Nguyễn Tường An sở hữu 2 cửa hàng tại Hà Nội là: Đồng hồ An An (Tây Sơn) và Time café (Hào Nam). Cô bạn có 14 nhân viên cũng là sinh viên. Khá bất ngờ khi điểm xuất phát của An chỉ là 700.000 đồng và chiếc xe đạp cà tàng.

Khởi đầu bằng 700.000 đồng buôn bán mỹ phẩm

 

Năm 2011, lên Hà Nội, học năm thứ nhất trường CĐ Truyền hình, trong một lớp gần 100% là nữ, Tường An nhận ra, bạn bè mình luôn mang theo mỹ phẩm đến giảng đường. Quyết định kinh doanh, An dành dụm được 700.000 đồng, mua mỹ phẩm Thái Lan từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), về bán trên một tấm bạt nhỏ, tại chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

 

Cô bạn chia sẻ: “Lúc ấy, chợ Nhà Xanh có rất nhiều cửa hàng quần áo giá rẻ cho sinh viên nhưng lại không có hàng mỹ phẩm. Mình “điền vào chỗ trống” luôn. Kết quả thật bất ngờ!”. Gian hàng chỉ 1,2 m2 ấy đã mang lại cho An doanh thu 300.000 - 500.000 đồng/ngày.

 
Nguyễn Tường An
Nguyễn Tường An
 

Bán lẻ mỹ phẩm được một năm, An tự hỏi: “Tại sao có những người trẻ lập nghiệp thành công, còn một số thì không?”. Để tìm câu trả lời, cô bạn xin làm thêm trong một shop thời trang phát đạt, do một ông chủ trẻ sở hữu.

 

An chia sẻ: “Ai cũng khuyên sinh viên đi làm thêm, cọ xát để lấy kinh nghiệm. Nhưng mình nghĩ khác. Làm gì cũng phải xác định mục tiêu. Để học kinh doanh thì phải vào cửa hàng buôn bán, chứ dành 7 - 8 tiếng làm phục vụ karaoke thì khó học được gì”.

 

“Bà chủ” đi xe đạp

 

Sau một năm học nghề trong shop thời trang, Tường An ra kinh doanh riêng. Để ý thấy người trẻ đang có mốt diện đồ đôi, từ quần áo đôi đến phụ kiện đôi, An nhảy vào thị trường “ngách”, hầu như chưa ai để ý, đó là đồng hồ đôi.

 

An thương lượng với một shop quần áo để sử dụng chung mặt bằng. Chịu 20% tiền thuê nhà, An đã có một góc tốt trưng bày đồng hồ. Cô bạn miệt mài đăng tin bán đồng hồ lên các trang rao vặt. Chủ đề vụt sáng trên các diễn đàn, bạn bè và khách hàng vào hỏi thăm tới tấp.

 

Chỉ trong tuần đầu tiên, khách hàng đã đông đúc. “Bà chủ” phải lóc cóc đạp xe 20 km từ nhà đến mối buôn lấy hàng, 2 lần/ngày mới đủ đồng hồ để bán. Khi sinh viên ngấp nghé hỏi mua giá sỉ để kinh doanh, An đồng ý ngay, thậm chí, cho phép các bạn nhập hàng trước, thanh toán sau. Tường An chia sẻ: “Các bạn sinh viên tuy vốn ít nhưng bạn bè nhiều. Phải giúp khách hàng làm ăn tốt thì cửa hàng mới sống khỏe được”.

 

Rồi khó khăn đến. Shop quần áo buôn bán lỗ, An phải gánh toàn bộ tiền thuê nhà. Bạn chia sẻ: “Mình rất đau đầu khi vừa phải tìm mối khách cao cấp hơn để tăng lợi nhuận, bù chi phí, vừa phải tiếp tục theo học cao đẳng. Đôi lúc, mình chỉ ước một ngày có 48 tiếng để làm xong mọi việc!”.

 

Đúng thời điểm ấy, An mất 2 thứ quan trọng: Chiếc xe đạp và điện thoại iPhone. Cô kể: “Chiếc iPhone là tài sản quý nhất của mình. Nó chứa bao nhiêu số điện thoại làm ăn và là công cụ duy nhất để mình chụp ảnh sản phẩm đăng lên mạng”.

