Khoảnh khắc yêu thương
Bất cứ ai khi đến với buổi triển lãm “Khung cửa nhỏ” (KS Equatorial), sáng 25/5 đều xúc động trước hình ảnh những “cháu bé 17, 18 tuổi” bị câm điếc, hội chứng Down… ngô nghê, khéo nép đứng bên những bức tranh do chính các em vẽ.
Những nét vẽ còn non nớt, vụng về nhưng chúng đã giúp các em truyền tải một thông điệp đến với cuộc đời: các em cũng mong muốn có một cuộc sống bình thường như bao người khác!
120 bức tranh trưng bày trong buổi triển lãm chính là 120 niềm mơ ước bé nhỏ của các em khuyết tật. Mỗi bức tranh là một bằng chứng sống động cho những suy nghĩ, tâm tư của các em.
Cảnh trâu ăn cỏ trên đồng, cảnh tung tăng cùng bạn bè trên biển và đùa vui với sóng, cảnh đón Noel cùng ông già Tuyết…Tất cả là những điều các em tưởng tượng ra qua những gì các em thấy trên TV hay lời kể của các cô. Ấy vậy mà, chúng như có “hồn” và chuyển tải được niềm tin, sự khát khao cuộc sống của các em đến với những người chiêm ngưỡng.
Bé Lê Minh Châu ( 14 tuổi, lớp 6, Làng Hoà Bình Từ Dũ) ngồi trên chiếc xe lăn, buông thõng đôi bàn chân teo tóp, ngượng nghịu kéo cái khăn quàng đỏ cho thẳng thớm khi các cô phóng viên kêu em chụp một tấm ảnh bên cạnh bức tranh “Football” (Bóng đá) do chính tay em vẽ.
Bức ảnh của em được nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng chọn cùng 24 bức tranh khác đưa vào làm họa tiết cho bộ sưu tập áo dài mới của anh. Khi Sĩ Hoàng hỏi tại sao em lại vẽ bức tranh này. Em cười rất tươi: “Bức tranh này em rất thích. Em thích xem bóng đá, thấy các bạn chơi, mê quá! Ước gì em cũng có đôi chân lành lặn để chơi bóng cùng các bạn”. Bức tranh chỉ hoàn thành trong 1 tuần - khoảng thời gian khá ngắn. Đây thực sự là niềm khát khao và cố gắng rất lớn vì đôi tay em cũng bị teo nhỏ, cong quẹo, cầm bút rất khó khăn.
Sĩ Hoàng tâm sự rằng ban đầu anh chỉ có suy nghĩ đưa những bức tranh của các em thiếu nhi vào để các em không chỉ học, chơi mà còn để giữ trang phục truyền thống dân tộc này sẽ không bị mai một trong thời đại xã hội càng phát triển với đủ các loại trang phục Âu, Á…
Triển lãm khai mạc ngày 25/5/2005 và được trưng bày đến hết ngày 15/6/2005 tại Đại sảnh Khách sạn Equatorial.
Chương trình tập hợp 120 bức tranh của các em thuộc các trường: Trường Khiếm Thính Hy Vọng I, Trường Khiếm Thính Anh Minh, trường Dạy trẻ Chuyên Biệt Gia Định, Làng Hoà Bình (BV Từ Dũ).
Tác giả của những bức tranh này là 80 em từ 5 đến 17 tuổi. Đa số chất liệu được dùng là bột màu. Đặc biệt có 15 bức tranh được vẽ ra giấy, sau đó các em cắt vải ra từng mảnh nhỏ, xé tưa rồi khảm lại vào bức tranh.
Các tranh sẽ được bán với giá từ 45USD đến 60USD. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán tranh sẽ được giao lại cho nhà trường nơi các em đang theo học nhằm chi phí cho việc học tập của các em. |
Nhưng sau khi đến các cơ sở, các trường nuôi dạy các em khuyết tật, anh vô cùng xúc động khi nhìn thấy những bức tranh do chính các em vẽ. Những nét vẽ ngây thơ, non nớt, thậm chí là buồn cười nhưng rất hồn nhiên và gợi lên nhiều ước mơ về cuộc sống tươi đẹp trong những hình hài ngô nghê, quặc quẹo kia. Ý tưởng đưa bộ tranh vẽ của các em vào bộ sưu tập mới được anh hoàn thành nhanh chóng, chỉ trong 2 tuần lễ. Nhiều người nói rằng bộ sưu tập rất nhiều ý nghĩa như một hoạt động có ít, hỗ trợ cho những trẻ em kém may mắn.
Nhưng Sĩ Hoàng còn một ước mơ cao cả hơn: “Vụ kiện chất độc da cam vừa qua, chúng ta đưa ra những hình ảnh mất mát, đau thương rất thê thảm của các em. Điều đó cũng gây xúc động lòng người. Nhưng tôi lại có suy nghĩ khác. Ý nghĩ ấy có từ khi tôi nhận ra cách nuôi dạy, đối xử của các trường với các em rất bình đẳng và giống như những người bình thường. Như vậy thì, tại sao chúng ta cứ nhìn các em với những hình ảnh tội nghiệp?
Ngày 12/6 sắp tới đây, tôi sẽ đi Pháp để trình làng bộ sưu tập này, thông qua đó, tôi sẽ giới thiệu với nuớc bạn rằng những bức tranh này do chính các em là nạn nhân chất độc da cam vẽ nên. Tôi muốn họ biết các em không chỉ là hình ảnh của những mất mát, đau thương. Các em còn là những “nghệ sĩ sáng tạo”. Các em vẫn sống, vẫn có thể vẽ nên ước mơ của mình. Các em không phải xuất hiện trong niềm thương cảm nữa, mà họ phải nể các em vì sức sống mãnh liệt và biết say với ước mơ của mình”.
Không ai cầm được nước mắt khi các em lên biểu diễn cho mọi người đến tham gia triễn lãm xem. Những điệu múa lạ đời, biến tấu thất thường, hoàn toàn khác với những gì các cô đã dạy cho các em. Có em đưa tay lên múa còn ngượng ngùng, có em lại kéo quần đến… ngang ngực, nhìn nhau cười thích chí. Như vậy có nghĩa là các em đang biểu lộ niềm hạnh phúc của mình với mọi người.
Buổi triễn lãm không chỉ có những cái nắm tay, ánh mắt trìu mến, yêu thương mà còn có những mầm xanh mơ ước bắt đầu từ đây!
Theo Kim Lê
Tuổi Trẻ