Khi trẻ ranh mắng tiền bối

Trong một cuộc tranh luận văn học gây xôn xao dư luận Trung Quốc gần đây, Hàn Tái - một nhà văn thế hệ 8X - đã dám “mắng” Bạch Hoa, một cây đa cây đề trong làng phê bình. Nhà văn 24 tuổi này đã cho đăng trên web blog của mình bài viết “Văn đàn là cái rắm, đừng ai làm ra vẻ dạy đời!”.

Bàn về sự kiện này, tờ Giải phóng Nhật báo viết: “Tranh luận văn học từ xưa đã có, nhưng vì trong bài tranh luận của Hàn Tái có những từ ngữ bẩn thỉu nên cuộc tranh luận về quan niệm văn học đã biến thành màn chửi nhau kiểu chợ búa và cuộc tranh luận đã lan từ trên mạng xuống các phương tiện thông tin truyền thống”.

Sự kiện bắt đầu từ một bài viết của nhà phê bình Bạch Hoa đánh giá các nhà văn thế hệ 8X sáng tác kiểu “phiếu hữu” (bạn diễn trò) trong văn học.

Bạch Hoa viết: “Trước đây tôi đã từng nói, các tác giả 8X và tác phẩm của họ vào thị trường chứ chưa vào được văn đàn. Đó là bởi các nhà văn 'minh tinh' này rất hiếm khi xuất hiện trên các tạp chí văn học. Về họ, văn đàn chỉ thấy tên chứ không thấy người và thấy tác phẩm. Còn họ có lẽ cũng hài lòng với sự thành công của mình nên chẳng có ý định từ thị trường đi vào văn đàn”.

Sau khi Bạch Hoa lên tiếng thì Hàn Tái đã cho đăng trên web blog của mình bài viết “Văn đàn là cái rắm, đừng ai làm ra vẻ dạy đời!” phẫn nộ phản kích, trong đó có nhiều từ ngữ thô thiển, tục tĩu như “cứt”, “chuồng xí”, “x.x.”...

Nhà văn Bạch Hoa.

Nhà văn Bạch Hoa.

Nhà văn Bạch Hoa lập tức trả lời: “Nếu không thích bài của tôi cũng chẳng sao, nhưng không được chửi bới với những từ ngữ thô bỉ và hạ lưu… không ai có đặc quyền chửi bới bậy bạ và cũng không thể được tha thứ cho việc chửi bậy”.

Các fan của Hàn Tái lập tức mở cuộc tấn công kiểu dội bom khiến Bạch Hoa buộc phải đóng cửa web blog của ông.

Viết bài phê bình văn học thì ăn chửi, lẽ nào viết trên mạng thì được chửi bậy? Giới văn học, giới giáo dục tới tấp lên tiếng: “Đám trẻ này được nuông chiều quá nên sinh hư!”.

Tranh luận văn học không phải là chuyện mới mẻ, nhưng dù quan điểm đúng hay sai, kiểu tranh luận với ngôn ngữ chửi bới chợ búa của Hàn Tái đã đẩy tranh luận đi đến chỗ cực đoan.

Hàn Tái cũng thừa nhận anh ta cố ý sử dụng phương thức cực đoan để bày tỏ quan điểm của mình, những từ ngữ đó là “trợ từ ngữ khí”, bỏ chúng đi thì chẳng ảnh hưởng gì đến nội dung bài viết.

Giáo sư xã hội học Cố Hiểu Minh ở Đại học Vũ Hán cho rằng, dùng từ ngữ thô tục làm trợ từ không phải là hiện tượng mới mẻ gì, nhưng kiểu “tu từ” ấy không nên khuyến khích.

Những người ủng hộ Hàn Tái thì cho rằng: web blog (nhật ký mạng) là nơi để người ta phát tiết tình cảm, tư tưởng, được phép tự do đầy đủ. Nhưng một số người cho rằng, mạng cũng là một phương tiện truyền thông, là diễn đàn quảng bá thông tin và trao đổi quan điểm.

Đó không thể là nơi để phô bày mọi thứ xấu xa, ô uế. Những vị khách trên mạng cần thể hiện trách nhiệm và biết tự kìm chế.

Hàn Tái sinh năm 1982 tại Thượng Hải, nghề chính là đua xe hơi thể thao, hiện là một nhân vật tiêu biểu của thế hệ nhà văn 8X Trung Quốc.

Hàn Tái có khiếu viết văn từ nhỏ, năm lớp 10 đã đoạt giải nhất cuộc thi Văn học khái niệm mới. Nổi danh từ cuốn tiểu thuyết đầu tay “Tam trùng môn” (Ba lớp cửa).

Các tác phẩm khác có: tập tạp văn “Trăm lẻ một độ”, tiểu thuyết “Tuổi trẻ bay nhảy”, “Thông cảo 2003”, “Loạn Trường An”, “Một toà thành trì”.

Tác phẩm của Hàn Tái được một bộ phận giới trẻ ưa thích nhưng thường gây tranh cãi vì trong đó chứa chất sự phẫn khích trước những hiện tượng xã hội và thể hiện những suy nghĩ độc lập.

Anh đã đoạt nhiều giải thưởng song cũng là người gây tranh cãi vì bị đuổi học do thi trượt quá nhiều môn.

Nhà văn Bạch Hoa sinh năm 1952, tốt nghiệp ĐH Thiểm Tây năm 1975, ở lại trường giảng dạy sau đó về Viện KHXH Trung Quốc công tác, hiện là Giáo sư, Phó chủ biên “Trung Quốc văn học niên giám”, ủy viên Hội đồng Lý luận văn học Trung Quốc, được hưởng phụ cấp đặc biệt của Quốc vụ viện.

Ông đã xuất bản mấy chục tác phẩm lý luận phê bình văn học, đoạt nhiều giải thưởng trong nước.

Theo Thu Thủy
Tiền Phong