Làm báo thời... Mobile
Sóng thần ở Thái Lan, video clip quay lén cảnh hành quyết cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein, những hình ảnh kinh hoàng và độc nhất của vụ thảm sát bằng súng tại ĐH Virgina, Mỹ... những hình ảnh gây cảm xúc mạnh mẽ cho độc giả đó đều được quay bằng mobile.
Đó chỉ là những ví dụ điển hình nhất cho thấy vai trò ngày càng lớn của điện thoại di động như một công cụ hữu ích trong báo chí, truyền thông thời mobile.
Hiển nhiên, các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp với nhạy cảm nghề nghiệp không thể không nhận ra các tiện ích vô cùng lớn lao mà các “chú dế nhỏ” có thể mang lại cho công việc của mình, và lại hiển nhiên, tiện lợi và phiền toái thỉnh thoảng cũng thích song hành cùng nhau!
Sẵn sàng lắng nghe 24/24
Đối với các phóng viên, nhà báo thì tác dụng đầu tiên của điện thoại di động là để giữ liên lạc thông suốt với các nguồn tin, đồng nghiệp và gia đình.
Thế nên việc tắt máy là cực kỳ hạn chế. Nhưng việc cái tít tít luôn trong tình trạng hoạt động 24/24 cũng đồng nghĩa với nguy cơ “bị làm phiền” vào những lúc không ngờ tới nhất.
Là một trong những phóng viên giữ số điện thoại di động “hotline” của một tòa báo lớn của thành phố Hồ Chí Minh, anh Giang mỗi ngày có thể nhận hàng chục cuộc điện thoại của độc giả khắp nơi gọi về mà không cần ngồi một chỗ trực điện thoại như trước đây, thật là tiện lợi đủ đường!
Thế nhưng, không phải là chú dế “hot” kia không gây cho anh những phiền toái nho nhỏ, anh cho biết: “nhiều khi cũng thấy căng thẳng lắm, vì tâm lý là đang “trực chiến” 24/24 mà, điện thoại đổ chuông là có khi phải lên đường ngay rồi, bất kể ngày giờ nào.
Mình không ngại nửa đêm nghe bạn đọc báo tin nóng, chỉ thương bà xã mất ngủ vì điện thoại kêu hoài, đêm mình cũng không dám để điện thoại ở chế độ rung vì sợ lỡ mất cuộc gọi nào của bạn đọc”.
Đối với những phóng viên hay phải đi công tác “bất thình lình” như anh Giang, thì việc trong người luôn có sạc pin và một “cơ số” các pin sơ cua cho cái a-lô là điều đương nhiên.
Anh giải thích: “cơ quan cấp cho mình cái điện thoại pin dùng cả tuần mới hết, nhưng thời đại báo điện tử, có khi đến hiện trường là gọi điện về tòa soạn “tường thuật trực tiếp” cho thư ký ở nhà luôn, “buôn” cả tiếng thế thì pin nào chịu thấu!”.
Tác nghiệp với a-lô
Không phải cứ là phóng viên thì lúc nào cũng lỉnh kỉnh đủ các thứ “đồ nghề” (laptop, sổ sách, máy ảnh,…) bên cạnh.
Nhưng đã là phóng viên thì cái “máu” nghề lúc nào cũng có trong người và có thể “tác nghiệp” mọi lúc, mọi nơi.
Thế nên thật dễ hiểu khi hiện nay “bạn đồng hành” trung thành của nhiều nhà báo thường là những chú “dế” nhỏ gọn có thể chụp ảnh chất lượng cao, quay phim tốt, ghi âm giỏi.
Anh Bình làm tại một báo điện tử cho hay: “mình toàn dùng thẻ nhớ có dung lượng cao nhất cho điện thoại, tiện nhất là khi gọi điện phỏng vấn và “set” cho cái điện thoại ghi âm cả cuộc gọi của mình luôn.
Thỉnh thoảng đi ngoài đường thấy có cảnh gì vui mắt thì chụp, hay như hôm đang đi trên đường thì gặp luôn 1 cái xe ô-tô đang đi thì bốc cháy, thiêu rụi cả tán lá của cái cây nhỏ trên vỉa hè, những bức hình chụp bằng điện thoại của mình sau đó “lên mạng” sớm nhất!”.
