Không khí Tết tràn ngập giảng đường
Theo thông báo của các trường, lịch học của sinh viên sẽ kéo dài đến hết ngày 10/2. Giảng đường những ngày cuối của năm Bính Tuất đang tràn ngập không khí Tết. Vừa học, vừa ôn thi nhưng nhiều sinh viên đã lo chu đáo tàu xe, quà cho gia đình ngày xuân.
Thờ ơ với vé ưu đãi
Mặc cho tình hình tầu xe về Tết nóng bỏng, hầu hết sinh viên ở xa đã có được tấm vé tàu trong tay. Sền Thị Hiền (quê ở Lào Cai), sinh viên năm thứ hai khoa Sử (ĐH KHXH&NV Hà Nội) đã nhờ các anh chị cùng quê mua vé tàu trước khi có đợt bán vé giảm giá cho sinh viên.
Trái với những lo lắng của Ga Hà Nội sợ quá tải khi gửi công văn đến các trường đại học, cao đẳng về việc kết hợp với nhà trường bán vé tàu Tết ưu đãi cho sinh viên, thì số lượng sinh viên đăng ký lại quá ít.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho biết: “Mặc dù đã có băng rôn, thông báo chi tiết tại các bảng thông tin về ngày và giá vé ưu đãi giảm từ 10-25% cho sinh viên, nhưng sau mấy ngày triển khai, chỉ có 30 vé ưu đãi được sinh viên mua trong khi số lượng sinh viên ngoại tỉnh lên tới gần chục nghìn”.
Tại ĐH Thủy lợi, trên tổng số hơn 5.000 sinh viên nhưng cũng chỉ có 15 người đăng ký mua vé giảm giá. Tại các trường ĐH, CĐ khác, tình trạng sinh viên thờ ơ với giá vé ưu đãi khá phổ biến.
Theo Thu Vân, thủ tục mua vé cũng như việc sắp xếp chỗ ngồi cho vé có giá ưu đãi chậm và có sự phân biệt so với giá vé thông thường khiến hầu hết sinh viên không chờ đợi và chủ động lo vé.
Với những sinh viên ở những tỉnh, thành gần Hà Nội, ngày về chỉ cần ra bến xe là sẵn sàng có xe quen dành chỗ. “Đó là những chuyến xe em đi nhiều lần trong năm. Nếu quá đông, chật chội thì cũng chẳng sao. Tết mà!” - Nguyễn Hải Yến, SV Khoa Quản trị kinh doanh (ĐH Hà Nội) nói.
Theo thông báo của các trường, lịch học của sinh viên đến hết ngày 10/2 (tức ngày ông Công, ông Táo lên trời, 23 tháng Chạp), tuy nhiên, lác đác có sinh viên nghỉ học trước thời gian cho phép 2-3 ngày để về quê sớm do lo ngại việc tàu xe đông đúc ngày cận Tết. Thường đó là những sinh viên ở các tỉnh xa.
Mua sắm quà Tết để về quê
Lo xong chuyện đi lại, một số sinh viên đang học tại Hà Nội tranh thủ mua sắm những món quà Tết đặc trưng rất sinh viên và tổ chức liên hoan chia tay cuối năm.
Lê Thị Nhíp, SV khoa Địa lý (ĐH KHTN Hà Nội) cho biết: “Ở quê em không có me khô và dâu tây, nên đây là món quà mà bố mẹ và các em của em chắc sẽ rất thích. Phòng em đã chuẩn bị tươm tất cho ngày chia tay về quê”.
Ngày cuối năm, những buổi chia tay thường được các sinh viên tổ chức liên hoan ngọt, mang tính chất nội bộ giữa những bạn cùng phòng trong ký túc hoặc bạn bè chơi thân với nhau. Đó cũng là dịp họ dành lời chúc, mong muốn tốt đẹp nhất cho bạn bè nhân dịp năm mới.
Nhậu tới bến...
Tuy nhiên, với nhiều nam sinh viên, đây cũng là ngày… nhậu tới bến. Vét cạn số tiền còn lại, họ nhậu thật sinh viên: Có thể uống rượu suông, nếu “sang” hơn thì nhậu với ngô cay, củ đậu...
“Đó là tình cảnh phổ biến của sinh viên ngoại tỉnh với mức sống trung bình - Thành, SV ĐH Luật cho hay - Muốn say mèm, tụi em phải ra nhà một bạn nào đó ở trọ, chớ có dại mà bù khú trong ký túc”.
Còn Nam (ĐH KHTN) cho biết, phòng ký túc chỉ là nơi trở về để ngủ sau chuyến chu du với nàng men. Tuy nhiên, nhiều nam sinh viên cho hay, việc nhậu của sinh viên chủ yếu chỉ để giải toả chuyện học hành, làm thêm sau cả năm mệt mỏi, căng thẳng. Đây cũng là dịp để bạn bè lâu ngày không gặp nhau hàn huyên bên chén rượu cay cho ấm dạ, sôi nổi nhưng cũng chỉ dừng lại ở một buổi chia tay năm cũ, đón năm mới trước khi mỗi người trở về sum họp bên mái ấm gia đình.
Phương Hiếu