Khi nàng… phì phèo
Dù không nhiều nhưng thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp một số cô gái trẻ hút thuốc, trở nên khó coi trong mắt nhiều người!
Những hình ảnh dưới đây có thể không quá hiếm gặp: Trong quán bar hay vũ trường, một cô gái ăn mặc “cởi mở” rít thuốc và vô tư nhả khói bên ly rượu mạnh rồi thoải mái cợt nhả, lắc lư theo tiếng nhạc.
Từ năm 1987, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống nhất, chọn ngày 31/5 hàng năm làm Ngày Thế giới không hút thuốc lá. Theo số liệu của tổ chức này, thuốc lá giết chết một nửa số người sử dụng nó. Một nửa số này chết ở lứa tuổi trung niên. Trung bình một ngày trên thế giới có 10.000 người chết do sử dụng thuốc lá, tương đương với 10 máy bay loại lớn chở khách bị tai nạn mỗi ngày. Tỷ lệ người hút thuốc lá tại Việt Nam đang đứng hàng cao nhất châu Á, nam giới chiếm 50% và nữ giới chiếm 3,4%. Trong đó, có tới 26% thanh thiếu niên có độ tuổi từ 15-24 hút thuốc lá. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, 10% dân số Việt Nam nghĩa là vào khoảng tám triệu người Việt Nam sẽ chết sớm do hút thuốc lá. Cũng theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tới năm 2020 số người Việt Nam chết do sử dụng thuốc lá sẽ nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại! |
Trong quán cà phê, một cô gái “sành điệu” từ đầu tóc, quần áo đến giày dép có khi không thực sự hút thuốc mà chỉ nhả khói cho… giống mọi người, rồi sẵn sàng gác chân lên bàn một cách sành điệu không kém.
Trong quán nhậu bình dân lúc nửa đêm, một cô gái sau khi nốc tì tì hết ly này đến ly khác lại rít thuốc và nhả khói rồi bất chợt buông những “lời nói có cánh”.
Đôi khi ở ngoài đường, nhất là vào buổi tối, có những cô gái chân dài ngồi trên xe tay ga đời mới, miệng ngậm loại thuốc lá đắt tiền sẵn sàng phả khói.
Các cô gái ấy có quyền tự do thể hiện mình, theo cách mà họ cho là sành điệu nhất, phù hợp với bản thân họ nhất, vậy mà vẫn bị nhìn bằng cặp mắt thiếu thiện cảm, coi họ như là những “thành phần xa lạ” và đang đứng ở “góc tối” của xã hội.
Phải khẳng định rằng, hút thuốc lá là một thói quen chứ không phải là hành vi đạo đức. Không thể xem người hút thuốc (kể cả nữ giới) là người thiếu đứng đắn, có lối sống không lành mạnh, dù rằng trên thực tế có không ít phụ nữ hút thuốc (nhất là các cô gái trẻ) ít nhiều có những hành vi mà nhiều người nghi ngờ là không chính đáng, không trong sạch… Nếu đã xem nam nữ bình đẳng thì cũng không nên đánh giá không tốt những người phụ nữ “làm bạn” với thuốc lá.
Tuy nhiên, hút thuốc lá là một thói quen có hại cho sức khỏe. Với hàng ngàn chất độc hại, thuốc lá có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho nhiều bộ phận trong cơ thể. Không chỉ thế, với thiên chức làm mẹ - đặc biệt là nuôi dưỡng bào thai và cho con bú, những phụ nữ hút thuốc có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể chất, trí thông minh và sức khỏe của đứa trẻ. Dĩ nhiên, một người hút thuốc có thể buộc nhiều người khác hút thuốc thụ động thì cả nam và nữ đều gây ra ảnh hưởng như nhau đến sức khỏe người khác, không thể vì thành kiến mà phê phán phụ nữ hơn nam giới.
Không chỉ vậy, nghiện thuốc lá có thể dẫn đến nghiện một số chất kích thích nguy hại khác, như cần sa, bồ đà, thuốc lắc, heroin… Hậu quả của việc nghiện những chất độc hại này ở nữ giới nghiêm trọng hơn nhiều so với nam giới.
Về mặt sinh học, thể trạng của phụ nữ nói chung là “dễ vỡ” hơn nam giới nên tác hại sẽ trầm trọng hơn. Về mặt tâm lý, sự nghiện chất kích thích sẽ tạo cho các cô gái phụ thuộc nặng nề vào người khác (để có người “bao”) và rất khó cai nghiện.
Về mặt xã hội, các cô gái trẻ bị nghiện có thể không tự chủ về tình dục, dễ bị xâm hại, lạm dụng, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và có thể cho ra đời những đứa trẻ “không như mong muốn”. Và, dĩ nhiên, để thỏa mãn cơn nghiện, các cô gái cũng sẵn sàng phạm pháp.
Cần nói thêm rằng, dù chưa có số liệu chính xác, nhưng tỷ lệ phụ nữ nghiện thuốc dẫn đến nghiện các chất ma túy nhiều hơn hẳn so với nam giới ở hoàn cảnh tương tự.
Và, có thể bạn không quan tâm người ta nghĩ gì khi bạn rít thuốc, nhưng sự phán xét của dư luận đối với người hút thuốc đôi khi gây khó khăn cho bạn trong cuộc sống. Vì vậy, hãy tỉnh táo, cẩn trọng khi nghĩ đến thuốc lá!
Không nên bạ đâu hút đó “Tôi đang sống và học tại Toulouse, một thành phố miền Tây Nam nước Pháp, những nữ sinh viên trường tôi học hút thuốc lá cũng hơi nhiều, nhưng hầu như không bao giờ họ làm điều đó ở nơi công cộng mà thường hút ở những buổi party hay những phòng dành cho người hút thuốc. Chuyện hút thuốc lá của nữ giới khi ấy tôi thấy cũng… bình thường. Thậm chí, nhiều cô gái với điếu thuốc trên tay, trông rất “liêu trai”! Thế nhưng, dịp 30/4 vừa rồi, khi về thăm lại đất nước sau 5 năm xa cách, vào một quán cà phê ngay trung tâm, nhìn các bạn nữ ngồi vô tư xả khói… sao mà chướng mắt quá! Có lẽ do khí trời nước mình mùa này vừa nóng bức, không gian lại quá chật hẹp, phố phường thì đông đúc, tấp nập mà tôi thấy con gái nước mình hút thuốc không đẹp chút nào… Không đẹp ở chỗ bạ đâu hút đó”. Nguyễn Thành Ân (du học sinh Pháp) Hãy chứng tỏ…mình là con gái Tôi rất dị ứng với phụ nữ hút thuốc lá, đặc biệt là các bạn trẻ. Mỗi bận đến những nơi công cộng nhìn thấy một bạn nữ hút thuốc, phản ứng đầu tiên của tôi là nhìn chằm chằm vào người đó, nhìn thật tinh quái cốt để sao cho bạn gái đó nhận ra hành vi “khác người” của mình đang bị soi mói. Nhiều người lấy việc hút thuốc lá là một cách chứng tỏ mình. Tôi nghĩ đó là hành vi lệch lạc. Đã là phụ nữ nếu muốn chứng tỏ mình, thì hãy chứng tỏ mình là một người phụ nữ dịu dàng và nữ tính. Vì theo tôi hình ảnh một người phụ nữ dịu dàng nữ tính sẽ được mọi người quan tâm, chú ý hơn là một phụ nữ phì phèo thuốc lá. Linh Giang(P.5, Q.Tân Bình, TPHCM) |