“Khủng bố” cô giáo bằng... tình yêu

Là sinh viên năm thứ hai đại học, Mai nhận lời làm gia sư tiếng Anh cho một cậu học sinh cuối cấp THPT. Học trò của Mai là Chinh - cậu bé thông minh, nghịch ngợm...

Chính vì thế, cô giáo trẻ luôn phải cố gắng tìm cách thu hút sự chú ý của cậu trò nhỏ. Mai muốn thực hiện lời hứa với chủ nhà, giúp cậu vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với số điểm ngoại ngữ không tồi.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

 

Dù cố gắng, song cậu bé vẫn mải chơi và lơ là khi Mai giảng bài. Khuyên giải mãi không được, trong một buổi học, cô gia sư nổi giận mắng Chinh không thương tiếc. Không ngờ lần đó lại phát huy tác dụng. Những buổi học sau, Mai thấy học trò của mình đột ngột học chăm và tiến bộ hẳn lên.

 

Nhưng cũng từ đó, Mai cảm nhận được những ánh nhìn khác lạ từ cậu học trò này. Ngoài giờ học, cậu bé thường hỏi dò chuyện yêu đương của cô giáo.

 

Khoảng cách hai tuổi ít ỏi và thái độ của học trò khiến Mai lo lắng pha chút khó xử khi giảng bài. Và rồi, một ngày, đúng như sự nghi ngờ của Mai, cậu học trò tinh nghịch này viết thư gửi gia sư với những lời đầy ắp tình cảm....

 

Mai nghiêm khắc nhưng khá tinh tế cảnh cáo cậu trò nhỏ, nhưng mỗi buổi học, Chinh vẫn nhìn cô giáo với ánh mắt đầy tình cảm ấy. Điều kỳ lạ nữa là Chinh tiến bộ rất nhanh trong học tập khiến Mai cũng ngỡ ngàng.

 

Bên cạnh việc học tập “tiến bộ” thì tình cảm học trò Chinh dành cho Mai… cũng tiến bộ không kém. Hầu như ngày nào Mai cũng nhận được từ Chinh, lúc là thư, lúc là bưu thiếp, cô đều giả bộ bỏ lại thư và bưu thiếp lại nhà, nhưng đến hôm sau cậu trò nhỏ lại gửi cho bằng được.

 

Đã đôi lần, Mai định nghỉ dạy, song nghĩ đến sự phấn khởi của bố mẹ Chinh và kỳ thi tốt nghiệp sắp đến gần, cô lại tiếp tục.

 

Và rồi, một buổi học, Chinh tiếp tục gửi thư, lời lẽ tha thiết như “khủng bố”. Mai mếu máo khi đọc những dòng chữ yêu thương trẻ con của học trò: “Nếu cô không yêu em, em sẽ không học nữa. Thi tốt nghiệp đến đâu thì đến”.

 

Ngay ngày hôm sau, cô quyết định đến dạy buổi cuối cùng. Nghe tin cô giáo nghỉ, cậu bé lầm lỳ không nói một lời. Mẹ Chinh tha thiết giữ, nhưng cô từ chối với lý do kỳ thi chuyển khoa sắp đến gần.

 

Một buổi tối lang thang cùng đám bạn, Mai bắt gặp Chinh trong một cuộc nhậu, say sưa chơi trò đỏ đen với một nhóm người. Bối rối và bất ngờ, cô đưa học trò về nhà và tâm sự tất cả với mẹ Chinh.

 

Sau ngày hôm ấy, Mai tiếp tục vai trò cô giáo trẻ của mình, im lặng không trả lời tình cảm của Chinh, chỉ luôn miệng nhắc nhở em học tốt.

 

Mai đang chờ đến một ngày, khi cậu bé cầm trên tay tấm giấy báo đỗ đại học, cô sẽ nhận em làm cậu em trai ngốc nghếch của mình và khi đó chắc rằng cậu học trò cá tính này sẽ hiểu được nỗi lòng của cô.

 

Theo Phương Ly

Tấm gương/Tiền phong