Khi vị thành niên nếm “trái cấm” (kỳ 13)
Nếu như không gặp Gia Minh, được nghe những điều tâm huyết này thì tôi vẫn tưởng rằng tuổi trăng tròn của thế hệ 9X các em đầy ắp ánh dương và rực rỡ hoa tươi. Gặp mới hiểu được rằng thế hệ các em phải đối mặt với nhiều ngã tư đường và nhiều sức ép của thời đại.
Gia Minh: Nam, sinh năm 1980, tốt nghiệp một trường trung học dạy nghề ở Bắc Kinh. Năm lớp 9 bắt đầu có bạn gái, thành tích học tập trung bình.
Có một thời gian Gia Minh bỏ học, thành lập ban nhạc, nhưng sau đó cậu quay trở lại trường chăm chỉ ôn thi đại học.
Khi chúng tôi đang chỉnh lý bản thảo phỏng vấn thì cậu đã nhận được giấy gọi nhập học của một trường đại học nghệ thuật ở Bắc Kinh.
Gia Minh tâm sự: Từ khi còn rất nhỏ, em đã mơ hồ có cảm nhận về giới tính. Đó là cảm giác rất đẹp. Xung quanh em không có nhiều bạn gái lắm, và trong mắt em họ rất đáng ngưỡng vọng.
Em cảm thấy ngưỡng vọng các bạn gái từ khi nào?
Từ năm em học lớp 1, thậm chí trước khi đi học đã có ý nghĩ đó rồi. Có lẽ vì em không được tiếp xúc nhiều với họ.
Thời nhỏ, em có thích chơi với bạn gái không?
Rất thích! Đó giống như là một bản năng vậy. Em hay vòi vĩnh mẹ đưa đến chỗ bạn gái nào đó để chơi, mẹ em không đồng ý em cũng nhất quyết đòi cho bằng được mới thôi.
Sau này thì sao?
Vẫn mong muốn có được sự quan tâm của bạn gái và đặc biệt thích bạn gái chú ý đến mình.
Thí dụ vào những dịp lễ tết mà nhận được một tấm bưu thiếp chúc mừng của cô bạn gái mà em quý mến thì em sẽ rất vui mừng.
Đôi khi có hoạt động tập thể như đồng ca chẳng hạn, được đứng sát bên cạnh cô bé ấy thì em mừng lắm, vui ngấm ngầm đến tận tối, nhưng không hề có ý nghĩ xấu nào đâu ạ.
Em đã tiếp xúc với tri thức về giới tính như thế nào?
Em đọc trong sách vở. Trong lớp em có một bạn nam có cuốn tạp chí “đen”, viết “rùng rợn” lắm. Toàn những câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của các ni cô.
Em nhớ đó là một buổi chiều, chúng em nấp dưới bờ đê ven sông để đọc cuốn tạp chí, đọc xong bọn em đều thấy ghê ghê, nên cuối cùng phải vứt nó đi.
Sau đó, em lật tìm một số sách báo cũ trong nhà xem xem có gì không, để thoả mãn chí tò mò là chính chứ không học được tri thức gì mấy.
Em có một cậu em họ học tiểu học. Nó có thói quen thu hết những cảnh hôn nhau hay là cảnh nóng bỏng trên ti vi vào băng hình, đầy một băng ấy thì bọn em đóng cửa ngồi xem với nhau...
Gần gũi với phái nữ
Khi nào thì em bắt đầu nảy sinh tình cảm với bạn gái?
Từ hồi trung học cơ sở, vào quãng năm lớp 9. Hai chúng em rất mến nhau. Trước đó thường là người ta thích em nhưng em không rung động, hoặc là em rung động thì người ta lại chẳng thèm để ý đến em. Đến lúc ấy em mới biết thế nào là tình yêu đến từ hai phía.
Nguyên nhân nào khiến em thích cô bạn gái đó?
Cô bạn em là một cô gái đặc biệt, không dễ lẫn với những người con gái khác. Em đặt nhiều tình cảm chân thành vào mối tình đầu ấy. Em cảm thấy cô ấy rất đáng yêu, hai chúng em hợp nhau lắm.
Sau này thì sao?
Khi lên đến phổ thông trung học, chúng em không còn học cùng trường với nhau nhưng vẫn duy trì tình cảm thêm hai năm nữa.
Có việc gì đặc biệt khó quên trong thời gian yêu nhau không?
Không ạ! Hoặc là nói một cách khác thì việc gì cũng đáng để nhớ nên không có việc gì khó quên. Khi đó, em thấy mình không còn bé bỏng lắm, nhưng mọi người chắc đều cho rằng yêu vào tuổi ấy là quá sớm.
Hồi ấy em vất vả lắm, cứ như là một người chồng của cô ấy vậy. Ngày nào em cũng phải đưa cô ấy đến trường từ sáng sớm, buổi tối lại phải đón cô ấy về nhà, mà từ nhà đến trường xa ơi là xa.
Dù xa xôi vất vả nhưng được ở bên cô ấy em vẫn cảm thấy hạnh phúc vô ngần. Dần dà bọn em yêu nhau sâu đậm hơn, và cuối cùng chuyện gì phải đến cũng đã đến.
Em còn nhớ nụ hôn đầu chứ? Khi ấy em có biết hôn không?
Không ạ, tận hai năm sau em vẫn không biết hôn như thế nào.
“Không biết” tức là sao?
Em thấy người ta hôn nhau trên ti vi thì lưỡi phải động đậy cơ. Không hiểu như thế thì sẽ cảm thấy thế nào, em băn khoăn về chi tiết ấy mãi.
Việc đã rồi
Việc ấy xảy ra vào lúc nào?
Năm lớp 10, khi đó em khoảng 16, 17 tuổi. Hôm ấy, cha mẹ em đi dự một buổi liên hoan và muốn đưa em đi theo, nhưng em nói dối là phải tham gia chương trình huấn luyện cán bộ lớp vì lúc đó em đang là lớp trưởng mà!
Lần đó, em đã đưa bạn gái về nhà.
Khi ấy em có cảm giác gì?
Không hề lãng mạn như em tưởng tượng. Những tưởng ăn được trái cấm ngon lành, hoá ra đến lúc ấy mới ngã ngửa ra rằng chẳng có gì đặc biệt.
Nếu em có em gái hoặc có người bạn gái thân thiết nào thì chắc em sẽ dặn họ rằng, nên hiểu biết nhiều về chuyện ấy chứ đừng nên thử nó.
Sau đó cơ thể em có phản ứng như thế nào?
Biết nói thế nào nhỉ? Có lần nghe bạn bè nói đàn ông dễ hao tổn nguyên khí vì chuyện ấy, em cũng thấy hơi giật mình.
Quả là cơ thể của em suy yếu hơn trước nhiều. Thế là em nấu một nồi táo, hồ đào... to tướng ăn cho bằng hết. Phải mất gần một năm em mới thoát ra khỏi tâm lý hãi sợ.
Thực ra trong lòng em vẫn thích, nhưng không biết làm sao cho đúng. Nếu cứ mò mẫm như trước thì tự ti vì thấy mình không biết cách. Mỗi lần như vậy xong rồi em đều có cảm giác cực kỳ thất bại, và có áp lực nặng nề. Lúc ấy điều kiện cũng không được tốt cho lắm, thô sơ quá.
“Thô sơ” là sao?
Tức là không được thoải mái lắm. Thí dụ như phòng ốc nên ấm áp một chút chẳng hạn, phải tắm rửa sạch sẽ, không nên để bụng đói, và phải để dành thời gian tận hưởng.
Bạn gái em cũng không biết gì cả, bạn ấy cũng căng thẳng như em. Nhưng hình như con gái có năng khiếu bẩm sinh, các bạn ấy học rất nhanh. Còn em thì mãi không “tiến bộ” lên được bao nhiêu, và hầu như không cảm thấy điều gì vui sướng.
Các em mô phỏng theo phim ư?
Lúc ấy thì em chẳng nhớ những gì mình đã xem, mà cũng chẳng kịp áp dụng đâu. Rồi đến khi cơ thể bọn em có những thay đổi thì chúng em cực kỳ lo lắng, không biết đi hỏi ai. Bây giờ nhớ lại thì mới thấy mình bị giày vò rất nhiều bởi những băn khoăn ấy.
Em càng băn khoăn thì càng cảm thấy áp lực vô cùng nặng nề. Dường như trong lòng mình bị giằng xé vậy, có lẽ nhiều người làm điều ấy xong đều có cảm giác giằng xé như em, bởi vì nhiều bạn cùng lớp với em cũng có tâm lý ấy.
Em có sợ bạn gái mang bầu không?
Không!
Các em có dùng biện pháp tránh thai nào không?
Không dùng!
Vì sao?
Em cũng không biết nữa! Lúc đầu thì là vì lười, sau đó thì vì em thấy không thoải mái, với lại em cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình thôi.
Bọn em chia tay khi nào?
Năm bọn em học lớp 12. Lúc ấy cảm thấy không thể nào ở bên nhau được nữa.
Em có buồn không?
Cũng không buồn lắm, vì lúc đó em đã không muốn gặp cô ấy nữa rồi. Mọi điều dường như đã kết thúc.
Vì sao em hay có tâm lý hoài nghi, chán chường và mất tự tin như thế?
Lúc đó em quá mệt mỏi. Trước hết là vì ăn uống quá tệ, tại vì phải tiết kiệm tiền mua sách vở và đi xem phim nên hay phải bớt ăn đi, nhịn đói nhiều rất khó chịu.
Hơn nữa, em lại ít có thời gian nghỉ ngơi, hàng ngày phải dậy sớm để đưa người yêu đến trường. Thời gian đó em uể oải lắm, trong người không khoẻ nên chẳng thích cái gì cả.
Hạnh phúc không... ngọt ngào
Qua việc này em thấy bản thân mình là người như thế nào?
Em là người rất giàu tình cảm và nhiều ham mê mãnh liệt, nhưng lại thiếu suy xét và quy hoạch cho cuộc đời mình.
Em rất không hài lòng về mình?
Vâng, em luôn luôn không thoả mãn về mình, nhưng thực ra em lại là đứa rất yêu bản thân. Con trai bọn em thường bàn luận về vấn đề này bằng giọng điệu bông lơn, tò mò và hơi “hư đốn” một tí.
Em chẳng biết phải diễn đạt những chuyện ấy như thế nào. Chẳng hạn như em cảm thấy mình bị “yếu sinh lý”, yếu thận... Hình như các bạn của em cũng có những nghi ngờ như vậy.
Giờ đây em muốn nói với các bạn trẻ hơn rằng, nếu gặp phải tình trạng như em thì đừng quá lo ngại, đừng tự gây áp lực quá lớn cho mình, thực ra có rất nhiều người đều gặp phải vấn đề như vậy.
Hồi tưởng lại em mới thấy những lo lắng của mình khi ấy thật là ngu ngốc. Bởi vì em không thể nói với cha mẹ, cũng không thể tâm sự với bạn gái được. Em chỉ biết giả vờ mình rất tráng kiện, rất mạnh mẽ...
Thế đấy, quãng thời gian ấy em đã vướng vào mớ bòng bong như vậy. Thứ nhất là vì em không có tí kiến thức gì, thứ hai là vì không biết phương pháp làm sao. Nhưng tình cảm của em hồi ấy là hoàn toàn chân thực.
Bây giờ nghĩ lại, em có hối hận gì không?
Đến tận bây giờ em vẫn không dám chắc những chuyện đã qua để lại cho em cảm giác gì. Chỉ biết rằng thời gian đã trôi đi không lấy lại được nữa, lẽ ra nên làm gì đó để hoàn thiện mình thì tốt hơn.
Nếu bây giờ cho em cơ hội lựa chọn, em sẽ không lặp lại chuyện ấy. Những điều chúng em đã trải qua không hề ngọt ngào chút nào.
Khi ấy em tò mò hay là cơ thể em có nhu cầu thực sự?
Bình thường khi chưa gặp cô ấy thì trong lòng em rất mong muốn, nhưng khi gặp cô ấy thì trong em lại chỉ có sự hiếu kỳ. Nói chung là hiếu kỳ chiếm tỉ trọng cao hơn.
Những lúc ấy, cơ thể em cảm thấy được thư giãn chứ?
Vâng! Được ở bên cạnh một người khác rất gần như thế kể cũng dễ chịu lắm ạ.
Em có thể dùng từ nào để diễn tả cảm giác đó không?
Hạnh phúc! Em cảm thấy rất hạnh phúc, và chúng em càng yêu quý nhau hơn.
Yêu là sự cám dỗ khó lòng cưỡng lại
Em còn tin tưởng vào tình yêu không?
Tin chứ! Yêu là sự say đắm một người con gái. Và cô ấy thấu hiểu bạn. Tình yêu là sự cám dỗ chúng ta khó lòng cưỡng lại, nó khiến cho bạn thất điên bát đảo.
Tình yêu càng đặc biệt, càng trắc trở thì càng sâu nặng. Em không tin tưởng lắm vào thứ tình yêu của hai con người lúc nào cũng gắn chặt với nhau như hình và bóng.
Em từng nghĩ đến chuyện kết hôn bao giờ chưa?
Ngày xưa thì có nhưng càng về sau này càng ít nghĩ đến.
Hiện tại em nghĩ về việc gì?
Em nghĩ đến việc thi đỗ vào đại học, và muốn quay một bộ phim tài liệu nhỏ.
Các bạn nam xung quanh em thì thế nào?
Đều rất bức xúc, cuộc sống của các bạn ấy buồn tẻ lắm. Chúng em rất ít nói chuyện với nhau, thường chỉ đùa cợt được đôi câu.
Vì sao các em bức xúc?
Sự rung động của cơ thể không được giải toả, tình cảm và suy nghĩ của trái tim không thể thổ lộ với ai, không có nhiều bạn bè khác giới, cũng chẳng biết dốc toàn tâm toàn ý vào việc gì cho vơi bớt nỗi lòng.
Lời người phỏng vấn
Nếu như không gặp Gia Minh, được nghe những điều tâm huyết này thì tôi vẫn tưởng rằng tuổi trăng tròn của thế hệ 9X các em đầy ắp ánh dương và rực rỡ hoa tươi.
Nhưng sự thật không giống những điều tôi tưởng tượng. Thực ra, tuổi trẻ của thế hệ nào cũng có nhiều điểm chung nhau.
Hơn nữa, thế hệ các em còn phải đối mặt với nhiều ngã tư đường và nhiều gập ghềnh hơn nữa, bởi vì các em bị sức ép của thời đại tràn ngập thông tin tác động đến.
(Còn nữa…)
Theo Tiền Phong