Kiệt sức vì bị sếp "hành": Cướp công trắng trợn, gọi điện cháy máy

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Bạn trẻ rơi vào trạng thái kiệt sức vì chịu sự áp đặt của quản lý, thậm chí, một số người ví cuộc sống công sở không khác gì "tù đày".

"Sếp nói tôi tuổi trẻ ngông cuồng, tôi cười sếp vì quản lý tồi tệ"

Nhớ lại những ngày "làm việc như tù đày" tại công ty cũ, Lê Hoa vẫn còn thấy ghê sợ. Cô nghỉ việc không phải vì "tuổi trẻ ngông cuồng" như sếp nói, mà bởi uất ức vì cách quản lý đầy áp đặt và bóc lột.

Một dạo, Hoa nghe vài người đồng nghiệp hỏi han cũng như thắc mắc "sao chị nghỉ việc vì tự ái năng lực, em thấy chị giải quyết tốt công việc mà". Sau này mới vỡ lẽ, đó là lý do người quản lý trực tiếp nói với mọi người trong công ty.

Kiệt sức vì bị sếp hành: Cướp công trắng trợn, gọi điện cháy máy - 1
Kiệt sức vì sự áp đặt của sếp (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Năm trước, cô quyết định bỏ lại công việc kế toán với mức thu nhập ổn ở TPHCM để về quê, chữa lành cho chính mình. Đi làm gần 5 năm, trải qua nhiều kiểu môi trường công sở, nhưng để gặp sếp "hành" đến mức chỉ muốn bỏ việc thì đây là lần đầu tiên.

Hoa nghẹn ngào nhắc lại việc bị sếp cướp công: "Bạn cứ thử tưởng tượng, bản thân ngồi làm việc từ sáng đến đêm suốt cả tuần trời, trưa chỉ ăn vội cái bánh mì cho kịp deadline, nhưng khi nộp báo cáo và kế hoạch thì quản lý không tiếc lời chỉ trích.

Đã thế, mình uất ức nhất là khi công sức của mình nhưng quản lý lại báo cáo với lãnh đạo là chị ấy làm, dù trước đó chê bai thậm tệ bản kế hoạch đó. Khi mình bày tỏ sự thắc mắc thì chỉ nhận được câu nói "em có giỏi thì lên làm quản lý đi rồi hẵng nói chị, tuổi trẻ bọn em chỉ nhìn thấy quyền lợi trước mắt thôi hả".

Chưa kể những ngày mình ốm, nằm bẹp dí mà chị ấy gọi điện "cháy máy" chỉ để thúc giục mình hoàn thành công việc. Sếp cũ của mình quản lý nhân viên với quan điểm "chỉ có công việc mới mang lại niềm vui". Nhiều lần chị ấy áp đặt góc nhìn cá nhân để đánh giá người khác, gây ra sự bất công".

Cảm thấy sự cố gắng không đạt kết quả như kỳ vọng, Hoa quyết định nghỉ việc. Khi nhận lá đơn của cô, người quản lý bĩu môi chê bai: "Không chịu được áp lực, hơi tí là muốn nghỉ việc. Em biết người ta gọi như thế là gì không? Là tuổi trẻ ngông cuồng, mãi chỉ ở vị trí nhân viên thôi em ạ".

Hoa không muốn đôi co, nói cho qua chuyện rồi chuẩn bị bàn giao công việc, giải thoát bản thân khỏi người sếp độc hại.

Sếp gọi cháy máy lúc nửa đêm

Đảm nhận vị trí nhân viên sản xuất nội dung tại một công ty làm đẹp, Trà My từng trải qua những ngày căng thẳng, thậm chí ám ảnh với tiếng chuông điện thoại.

Sếp của My thường xuyên nhắn tin lúc nửa đêm, nếu không phản hồi thì sẽ trách nhân viên thiếu trách nhiệm, không sát sao công việc.

Cô gái trẻ nhớ lại: "Có lần mình nghỉ phép, không bật mạng internet nên không biết sếp nhắn tin hỏi công việc. Nửa đêm đang ngủ, chuông điện thoại đổ liên tục. Mắt nhắm mắt mở nghe máy thì đầu dây bên kia sếp quát một tràng dài toàn lời trách móc.

Kiệt sức vì bị sếp hành: Cướp công trắng trợn, gọi điện cháy máy - 2
Người trẻ không dám từ bỏ công việc giữa "bão sa thải" (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Điều đáng nói, đầu việc này không hề gấp gáp, có thể giải quyết vào ngày hôm sau mà không ảnh hưởng gì đến công ty.

Một vài lần, sếp gọi lúc nửa đêm hay trong kỳ nghỉ phép thì không nói, đằng này, hầu như tuần nào mình cũng gặp phải tình trạng này.

Điều này khiến mình cảm thấy kiệt sức và chán nản".

Mặc dù rơi vào căng thẳng nhưng vì gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền khiến My vẫn phải "sống chung với lũ". Bởi nếu chuyển việc trong thời điểm "bão sa thải" như hiện tại, cuộc sống của My sẽ chênh vênh, tài khoản tiết kiệm của cô cũng không có quá nhiều tiền.

Phục hồi sau kiệt sức

Theo cuộc khảo sát Gen Z và Millennial năm 2022 của Deloitte Global, tình trạng kiệt quệ cả về sức lực lẫn tinh thần (burnout) chính là lý do hàng đầu khiến người trẻ nghỉ việc hàng loạt.

Theo đó, 40% Gen Z (19-24 tuổi) và 24% Millennial (28-39 tuổi) muốn rời bỏ công việc trong vòng hai năm qua. Deloitte cho rằng đây sẽ tiếp tục là "một vấn đề lớn đối với các nhà tuyển dụng", vì khoảng 46% Gen Z và 45% Millennial được khảo sát cho biết họ cảm thấy kiệt sức do môi trường làm việc.

Tiến sĩ Natalie Baumgartner, một nhà tâm lý học và chuyên gia hành vi tại nơi làm việc cho biết: "Khi tình trạng thiếu lao động tiếp tục diễn ra, nhân viên đang gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong công việc, điều này cản trở sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống".

Giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Cornell (Mỹ) Vanessa Bohns khuyên bạn nên suy nghĩ về những thỏa thuận "giúp bạn hạnh phúc hơn ở vị trí hiện tại" và đề xuất với sếp của mình.

Theo nghiên cứu với hơn 14.000 người tham gia, bà Bohns phát hiện ra rằng mọi người có "cái nhìn bi quan quá mức" về khả năng được sếp chấp nhận các yêu cầu đưa ra.

"Kiệt sức khiến chúng ta cảm thấy mọi thứ thật mệt mỏi. Phục hồi chủ động thông qua các hoạt động như gặp gỡ bạn bè, dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên và hoàn thành các mục tiêu cá nhân; nó sẽ giúp tái tạo năng lượng để giảm bớt cảm giác kiệt sức".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm