Khi nữ sinh “chân dài” xin tài trợ

Để tồn tại, phát triển, mỗi CLB, đội nhóm của giới trẻ đều có đội ngũ nữ sinh 'chân dài' chuyên vận động tài trợ từ doanh nghiệp.

Đoàn trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội thành lập Ban đối ngoại năm 2006 nhằm vận động tài trợ và bảo trợ truyền thông cho các hoạt động. Nằm dưới sự quản lý của Hội Sinh viên, Ban đối ngoại gồm những sinh viên chuyên ngành kinh doanh, thương mại, đam mê hoạt động xã hội, giao tiếp tốt và tất nhiên phải… xinh đẹp.

 

Phí Minh Hương, Phó ban phụ trách mời tài trợ, sinh viên năm thứ 3 khoa Thương mại và kinh tế quốc tế, cho biết, trung bình mỗi năm nhóm vận động được từ 200 - 300 triệu đồng từ các doanh nghiệp. Nhờ đó, nhiều hoạt động chỉ cần thêm chút hỗ trợ từ phía nhà trường, nhưng quan trọng hơn là tính hiệu quả như Mùa hè xanh tình nguyện, Bình minh sinh viên, Hội chợ xuân…

 

Bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Lê Hiếu Học cho biết, mỗi năm Ban giám hiệu rót khoảng 500 triệu đồng cho cả Đoàn TN và Hội Sinh viên. Trong khi đó, các chương trình do Đoàn tổ chức mỗi năm cần ít nhất hơn 1 tỷ đồng.

 

“Có chương trình từ thiện, tình nguyện lên tới vài trăm triệu đồng, nhưng Đoàn trường không phải xin tiền từ Ban giám hiệu”, anh Học nói.

 
Khi nữ sinh “chân dài” xin tài trợ - 1

Nhóm xin tài trợ của trường ĐH KTQD Hà Nội.
 

Một trong những nữ sinh xin tài trợ có tiếng ở ĐH Bách khoa là Nguyễn Thanh Vy, sinh viên năm cuối lớp Công nghệ phần mềm K52. Vy tham gia hoạt động Đoàn từ năm thứ nhất và phụ mảng xin tài trợ.

 

Ngay lần đầu đi xin tiền cho Hội nghị học tốt (chương trình chia sẻ kinh nghiệm học tập), chân dài Thanh Vy đã bị lắc đầu. Tuy nhiên, với ý nghĩ mình không đi xin, mà là vận động để hai bên cùng có lợi nên Vy không còn e ngại.

 

Các chương trình do Vy phụ trách xin tài trợ luôn thành công. Từ chối tiết lộ số tiền xin được những năm qua, nhưng với hàng chục chương trình mỗi năm, chân dài này đã mang về khoản tiền không nhỏ cho hoạt động Đoàn.

 

Bí kíp xin tiền

 

Khi tiếp xúc doanh nghiệp, không ít chân dài nhận được lời đề nghị khiếm nhã hoặc bị tán tỉnh. Đào Mai Anh, nữ sinh ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết khi đi xin tài trợ, việc nhận được những lời đề nghị kiểu như Em gặp riêng anh mới nói chuyện hay nhắn tin bày tỏ tình cảm là chuyện thường ngày.

 

Chiêu của Mai Anh và các chân dài chuyên đi xin tài trợ là có nam sinh đi cùng. Khi gặp đối tác nam, nữ sẽ nói nhiều và ngược lại. “Bí kíp này cũng được anh chị khóa trên truyền tai các em mới vào nghề đi xin. Vì thế, chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra”, Mai Anh nói.

 

Nguyễn Đức Tiến Anh, Chủ tịch CLB Nguồn nhân lực ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết, mỗi năm CLB tổ chức gần 20 chương trình với 100% kinh phí tự đi xin.

 

Năm 2010, CLB gây dấu ấn đặc biệt với chuỗi hoạt động Festival tuyển dụng dành cho sinh viên và cử nhân kinh tế… thu hút 250 triệu đồng tài trợ. Thành lập năm 2006, CLB ngày càng lớn mạnh nhờ tiền đi xin. CLB luôn duy trì gần 40 thành viên, đa số là chân dài.

 

Những năm gần đây, nhờ hoạt động uy tín, doanh nghiệp thậm chí tự tìm đến CLB đề nghị tài trợ mà chưa cần đến đội chân dài. Tiến Anh cho biết, ĐH Ngoại thương có hàng chục CLB, hầu hết hoạt động tốt bằng nguồn kinh phí do nhiều chân dài xin được từ doanh nghiệp.

 

Cũng có lúc chân dài rơi vào tình huống dở khóc, dở cười. Minh Hương cho biết, trước mỗi chương trình hàng tháng, các bạn phải trực tiếp cầm hồ sơ đến chầu chực ở hàng chục doanh nghiệp. Có Cty hứa sẽ tài trợ với số tiền lớn, nhưng sát ngày chương trình diễn ra, họ lại từ chối. Có nhiều kinh nghiệm, nhưng chính chân dài Thanh Vy cũng từng bị xù hợp đồng tài trợ.

 

Phạm Hồng Ngọc, thành viên Ban Đối ngoại ĐH Kinh tế Quốc dân, truyền bí kíp rằng, để doanh nghiệp gật đầu, trước hết phải tìm hiểu chiến lược marketing của họ, sau đó xác định doanh nghiệp đích. Hồng Ngọc nêu ví dụ, một số ngân hàng luôn có chiến lược mở rộng thẻ ATM nên chân dài phải thuyết phục được họ rằng, mình làm cầu nối giúp họ mở rộng tài khoản thẻ cho sinh viên trong trương...

 

Theo Nguyễn Hà

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm