Kỹ sư công nghệ thông tin đưa nông sản sa mạc về... vùng ngập lũ
(Dân trí) - Sau gần nửa năm chăm chút, vườn dưa leo sạch của Trần Khắc Thẩm đã xanh ngút ngát và bắt đầu cho thu hoạch, đạt 3 tạ/ngày. Giống dưa leo của đất nước Israel nóng nực xa xôi, dưới bàn tay và khối óc của chàng kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) này đã bén duyên với vùng rốn lũ Nam Đàn (Nghệ An).
Cầm cố sổ đỏ lấy vốn khởi nghiệp
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin, Trần Khắc Thẩm (SN 1993, trú xã Nam Phúc, Nam Đàn, Nghệ An) không xin vào các công ty, doanh nghiệp hay các cơ quan nhà nước mà quyết định dùng kiến thức công nghệ đã có để lập nghiệp trên chính đồng đất quê hương mình.
Thực ra ý tưởng phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nông sản sạch đã hình thành trong đầu chàng trai này từ lâu. Đất “Năm Nam” (5 xã thấp trũng phía Nam huyện Nam Đàn), ngoài việc hàng năm bị ngập lụt vài tháng không thể sản xuất được thì bù lại, một lượng phù sa lớn được bồi đắp sau mỗi mùa mưa lũ.
"Sao mình không tận dụng thế mạnh này trong khi ở nước ngoài không có đất người ta vẫn sản xuất được nông sản, không những thế còn là nông sản sạch, có giá trị kinh tế cao?", Thẩm lên mạng tìm hiểu, nghiền ngẫm.
Sau nhiều phương án, chàng trai này quyết định đưa giống dưa leo Israel về trồng thử nghiệm. Tất nhiên, muốn “ăn chắc”, không thể trồng theo cách truyền thống mà phải tính toán cụ thể, áp dụng và tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt theo công nghệ sản xuất của bạn. Để làm được điều đó, điều đầu tiên là phải có vốn.
Khi nghe Thẩm xin "cắm" giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lấy vốn trồng dưa leo, ông Trần Văn Quyền (bố Thẩm) “giật nẩy” mình. Đó là thứ tài sản tích góp cả đời của vợ chồng ông.
Hơn nữa, con trai ông học công nghệ thông tin, biết về nông nghiệp được bao nhiêu đâu mà bảo mang cả gia tài đi “đánh bạc với trời”.
“Nói thật lòng là khi cho con học đại học, tôi cũng mong nó thoát cảnh chân lấm tay bùn, tìm được một công việc nào đó ổn định, đúng với chuyên ngành được đào tạo.
Hơn nữa, vùng “Năm Nam” này mỗi năm mất mấy tháng ngập nước, mùa hè thì nóng nực, gió Lào, liệu làm nông nghiệp có “ăn” được không?
Tôi cũng nghĩ nhiều lắm, nhưng thấy con quyết tâm thì mình ủng hộ. Toàn bộ tiền cắm sổ đỏ, tiền tiết kiệm bao năm nay hơn nửa tỷ, giao hết cho Thẩm để làm ăn”, ông Quyền tâm sự.
Đếm dưa “hái” tiền
Có vốn, có khát vọng làm giàu và công nghệ sản xuất được chuyển giao từ các kỹ sư Israel, Thẩm bắt tay vào triển khai dự án của mình.
Một hệ thống nhà màng rộng 1.000m2 được dựng lên giữa đồng trước con mắt ngạc nhiên lẫn nghi hoặc của người dân trong xã.
25 tháng Chạp vừa rồi, trong khi dân làng tấp nập sắm Tết thì Thẩm và bố mẹ ra đồng xuống giống cho dưa. Những mầm xanh bén đất, nổi bật trên những tấm phủ ni lông rồi vươn mình leo lên dàn dây được treo sẵn...
“Đây là công nghệ sản xuất tiên tiến của Israel nên mình phải tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất của họ. Sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, hệ thống quạt gió điều hòa không khí nên có thể điều chỉnh được điều kiện lý tưởng cho cây sinh trưởng và phát triển.
