Khi giới trẻ trả giá vì “thể hiện” quá đà
Ưa thích thể hiện bản thân là điều không thể phủ nhận ở giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên khi cá tính lại được thể hiện qua những bức ảnh phản cảm, những thú vui nhất thời, đua đòi thì có lẽ đã đến lúc giới trẻ nên nhìn lại.
Đam mê chụp ảnh hay thú vui nửa vời?
Có thể nói, chụp ảnh đang trở thành một trào lưu rất hot đối với giới trẻ hiện nay. Chỉ với một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hay một chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh, người chụp đã tạo cho mình được những bức hình “lung linh”.
Với nhiều bạn mục đích của việc săn những tấm ảnh đẹp là để thỏa đam mê tuy nhiên cũng có không ít người chạy theo trào lưu này chỉ để thỏa mãn tính đua đòi, cho “bằng bạn bằng bè”.
Ý tưởng trở thành nhiếp ảnh gia hình thành trong đầu N. (20 tuổi, Hà Nội) từ khi những bức ảnh của cậu đăng lên mạng được sự ủng hộ nhiệt liệt của bạn bè. Ban đầu là những bức ảnh được chụp bằng điện thoại nhưng để có một bức ảnh thật sự chất lượng và thì cần phải có một chiếc máy ảnh chuyên dụng. Điều này đã thôi thúc N. có “suy nghĩ nghiêm túc về đam mê chụp ảnh”.
Lân la tham gia các câu lạc bộ chụp ảnh trên mạng, N. được khuyên “đã chơi là phải hết mình”. Cậu không tiếc tiền đầu tư để mong trở thành một nhiếp ảnh gia nghiệp dư với chân máy, các loại ống kính… phụ kiện như hộp chống ẩm, balo chuyên dụng, bộ vệ sinh máy, ổ cứng ngoài…
Việc đầu tư này đã ngốn của N. một khoản không hề nhỏ. Tuy nhiên, chỉ không lâu sau đó, N. đã cảm thấy uể oải khi thú vui này không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn mất rất nhiều thời gian. Sau một thời gian để máy ảnh nằm phủ bụi, N. đã phải nhờ người quen rao bán máy trên các diễn đàn với mức giá rẻ.
Từ sở thích khoe ảnh…
Không chỉ thích thể hiện tay nghề chụp, nhiều bạn trẻ cũng rất thích khoe những tấm hình chân dung “lung linh” của mình, hoặc khoe sự hiện diện của mình ở một nơi nào đó lên mạng để nhận được nhiều like (thích), nhiều phản hồi.
“Chụp ảnh là sở thích của nhiều người mình không có ý kiến gì nhưng nhiều lúc đi du lịch, tham quan những công trình, tượng đài... mình rất bực mình khi hết bạn này đến bạn khác lao vào tạo dáng khiến mình không thể chụp được bức ảnh nào về tượng đài, phong cảnh nào thật ưng ý”.
Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn có những cử chỉ như hôn, ôm, hay trèo lên các bức tượng tôn nghiêm tạo dáng để có được những bức ảnh “độc”.
Dịp Trung thu vừa qua đã có những chuyện đáng buồn về chuyện các bạn trẻ thích thể hiện. Đó là những nơi bán hàng Trung thu như Hàng Mã, Hàng Lược (Hà Nội), phố đèn lồng (TP.HCM)... nhiều bạn trẻ đã bị đuổi đi, thậm chí là bị mắng nếu đứng trước cửa hàng quá lâu để chụp ảnh.
Rất nhiều cửa hàng đã treo tấm biển cảnh báo:"Cấm chụp hình tại đây". Tại Hàng Mã, Hà Nội, nhiều người bán hàng sẵn sàng “bốc hỏa”, xông ra đấu khẩu, đuổi nhiều bạn trẻ tạo dáng, chụp hình.
…đến phong trào săn ảnh quái dị
Với máy ảnh, điện thoại có chức năng chụp hình trong tay, những người này đua nhau săn tìm hình ảnh rùng rợn về những vụ tai nạn, bạo hành... rồi tung lên mạng xã hội để mọi người xem, bình phẩm.
“Ảnh càng rùng rợn thì càng thể hiện được sự “xả thân” và tay nghề của người chụp, thế mới hấp dẫn các thành viên vào bình luận. Hàng tháng bọn em còn chọn ra những bức ảnh rùng rợn nhất để trao giải. Người có bức ảnh ấn tượng nhất sẽ được bầu làm hội trưởng và có thể đưa ra những đề tài để các thành viên khác đi “săn”…”, một bạn trẻ chia sẻ về trào lưu đáng sợ này.
Nhiều người còn hoài nghi về trào lưu này bởi họ không thể tưởng tượng ra rằng có 1 bộ phận giới trẻ lại có ý nghĩ, hành vi quái đản như vậy . Tuy nhiên, chỉ cần vào Google tìm kiếm, người xem có thể thấy hàng trăm trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải, cập nhật những hình ảnh chết chóc thê thảm, kinh dị do đội ngũ đông đảo những tay săn ảnh xác chết này cung cấp.
Nhiều bạn trẻ sau khi “lập chiến công” như giết động vật quý hiếm, gây tai nạn chết người, thóa mạ nhau…lại khoe những “thành tích” này trên mạng xã hội. Đặc biệt, gần đây nhất là vụ khoe loạt ảnh giết voọc chà vá do thành viên QuangNguyenVan tung lên mạng vào tối 16/7.
Trước đó, một bạn trẻ cũng “khoe” thành tích lên mạng xã hội và bị cơ quan chức năng “sờ gáy” là Nguyễn Mạnh Linh (SN 1991, trú tại thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) – người có nick name “Kẹo mút chơi bời”. Linh đã "khoe" trên trang cá nhân về vụ tai nạn khiến một ông cụ ở thành phố Yên Bái tử vong, với những lời lẽ vô cảm, tàn nhẫn.
Không chỉ bị cư dân mạng “ném đá”, các bạn trẻ trên cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc mình đã gây ra. Đây là bài học đích đáng cho những bạn thích thể hiện bản thân nhưng lại thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết pháp luật.
Theo Lê Hiếu
Vietnamnet