Khởi nghiệp từ những tham vọng dành cho xã hội

3 nhân vật, khởi nghiệp ở những lĩnh vực khác nhau, sau 5 – 7 năm khởi nghiệp, họ ôm những giấc mơ mang đến sự thay đổi cho cuộc sống và xã hội.

Họ là Jimmy Phạm – nhà lãnh đạo trẻ Châu Á với ước mơ thay đổi cuộc sống của những trẻ em đường phố. Đó là Phan Thanh Thảo với ước mơ sản xuất dầu nhớt made in Việt Nam, và Bùi Đức Kỳ Anh với tham vọng xây dựng một mạng xã hội trên mobile dành cho giới trẻ.

 

Anh cả của trẻ đường phố

 

Anh là một Việt kiều Úc đã dành giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu cho những cống hiến không biết mệt mỏi trong việc giúp hơn 500 trẻ em đường phố và có hoàn cảnh khó khăn. Từ những năm 1996, anh là người đầu tiên có ý tưởng “quy hoạch” trẻ đường phố, đào tạo nghề nghiệp và dạy văn hóa để cùng nhau lao động và cống hiến cho xã hội. Khi đó, lần đầu tiên anh được trở về quê hương mình, gặp những hoàn cảnh trẻ em bụi đời lang thang kiếm sống qua ngày. Jimmy đã nảy ra ý tưởng tạo ra một ngôi nhà và làm một cái gì đó nhằm thay đổi những số phận này.

 

Jimmy Phạm và các học viên của mình
Jimmy Phạm và các học viên của mình

 

Anh chia sẻ, ước mơ của mình lúc đó đơn giản là tạo ra một mái ấm cho các trẻ em bất hạnh trong cuộc sống. Jimmy phải vượt qua vô vàn những khó khăn khi bản thân chưa nói sõi tiếng Việt, chưa thấu hiểu rõ suy nghĩ cũng như hoàn cảnh của trẻ em lang thang, vốn không có, không có ai giúp đỡ. Có những thời điểm Jimmy ngồi vỉa hè ăn bánh mỳ cùng các em nhỏ vì trong túi không còn một đồng nào. Bây giờ, với Jimmy không những đã thực hiện được ước mơ thủa ban đầu của mình mà còn cảm thấy hạnh phúc khi “chính các em ấy đã cho tôi sống trong một mái ấm gia đình KOTO, mang đến cho tôi nhiều bài học và suy nghĩ khác về cuộc sống này”, anh nói.

 

Anh chia sẻ ước mơ hiện tại của mình vẫn là giúp đỡ nhiều hơn nữa trẻ em đường phố thay đổi cuộc sống, đảm bảo tương lai cho nhiều trẻ em bất hạnh để các em có thể học được nghề ổn định quay lại đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

 

Chàng trai trẻ với tham vọng dầu nhớt “made in Việt Nam”

 

Phan Thanh Thảo là cái tên còn khá lạ lẫm trong cộng đồng kinh doanh trẻ tại Việt Nam. Ít ai biết anh đang là một trong những người liều lĩnh, dấn thân vào lĩnh vực sản xuất dầu nhớt mang thương hiệu Việt Nam từ những năm 2005. Nhiều người nói anh là tay mơ trong lĩnh vực này, là “châu chấu đá voi” trong thị trường dầu nhớt đã có nhiều ông lớn hiện nay. Nhưng với anh “bạn hãy cứ làm việc thật hăng say, làm việc hết mình với nhiệt huyết của tuổi trẻ, bạn sẽ có kết quả đền đáp xứng đáng”.

 

Phan Thanh Thảo với tham vọng dầu nhớt “made in Việt Nam”
Phan Thanh Thảo với tham vọng dầu nhớt “made in Việt Nam”

 

Gặp không ít thất bại những ngày đầu khởi nghiệp, nhưng anh không nản. Anh quan niệm “Mọi thất bại đều có một bài học đi kèm, nếu muốn sau này lớn mạnh thì phải học nhiều bài học khác nhau để rút ra kinh nghiệm” anh chia sẻ.

 

Ngày trước, ước mơ của anh đơn giản là sản xuất ra dầu nhớt mang thương hiệu Việt. Tự nhận mình đã làm được việc đó, và nay mong muốn của anh là “Để đi xa hơn và phát triển có lẽ tôi cần một “đòn bảy” và sự đầu tư từ bên ngoài để cùng tôi để mang thương hiệu dầu nhớt NPOIL xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực”.

 

Chia sẻ ước mơ hiện tại của mình, Phan Thanh Thảo nói “Có rất nhiều sản phẩm do người Việt sản xuất để phục vụ người Việt. Với tôi, dầu nhớt cũng vậy, tôi mong muốn mang đến cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm nhớt không thua kém gì chất lượng quốc tế”

 

Thành công nhờ đứng trên vai những người khổng lồ

 

Có rất nhiều con đường dẫn đến thành công, và Bùi Đức Kỳ Anh là một trong số những người chọn cách đứng trên vai những người khổng lồ. Thời điểm 2005 – 2007, khi ở Việt Nam chưa có một tiện ích nào trên điện thoại cho phép người dùng nhắn tin miễn phí. Kỳ Anh, cùng hai người bạn của mình đã lao đầu vào nghiên cứu, mày mò để tạo ra ứng dụng chat miễn phí trên điện thoại Ola, một tiện ích giúp giới trẻ đa phần là sinh viên lúc bây giờ hưởng ứng nhiệt liệt.

 

Anh kể, những ngày khởi đầu rất khó khăn vì xuất phát điểm là dân kỹ thuật, chỉ biết về công nghệ và thích mày mò nghiên cứu. Nhưng để khởi nghiệp thành công, anh phải mày mò về quản lý, tìm kiếm nhân sự giỏi, gây dựng quy trình và hệ thống làm việc…

 

Bùi Đức Kỳ Anh trong một cuộc gặp gỡ với các thành viên của mình

Bùi Đức Kỳ Anh trong một cuộc gặp gỡ với các thành viên của mình

 

Sau 6 năm, mạng OLA không chỉ phổ biến tại Việt Nam với hàng triệu thành viên mà đã có mặt tại rất nhiều nơi có cộng đồng người Việt sinh sống trên thế giới. Tuy nhiên, anh cũng gặp không ít khó khăn trước sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này. Chia sẻ về quan điểm của mình, Kỳ Anh nói “Cạnh tranh mang đến sự phát triển. Nhưng chúng tôi có lợi thế lớn đó là đội ngũ phát triển là những người Việt trẻ và cũng nên hiểu nhu cầu, tập tính của người Việt hơn ai hết để sáng tạo ra những dịch vụ phục vụ đời sống của người tiêu dùng”.

 

Hiện nay, anh vẫn ngày ngày nghiên cứu mày mò về công nghệ, và tìm hiểu những nhu cầu của người dùng để mang đến những giá trị thực sự. Ước mơ của anh bây giờ là “Xây dựng một cộng đồng những người chơi ngày càng văn minh, sáng tạo hơn, và tạo ra những tính năng giúp ích cho cuộc sống của người dùng” Kỳ Anh nói.

 

Minh Hoàng