Điện thoại di động còn đặc biệt hữu ích cho những nhà báo điều tra, khi họ không phải lúc nào cũng có đủ các thiết bị chuyên dụng như lực lượng điều tra chuyên nghiệp.
Trong trường hợp đó, để phục vụ quá trình thu thập thông tin, chứng cứ, nhiều chú dế nhỏ trong túi các phóng viên đã phải trở thành những cái máy ghi âm, quay phim, chụp ảnh lén bất đắc dĩ!
Tuy nhiên, chẳng phải phóng viên nào cũng thích sở hữu những “di động” tích hợp quá nhiều chức năng, mà lý do họ không thích những chú dế quá hiện đại như vậy cũng chỉ vì… đặc thù công việc!
Anh Tân là phóng viên phụ trách một tạp chí chuyên về điện thoại di động trên truyền hình, chẳng có cái gì về điện thoại di động mà anh không biết.
Nhưng khi được hỏi về “chú dế yêu thích” thì anh cười mà trả lời ngay không cần suy nghĩ: “có lẽ do công việc phải tìm hiểu quá nhiều về điện thoại di động nên mình đã “bão hòa”, mình chỉ thích dùng Nokia 1100i, màn hình đen trắng, các chức năng chính là nghe, gọi, nhắn tin và… báo thức.
Nhưng đừng đánh giá thấp nó nhé, nó là cái điện thoại di động có số lượng bán ra được nhiều nhất trong lịch sử viễn thông đấy, tính đến thời điểm này!”
Giải trí
Lướt net và xem TV bằng điện thoại di động là hai "thú vui" mà có thể nói các nhà báo là những người "tiên phong".
"Lướt net" ở đây không phải là dùng dịch vụ GPRS của các nhà cung cấp dịch vụ mạng, "cách đó xưa rồi" - anh Tân cho hay, ngay từ khi nhiều người còn lạ lẫm với những chú dế của S-fone hay EVN thì anh Tân đã ung dung nối điện thoại với laptop lướt net "nhanh như ADSL" rồi, "khỏi cần phải cố kiếm cái quán café có wi-fi nữa, một thời gian tới chắc chắn điện thoại di động sẽ phổ biến trong vai trò một cái modem!".
Còn anh Liên, một người đã công tác trong ngành truyền thông được nhiều năm, và hiện điều hành một hãng phim thuộc một tờ báo lớn, đã là một trong những khách hàng đầu tiên của dịch vụ truyền hình di động của VTC.
Anh không thể quên được cảm giác "đã" khi các bạn sinh viên "bu" lấy anh ở một bến xe bus để cùng anh xem trận bóng của đội Việt Nam tại AFF Cup trên "em" Nokia N92 thu sóng truyền hình chuẩn HDTV cực nét; anh cười thật tười "tôi đứng đợi taxi thì không sao, chứ hôm đó nhiều bạn sinh viên mải xem mobile TV mà lỡ xe đấy!".
Ai cũng có thể trở thành nhà báo!
Cô sinh viên du học tên Ngọc Hân đã "buzz" tác giả bài viết này trên Yahoo Messenger chỉ để thông báo một tin "cực kỳ tốt lành và khó tin": Bài viết nho nhỏ vỏn vẹn gần 300 chữ và mấy bức ảnh minh hoạ của cô chụp ảnh sự kiện từ Paris đã được đăng trên một tờ báo lớn trong nước, và nhuận bút của bài viết khiến cô "giật mình" - "bằng 3 tháng lương của 1 sinh viên mới ra trường ạ!".
Đó là lần đầu tiên cô có bài đăng báo, và cảm hứng bài viết thì lại rất "mobile": "Em đi xem dàn nhạc giao hưởng của Việt Nam biểu diễn cùng một ban nhạc rock của Pháp, quả là sự kết hợp tuyệt vời, em đã chụp ảnh buổi biểu diễn đó bằng điện thoại mang theo, lúc xem lại ảnh em nghĩ tại sao mình không viết một cái gì đó".
Và thế là cô đã quyết định trở thành một "phóng viên thường trú" của báo nọ tại Paris, "phụ trách mảng trẻ, tất nhiên rồi!".
Đúng là, làm báo thời… di động!
Theo Việt Anh
Mobilenet