Kỳ tích của chàng sinh viên suýt bị chôn sống

(Dân trí) - Sinh ra đã chẳng may dị dạng vì ảnh hưởng chất độc da cam, lại suýt bị chôn sống vì “hủ tục” của làng. Vậy mà, với nghị lực đáng khâm phục, cậu sinh viên người dân tộc J’rai đã bền bỉ theo đuổi ước mơ con chữ đến tận giảng đường.

Cậu sinh viên người dân tộc J’rai ấy là Nay Djrueng (SN 1994, ở xã Krông Năng, huyện Krông Pa, Gia Lai). Nay Djrueng hiện là sinh viên năm Nhất, Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng.
 
Nụ cười tươi tắn này suýt chút nữa đã bị dập tắt ngay từ khi sinh ra vì hủ tục chôn sống
Nụ cười tươi tắn này suýt chút nữa đã bị dập tắt ngay từ khi sinh ra vì hủ tục chôn sống

Thoát “hủ tục”, từ trường làng đến giảng đường

Nghị lực phi thường của “hoa khôi” trên đường đua xanh
Nay Djrueng sinh ra không may mắn có được hình hài trọn vẹn như bao người bình thường khác. Hình hài bẩm sinh dị dạng của Djrueng do ảnh hưởng chất độc da cam. Djrueng có giấy chứng nhận là nạn nhân chất độc da cam sau khi được xét nghiệm vào năm 2006. Trước khi có chứng nhận khoa học đó, Djrueng suýt chút nữa đã là nạn nhân oan nghiệt của “hủ tục” ở làng: một đứa trẻ sinh ra dị dạng với làng là điềm gở, phải chôn sống đứa trẻ.

Ngay trong nhà Djrueng đã có một nạn nhân của “hủ tục”, đó chính là anh trai của Djruyeng - người anh đã mất vì bị làng chôn sống. Đứa trẻ thứ hai không may trong nhà là Djruyeng vừa lọt lòng đã bị làng mang đi chôn sống. May thay, có người phụ nữ làng bên hiểu chuyện đã ôm đứa trẻ vô tội bỏ chạy trong lễ tế làng ngay trước khi đứa trẻ bị chôn sống.Djrueng thoát chết trong gang tấc.

Chuyện hồi nhỏ, Djrueng cũng chỉ là nghe kể lại.Djrueng nói, khi nghe mọi người kể, Djrueng giận bố mẹ ghê gớm.“Sao bố mẹ lại làm ngơ để làng đem anh trai Djrueng, đem Djrueng đi chôn sống? Bố mẹ không biết thương đứa con mình đã sinh ra sao? ” - giọng nói của cậu bé Djrueng ngày nào giờ đã là chàng sinh viên 20 tuổi vẫn như có nước mắt. Bây giờ nhìn lại, Djrueng được đi học, được mở mang tầm nhìn ra khỏi bìa rừng vây quanh làng, Djrueng mới cảm thông, không chỉ có anh trai, không chỉ có Djrueng mà cả bố mẹ cũng là nạn nhân của “hủ tục” ở làng, nạn nhân của sự thiếu hiểu biết. Djrueng nói: “Mình đã ước mơ và đấu tranh để được cả nhà cho đi học thật xứng đáng”.
 
Djrueng tự học với chiếc laptop trên giảng đường
Djrueng tự học với chiếc laptop trên giảng đường

Từ ước mơ được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, cậu bé Djrueng đã phải đấu tranh với cả gia đình, đấu tranh với cả những ánh mắt kỳ thị, những lời dè bỉu. Vượt qua “hủ tục”làng để được đến trường, Djrueng đãtheo đuổi ước mơ con chữ tới cùng. Không có đôi chân lành lặn, đi một quãng đường Djrueng mất thời gian, mất sức gấp mấy lần người bình thường.Đứa trẻ bình thường tập viết vài hôm có thể viết hoa, viết thường khi đã quen mặt chữ. Không có đôi bàn tay, Djrueng chỉ có thể viết được chữ hoa, còn chữ viết thường phải mất hai năm, Djrueng mới viết được. Bền chí với nghị lực phi thường, từ những tiếng ê a vỡ lòng nơi trường làng, Djrueng đã thi đậu vào Cao đẳng công nghệ thông tin Đà Nẵng bằng chính sức mình, đến với giảng đường, đuổi theo con chữ, đuổi theo những ước mơ ngày càng bay cao, bay xa.

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

Sinh ra chẳng may mang hình hài dị dạng, tủi thân chứ, nghe kể hồi nhỏ, ngay cả bố mẹ mình nhắm mắt để cho “hủ tục” làng suýt chôn sống mình, đau chứ. Nhưng Djrueng chỉ tủi thân, chỉ đau khi Djrueng còn là một cậu bé.
 