 

Thua keo này ta bày keo khác, ngay trong tối hôm đó, cô bạn vắt óc tìm cách gia tăng doanh thu. Tìm hiểu các cửa hàng đồng hồ lớn tại Hà Nội, Tường An nhận ra mẫu của họ không phong phú lắm. Ý tưởng cung cấp hàng cho họ ập đến. An gọi điện xin gặp trực tiếp để thương lượng.

 

Bạn kể: “Có người từng nói mình điên, hỏi thẳng “em nghĩ các cửa tiệm lớn sẽ hợp tác với đứa trẻ ranh như em sao?”. Mình biết mình còn quá trẻ. Nhưng nếu mình chưa thử, thì không được nói không thể!”.

 
Cửa hàng đồng hồ của Nguyễn Tường An.
Cửa hàng đồng hồ của Nguyễn Tường An.
 

Giàu nhờ “cùng thắng”

 

Sau khi bị nhiều nơi từ chối, đã có một cửa tiệm đồng ý đặt 100 chiếc đồng hồ đầu tiên. “Mình đã chấp nhận giá bán thấp, bù lỗ nhiều để tạo dựng được uy tín. Vốn bỏ ra cho 100 cái đồng hồ rất lớn, khiến mình phải tiêu đến đồng tiền cuối cùng. Nếu họ không bán hàng được nhanh thì mình chết đói mất!”.

 

May mắn, đợt hàng đầu bán chạy, An có thêm đơn thứ hai, thứ ba,… Cô bạn chia sẻ: “Cảm giác tuyệt nhất trong phi vụ “mạo hiểm” ấy là những điều mình tin tưởng đều được chứng minh bằng kết quả!”.

 

Khi việc kinh doanh tốt lên, nhiều người nhảy vào thị trường đồng hồ giá mềm cạnh tranh với An. Họ ép giá bán thấp xuống để giành thị phần. Các khách hàng quen nói thẳng, nếu cô bạn không hạ giá thì họ sẽ không lấy hàng.

 

An tự hỏi: “Nếu cả hai nhà cung cấp cứ cạnh tranh bằng giá rẻ thì hai người đều thua lỗ. Làm sao đây?”. Nghĩ ra cách giải quyết “đôi bên cùng thắng”, An mời đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình ra quán trà đá, nói chuyện.

 

Tường An chia sẻ: “Mình và đối thủ thỏa thuận không “dìm” nhau nữa, mà cùng nhau nâng giá lên với tỷ lệ lợi nhuận cao hơn, cùng nhau chia sẻ các mối buôn của mình. Và bây giờ, từ đối thủ, bọn mình trở thành những đối tác và cũng là bạn bè tốt của nhau”.

 

Nhìn lại 3 năm kinh doanh, An chia sẻ: “Một cuộc sống tốt đẹp không thể nào dựng nên với nền tảng tài chính yếu kém. Mình cũng muốn chứng minh cho các bạn trẻ thấy, không cần có một xuất phát điểm tốt mới có thể kinh doanh thành công. Nếu mình đã đi lên chỉ từ 700.000 đồng và một chiếc xe đạp thì ai cũng có thể làm được!”.

 

Bí quyết của An

- Khi mới bắt đầu, hãy tìm cách chiếm lĩnh thị trường “ngách”.

 

- Giúp đối tác của mình sống tốt thì chắc chắn mình cũng sẽ sống tốt.

 

- Bán hàng chỉ cần có lãi nhỏ nhưng phải tăng quy mô lên dần.

 

- “Thua keo này ta bày keo khác”. Tai nạn, rủi ro chỉ là cơ hội để mình đi được xa hơn.

 

- Thay vì tranh nhau “miếng bánh” nhỏ, hãy “cùng thắng” để chia nhau “miếng bánh” lớn.

 

- Có ý chí làm giàu là rất tốt. Nhưng đừng dừng lại ở “ý chí”, “suy nghĩ”. Hãy làm ngay! Học từ người thành công đi trước, học từ trải nghiệm bản thân và giữ tinh thần không nản chí, bạn chắc chắn sẽ làm nên chuyện!

 

Theo Thanh Lam

Sinh viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm