Khi sinh viên đi học chỉ vì... tấm bằng!

Học hành chểnh mảng, kết thúc 4 năm đại học, chật vật lắm Minh Thu (ĐH Đ.N) mới có được tấm bằng tốt nghiệp. Vừa ra trường, kinh nghiệm thực tế chưa có, tấm bằng tốt nghiệp lại chỉ đạt loại trung bình, đến đâu Thu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối.

Học nửa vời

 

Ra trường cả năm trời mà không xin được việc làm chỉ vì tấm bằng xấu, kiến thức chuyên môn quá yếu, Thu phải vất vả bám trụ ở Thủ đô với đủ thứ nghề từ bán hàng quần áo đến nhân viên tiếp thị. Lúc này, cô gái mới thực sự ân hận khi nghĩ đến những năm tháng sinh viên lơ là học hành của mình.

 

Năm 2008, Thu thi đỗ đại học. Đó là niềm vui không chỉ với mình mà còn là niềm hãnh diện, tự hào của cả gia đình, dòng họ. Mãn nguyện với thành tích ấy, Thu mải miết hưởng thụ niềm vui, ăn chơi và háo hức khám phá cuộc sống mới lạ chốn đô thành. Việc trốn học, bỏ tiết cũng đều đặn và thường xuyên hơn.

 

Tự tin khi cho rằng, chỉ cần có bằng đại học là tương lai tươi sáng sẽ mở ra trước mắt nên khi bạn bè mải miết với những giờ học trên giảng đường thì Thu tung tăng cùng đám bạn khám phá những địa chỉ ăn chơi mới mẻ ở Thủ đô.

 

Tình trạng học chống chế, học nửa vời đã không còn là tình trạng "hiếm có, khó tìm" trong đời sống học đường. Thậm chí sinh viên khóa trước ra trường còn truyền kinh nghiệm cho khóa sau cách học đối phó, chuẩn bị phao, học tủ,…để qua được môn.

 

Ngoảnh đi ngoảnh lại sau 4, 5 năm nhiều sinh viên không biết học xong mình làm được những việc gì một cách cụ thể với ngành tốt nghiệp.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Rỗng kiến thức, hụt kĩ năng ...

 

Học hành chểnh mảng, kết thúc 4 năm học đại học, cố gắng lắm Thu mới mang về được tấm bằng tốt nghiệp đại học loại trung bình. Tuy nhiên, vác hồ sơ xin việc đến nơi nào, Thu cũng nhận được cái lắc đầu từ chối vì "kinh nghiệm đã không có mà tấm bằng lại quá... "xấu", kèm theo không có vốn ngoại ngữ, lúc này, Thu mới bừng tỉnh.

 

Hóa ra, 4 năm qua, cô đã lãng phí biết bao nhiêu tiền của của mẹ cha để đổi lấy một cái đầu rỗng và 1 mảnh bằng...trên giấy.

 

Quỹ thời gian học tập rất eo hẹp nhưng nhiều sinh viên không thiết tha học tập, dành nhiều vào những hoạt động không gắn với việc học tập, rèn luyện như lướt mạng, chat, game, đánh bài, tụ tập đua đòi chơi bời cùng bạn xấu.

 

Nguyễn Ngọc Thủy (Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ngành Sư phạm Ngữ văn, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia) chia sẻ: "Khi đã lựa chọn theo đuổi con đường học vấn, theo đuổi ước mơ đại học, việc trau dồi kiến thức, kĩ năng đối với mỗi sinh viên nên là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu.

 

Mình nghĩ, mỗi sinh viên chúng ta hãy nghĩ đến trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Một thái độ học tập tích cực, đúng đắn sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong cuộc sống và định hướng nghề nghiệp trong tương lai".

 

Chị Đỗ Kim Hồng (Phòng nhân sự tổng hợp Công ty TNHH Denso Việt Nam) cho biết: Rất nhiều cử nhân có bằng tốt nghiệp nhưng thực chất không hề có kiến thức, kĩ năng.

 

Đó là chưa kể nhiều sinh viên mới bước chân từ trường phổ thông vào trường đại học sau những năm tháng căng mình ra để dùi mài kinh sử thì luôn có tâm lý "xả hơi", cường độ học tập chùng xuống, lại không quen với cách dạy của giảng viên đại học, không ít bạn trẻ trở nên lơ là, thiếu động lực phấn đấu.

 

"Để lọt vào mắt của nhà tuyển dụng, nhất thiết bạn cần có những kĩ năng mềm, có tri thức, có ngoại ngữ nữa chứ không đơn giản chỉ là tấm bằng đại học", chị Hồng nhấn mạnh

 

Theo Thu Ngà

Tuổi trẻ thủ đô