Kiểm chứng hiệu quả của 7 trào lưu chăm sóc da trên Tik Tok

Đức Chung

(Dân trí) - Ngày càng có nhiều bạn trẻ hưởng ứng các trào lưu làm đẹp trên Tik Tok. Nhưng liệu những phương pháp này có mang lại hiệu quả tích cực không, hay gây ảnh hưởng tiêu cực đến làn da?

Kiểm chứng hiệu quả của 7 trào lưu chăm sóc da trên Tik Tok - 1

Không phải trào lưu làm đẹp nào cũng có tác động tích cực đến làn da của chúng ta (Ảnh: iStock).

Hiện nay, những trào lưu làm đẹp trên các nền tảng trực tuyến như Instagram, Tiktok hay Reddit luôn được đông đảo các bạn trẻ quan tâm và áp dụng vào thực tiễn. Những trào lưu này không gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, và để thực hiện những trào lưu chăm sóc da (skincare) này chỉ cần những vật dụng đơn giản trong nhà, và thậm chí chỉ cần những đồ ăn không dùng đến. 

Tuy nhiên, da mặt của chúng ta không ai là giống nhau, vậy nên phương pháp làm đẹp này có thể hữu ích với người khác nhưng không hữu ích đối với chúng ta. Bên cạnh đó, nhiều người cũng lầm tưởng rằng phương pháp làm đẹp bằng nguyên liệu tự nhiên thì đều an toàn. Nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại.

Dưới đây là 7 trào lưu skincare thịnh hành nhất trên Tik Tok, và không phải trào lưu nào cũng mang lại tác động tích cực đến làn da của chúng ta.

Mặt nạ tự làm

Xu hướng tự làm mặt nạ đã dần trở nên phổ biến khi mà mọi người có nhiều thời gian ở nhà hơn do dịch bệnh. Kiểu mặt nạ này được làm từ các loại hoa quả, rau xanh, trứng, sữa chua, mật ong, dầu dừa, và dầu nguyên chất.

Khi nhắc đến dầu nguyên chất, mọi người đều cho rằng nó không gây hại đến sức khỏe. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra dầu nguyên chất có thể gây dị ứng đối với một số người vì chúng là chất được chiết xuất từ thực vật có nồng độ cao.

Bác sĩ da liễu Eileen Tan đến từ Trung tâm chăm sóc da Eileen Tan ở Mỹ cho biết: "Rất khó kiểm chứng hiệu quả của mặt nạ tự làm. Đặc biệt, với những người da dầu, mặt nạ tự làm có thể gây bít tắc lỗ chân lông và nổi mụn".

Mặt nạ làm từ soda baking

Baking soda là một trong những hợp chất thần thánh nhất trong căn bếp của mọi gia đình, nó có thể giúp lau sàn, làm trắng răng, thậm chí là làm bánh. 

Theo bác sĩ Tan, một lợi ích khác của baking soda chính là giúp tẩy tế bào chết trên da, giúp loại bỏ bã nhờn và mụn đầu đen. Tuy vậy, baking soda cũng được khuyến cáo không nên sử dụng thường xuyên: "Sử dụng mặt nạ baking soda thường xuyên sẽ gây ra tình trạng mất cân bằng độ pH tự nhiên trên da. Điều này sẽ dẫn đến ảnh hưởng không mong muốn như da ửng đỏ, bong tróc".

Chườm đá

Chườm đá là một trong những mẹo chăm sóc da phổ biến nhất trên Tik Tok.

Theo số đông phụ nữ trên Tik Tok, lăn đá trên mặt mỗi ngày có thể giúp thu nhỏ lỗ chân lông, giảm mụn trứng cá, giảm dầu và bọng mắt, đồng thời làm giảm các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn. Thậm chí, những người nổi tiếng như người mẫu Bella Hadid cũng thường xuyên đăng tải video rửa mặt bằng nước đá.

Bác sĩ Tan đồng ý rằng chườm đá có thể giúp khuôn mặt giảm sưng tấy, giảm đỏ rát, giảm đau do mụn viêm. Tuy nhiên, nó không giúp loại bỏ vấn đề mụn, cũng chắc chắn không thể giúp làm mờ nếp nhăn. Không chỉ vậy, nếu da bạn là da nhạy cảm, chườm đá có thể gây ra kích ứng và đỏ mặt.

Dưỡng da slugging

Đúng như tên gọi, áp dụng trào lưu chăm sóc da đến từ Hàn Quốc này sẽ để lại một lớp dưỡng chất dày đặc trên mặt bằng việc thoa dầu khoáng (còn gọi là Vaseline) khắp khuôn mặt trong bước cuối cùng của chu trình chăm sóc da. Vaseline được dùng để nhằm khóa ẩm và bảo vệ các dưỡng chất được bôi trước đó.

Vaseline quả thực là một dưỡng chất lành tính, dưỡng ẩm tốt, và được khuyến cáo sử dụng với số lượng ít. Khi sử dụng vaseline quá mức cần thiết, da của chúng ta sẽ trông mỏng và bóng nhẫy hơn.

Lăn kim tại nhà

Lăn kim không phải là một xu hướng chăm sóc sắc đẹp mới mẻ. Nó thường được bác sĩ và nhà da liễu học sử dụng trong bệnh viện, spa. Nhưng giờ đây, chính chúng ta cũng có thể sử dụng lăn kim tại nhà bằng các thiết bị lăn kim được bán trên thị trường.

Nhưng theo bác sĩ Tan, lăn kim tại nhà có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, như nhiễm trùng da do sử dụng không đúng cách. Ngoài ra, lăn kim quá sâu cũng có thể gây ra hiện tượng kích ứng da loang lổ. Chính vì vậy, chúng ta không nên thực hiện lăn kim tại nhà, đặc biệt khi sử dụng trên mặt, bởi vì đây là vùng da rất nhạy cảm.

Tự làm kem chống nắng

Clip hướng dẫn tự làm kem chống nắng (Video: Tik Tok).

Với thị trường làm đẹp có vô số lựa chọn kem chống nắng ở mọi loại giá cả, thật ngạc nhiên khi có nhiều người lại muốn tự làm kem chống nắng. Dường như nguyên nhân đằng sau chính là do những người này lo lắng về thành phần của kem chống nắng được bán, và họ tin rằng kem chống nắng tự làm sẽ là giải pháp an toàn và lành mạnh hơn.

Mặc dù các nhà khoa học không thể khẳng định được hiệu quả chống nắng của những loại kem này, nhưng họ đều nhấn mạnh rằng công thức của kem chống nắng tự làm không có sự ổn định. Nói cách khác, chúng không thích hợp để sử dụng, và sẽ dẫn đến việc không chặn được nhiều ánh nắng mặt trời.

Dùng nước hoa hồng glycolic acid như chất khử mùi

Dr Tan khẳng định rằng, glycolic acid sẽ không làm giảm mồ hôi, do đó nó không được coi là chất chống mồ hôi. Dù vậy, vị bác sĩ cũng chỉ ra rằng glycolic acid ở nồng độ thấp sẽ giúp giảm mùi cơ thể bằng tác dụng tẩy tế bào chết trên da, cũng như ngăn chặn sự sinh sản của vi khuẩn.

Nếu bạn muốn thử trào lưu này, hãy chú ý đến nồng độ acid, đặc biệt đối với da nhạy cảm, bởi vì glycolic acid ở nồng độ cao sẽ gây ra kích ứng da và cảm giác châm chích.

Theo cnalifestyle.channelnewsasia.com