Bên cạnh đó, đất cũng đã xử lý trước khi trồng 1 tháng, sử dụng phân bón hữu cơ được nhập từ các nhà sản xuất uy tín nên loại bỏ hoàn toàn các mầm sâu bệnh, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đáp ứng các tiêu chí của thực phẩm sạch”, Thẩm hào hứng chia sẻ.
Từ một kỹ sư CNTT, Thẩm trở thành “kỹ sư nông nghiệp” bằng vốn kiến thức chủ yếu là tự học, tự tìm tòi. Cậu có thể nói vanh vách từng giai đoạn của cây dưa leo kèm theo đó là việc chăm sóc như thế nào để đảm bảo phát triển tốt nhất. Hầu như cả ngày người ta thấy cậu lúi húi ngoài vườn, ngắm nghía, săm soi từng gốc dưa, từng chiếc lá…
“Từ ngày Thẩm trồng dưa, hầu như chả đêm nào vợ chồng tôi ngủ được ngon giấc. Bao nhiêu nỗi lo đè lên ngực, lỡ nó thất bại thì sao? Lỡ cây dưa leo này không phù hợp với chất đất ở đây? Lỡ mưa nắng trái mùa ảnh hưởng đến cây trồng…”, ông Quyền tâm sự.
Ông và vợ trở thành “trợ thủ” của con trai. Kiến thức trồng lúa, trồng màu ngót 50 năm của ông hầu như không có tác dụng khi cánh cửa nhà màng đóng lại. Ông bà cũng phải học quy trình chăm sóc cây dưa theo tiểu chuẩn mà Thẩm hướng dẫn.
Không phụ công người, cây dưa leo bắt đầu ra hoa, kết trái. Cứ mỗi mắt là một chùm hoa. Từ chùm hoa ấy sẽ có 2-3 quả, lúc lỉu kéo cả thân cây “oằn” xuống.
1 tuần trước, Thẩm đã cho thu hoạch lứa dưa đầu tiên, được 200kg. Đến nay, có thể tính là thời điểm thu hoạch chính, trung bình mỗi ngày vườn của Thẩm cho thu hoạch từ 250-300kg. Với mức giá trung bình 20.000 đồng/kg thì mỗi ngày, chàng trai trẻ này đút túi 5 triệu đồng.
Dưa khi thu hoạch một phần được Thẩm cung ứng cho một số cửa hàng rau sạch ở Nam Đàn, TP Vinh. Phần còn lại được bán lẻ cho người dân trong vùng để ai cũng có cơ hội được dùng nông sản sạch.
“Giống dưa này nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện sinh trưởng, phát triển sẽ cho thu hoạch trong vòng 3-4 tháng.
Tính trung bình mỗi cây 30 mắt, mỗi mắt 2-3 quả thì sẽ cho thu hoạch từ 60-90 quả cả vụ. Tuy nhiên do đang trồng thử nghiệm nên em chỉ tính khoảng 50 quả thôi”, Thẩm cho biết.
Theo nhẩm tính, khu vườn 2.300 cây, mỗi cây cho năng suất 50 quả, tương đương với 5kg, với giá bán buôn hiện tại là 20.000 đồng thì số tiền chàng trai này thu được sẽ không hề nhỏ.
Hiện một mình Thẩm đảm trách toàn bộ khâu đưa nông sản sạch đến với khách hàng. Với cách làm này, Thẩm vừa giảm được chi phí trung gian, người tiêu dùng có cơ hội sử dụng thực phẩm sạch với giá cả hợp lý hơn.
“Đến giờ phút này em có thể thở phào nhẹ nhõm rồi. Với việc ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại này thì cây dưa leo Israel đã thực sự bén đất vùng ngập lũ.
Sắp tới em dự định mở rộng sang các nông sản khác như cà chua, bắp cải, rau… để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng”, Thẩm tự tin nói.
Hoàng Lam