Khi “shipper” bị lừa
Nhiều bạn sinh viên hiện đang chọn công việc shipper (nhân viên giao hàng) để làm thêm. Khi nhận ship (giao) hàng, thường các shipper sẽ phải đặt cọc tiền hàng cho chủ hàng, khi giao hàng xong cho khách, các shipper mới nhận lại tiền cọc từ người mua.
Đây cũng chính là “kẽ hở” mà những kẻ lừa đảo đã lợi dụng để chiếm đoạt tiền cọc của các shipper.
Những cú điện thoại không lời đáp
Nguyễn Thúy An (năm thứ hai, khoa Công nghệ thông tin, Học viện Bưu chính Viễn thông) kể, một lần, An nhận được tin nhắn của số điện thoại 016899xxxx, yêu cầu đi giao hàng.
An phải đặt cọc số tiền hàng 250.000 đồng, tương đương giá trị của 1 áo phông và 1 quần legging, giao tới địa chỉ trường THPT chuyên ĐH Sư phạm (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội). Khi đến nơi, An gọi cho khách ra nhận hàng nhưng thấy số điện thoại mà bên bán hàng cung cấp không liên lạc được. An vội gọi lại cho số thuê bao chủ món hàng thì điện thoại người này thì cũng… ò í e.
Lúc này, An mới biết mình bị “sập bẫy” lừa. Kể lại câu chuyện này lên một “fanpage” bán hàng trên Facebook có hàng chục nghìn thành viên, An thấy không chỉ có mình “dính” chiêu lừa đảo này.
Nhà ở gần một shop quần áo online trên đường La Thành nên Minh Việt (năm thứ ba, trường ĐH Văn hóa) thường nhận đi ship hàng cho shop này, những khi không có lịch học. Dần dần thấy rằng, nếu chăm chỉ làm shipper thì cũng có mức thu nhập kha khá, Việt liền đăng tải thông tin lên một số trang rao vặt.
Một lần, cậu nhận được một cuộc điện thoại, yêu cầu giao hàng từ một khu chung cư ở La Thành đến một con ngõ ở đường Yên Hòa. Việt phải đặt cọc tiền hàng 250.000 đồng, phí ship được hưởng là 25.000 đồng.
Vì chưa có kinh nghiệm nên Việt khá chủ quan, không xem xét hàng cũng như không vào tận nhà người thuê ship. Đến đường Yên Hòa, tìm mỏi mắt không thấy cái ngõ mà khách đề nghị, Việt gọi điện để hỏi lại địa chỉ thì thấy đầu dây bên kia là tiếng của… tổng đài.
“Mình mở hàng ra xem thì thấy bên trong là 2 chiếc áo phông có vẻ rẻ tiền. Nó lại là áo nữ nên dẫu có tiếc rẻ vì mất tiền oan thì mình cũng chẳng mặc được. Đúng là tiền công cho một lần giao hàng chỉ mấy chục nghìn đồng mà khi bị lừa thì lại mất tiền trăm nghìn”, Việt ngao ngán.
Lấy lại tiền cọc khó như mò kim đáy bể
Ngoài An còn có Hà Vi và một shipper khác bị lừa bởi cùng một số điện thoại. Bằng những dữ liệu mà cả ba có được, họ suy đoán, kẻ lừa đảo đang là học sinh trong trường. Cả ba đã phối hợp cùng nhau “phục kích” ở cổng trường và cuối cùng cũng tìm ra kẻ lừa đảo. Sau khi “nói chuyện”, có đề cập đến chuyện báo công an và Ban Giám hiệu trường, em nữ sinh này đã phải chấp nhận việc trả lại số tiền đặt cọc chiếm đoạt của cả ba người.
Thế nhưng, hầu hết các shipper bị lừa đảo thì không may mắn như thế. Đa số họ phải “bấm bụng”, chịu mất trắng số tiền cọc vì không tìm ra bất cứ thông tin gì về người thuê giao hàng.
Như trường hợp của Việt, cậu cũng quay lại tòa chung cư trên, mô tả hình dạng kẻ lừa đảo với bảo vệ, hy vọng, đó đúng là người trong chung cư. Thế nhưng tòa chung cư với hàng trăm hộ dân sinh sống, việc nhận dạng được một người chỉ qua mô tả, không có ảnh chân dung, là không khả thi. Nhiều ngày sau, Việt vẫn cố gắng thử gọi vào 2 số điện thoại mình có nhưng tất cả đều không có tác dụng.
Hiện chiêu lừa đảo tiền cọc của shipper đang ngày càng trở nên phổ biến, chúng được chia sẻ rất nhiều trên những trang mua bán. Tuy nhiên, luôn có vô số shipper mới “vào nghề” và không phải ai cũng biết đến “ẩn họa” đang chờ đợi. Rất có thể, một ngày nào đó, họ cũng sẽ trở thành “con mồi”.
Một số lưu ý để shipper tránh bị lừa
Khi nhận ship, nên đến tận nhà hoặc cửa hàng của người bán, tuyệt đối không nhận hàng ở những địa chỉ công cộng.
Kiểm tra kỹ số điện thoại người nhận, nên gọi trước cho họ khi đến giao hàng. Cẩn thận hơn, có thể kiểm tra số điện thoại người bán, người nhận trên mạng để xem tiền sử hành vi lừa đảo của họ.
Nếu phải ship cùng lúc nhiều đơn hàng, nên gọi thử cho một đơn hàng bất kỳ xem khách ảo hay khách thực.
Nếu đơn hàng có giá trị quá lớn, hãy chỉ đặt cọc một phần tiền hàng và để lại cho người bán CMND, khi giao xong sẽ đến lấy CMND và trả nốt số tiền còn thiếu.
Kiểm tra hàng hóa cẩn thận trước khi giao.
Khi bị lừa, hãy chia sẻ câu chuyện lên mạng, có thể sẽ tìm được “đồng minh” để cùng truy tìm kẻ lừa đảo, đồng thời, cảnh báo cho cộng đồng. |
Theo Hồng Giang
Sinh viên Việt Nam