Nay Djrueng vững vàng bước trên giảng đường bằng nghị lực và nước mơ bền bỉ của mình
Nay Djrueng vững vàng bước trên giảng đường bằng nghị lực và nước mơ bền bỉ của mình

Hỏi Djrueng điều gì luôn khắc sâu trong lòng, Djrueng trả lời đó chính là tình người mà Djrueng đã được nhận từ khi mới lọt lòng. Tình người ấy như ngọn lửa ấm nuôi nấng tâm hồn Djrueng, từ tấm lòng người phụ nữ đã cứu Djrueng thoát khỏi hủ tục, những thầy cô giáo ở trường học đã giúp Djrueng biết cách đi vững vàng hơn bằng chính đôi chân mình, những người đã bằng cách này hay cách khác, bằng sự hỗ trợ vật chất hay động viên tinh thần… đã giúp cho con đường đến giảng đường nhiều khó khăn của cậu học trò miền núi nghèo bớt gập ghềnh hơn. Đó là những người cho Djrueng hiểu và thấm “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Và Djrueng cũng đã sống như thế.Nhắc tới Djrueng, ông Trần Tấn Vinh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ thông tin nói: “Biết Djrueng là sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ Djrueng trong học tập và sinh hoạt. Nhưng nhiều giảng viên, sinh viên trường chúng tôi thay vì ấn tượng Djrueng là một nạn nhân chất độc da cam, cần được quan tâm, giúp đỡ; lại ấn tượng với Djrueng hơn ở hình ảnh một thành viên năng động trong đội công tác xã hội của trường”.

Không chỉ biết miệt mài với sách vở, với những kiến thức thu thập từ đủ mọi kênh; Djrueng luôn đóng góp ý kiến của mình trong các cuộc họp bàn kế hoạch hoạt động của đội công tác xã hội trong trường. Djrueng cũng góp sức mình tham gia hoạt động nồi cháo tình thương cho các bệnh nhân nghèo ở bệnh viện. Đi tình nguyện ở xã miền núi ở huyện Hòa vang (Đà Nẵng), Djrueng cũng tự tay sơn phết lại nhà cửa cho các cụ già neo đơn, các mẹ Việt Nam anh hùng. “Có bọn sinh viên chúng mình về, các cụ vui lắm.Rứa là bọn mình cũng vui. Mà thấy đợt trước vẫn chưa sửa sang lại nhà cửa cho các cụ hết được, bọn mình vẫn muốn quay trở lại nữa. Chắc kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 này, bọn mình quay lại thăm các cụ”

Và cậu sinh viên người dân tộc J’rai từng là đại biểu duy nhất của huyện Krông Pa, Gia Lai dự Đại hội biểu dương Người tàn tật và Trẻ em mồ côi tại Hà Nội năm 2007; vẫn luôn giữ ước mơ xây dựng thành công một cổng thông tin điện tử (web) như một nơi để những người khuyết tật giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sống, những câu chuyện từng trải để cùng nhau vượt khó. Nay Djrueng cũng kỳ vọng trang web sẽ là một kênh kêu gọi cộng đồng chia sẻ, hỗ trợ người khuyết tật.

Từ hồi học lớp 11, bắt đầu biết tới cái máy vi tính, Djrueng đã có ước mơ và cũng tập tành làm web. Thử nghiệm ban đầu thất bại, nhưng Djrueng không nản lòng, vẫn đang làm lại từ những bài học kinh nghiệm sau thất bại.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với Djrueng tưởng dừng rồi lại tiếp với một câu chuyện của Djrueng hồi nhỏ.Djrueng kể, hồi nhỏ Djrueng có ước mơ trở thành nhà văn, thành nhà viết kịch bản phim.Djrueng thích học văn lắm.Từ lớp 5, Djrueng đã thử viết truyện ngắn. “Mình cứ mơ mộng với những cốt truyện, cứ nghĩ xây dựng cốt truyện thế này, hay là viết thếkia, đang đi mà mải nghĩ ngợi, mơ mộng trượt chân xuống cầu thang, té đau bầm người là chuyện bình thường. Nhưng mình mãi vẫn không bỏ con người mơ mộng trong mình” - Djrueng tâm sự.Và thật sự thì Nay Djrueng đã khẳng định mình không chỉ là một anh chàng mơ hão.Dù bất hạnh, chúng tôi vẫn thấy Djrueng đã sống yêu đời và luôn mơ ước.Và với nghị lực đáng khâm phục, Djrueng vẫn đang từng bước biến những ước mơ của mình thành hiện thực.
 
Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” được phát động từ tháng 11/2013, đến nay đã nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Chương trình nhằm tôn vinh những tấm gương nghị lực Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước. Hai đêm Gala Tỏa sáng nghị lực Việt được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là dịp hội ngộ 21 tấm gương nghị lực điển hình được chọn từ cuộc thi viết “Gương nghị lực phi thường” với Diễn giả không chân không tay Nick Vujicic.

Khánh Hiền