Khi giảng viên đại học làm trọng tài môn bóng chuyền SEA Games 31
(Dân trí) - SEA Games 31 vừa qua, thầy Trần Thanh Tùng, Trưởng Bộ môn Giáo dục thể chất Quốc phòng, trường ĐH Hà Nội vinh dự được lựa chọn là một trong hai trọng tài quốc tế của Việt Nam tại môn Bóng chuyền.
Chuyên môn tích lũy qua nhiều lần làm trọng tài các giải đấu trong nước và quốc tế là tiêu chí quan trọng khiến thầy Trần Thanh Tùng, giảng viên trường ĐH Hà Nội, Ủy viên BCH Liên đoàn Bóng Chuyền Việt Nam được Liên đoàn tin tưởng giao nhiệm vụ.
Thầy Tùng chia sẻ, SEA Games là giải thể thao lớn mang tính khu vực nên rất nhiều người mong muốn tham gia với vai trò trọng tài. Được Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam trao trọng trách làm trọng tài bắt chính, bên cạnh niềm tự hào quốc gia, niềm vui được gặp gỡ giao lưu với các trọng tài nước khác, thầy Tùng thấy trọng trách của bản thân cũng rất lớn.
"Mình phải làm sao cho xứng đáng với sự tin tưởng đó và thể hiện được tinh thần hiếu khách nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng, khách quan, trung thực trong các trận đấu", thầy nói.
Cân bằng giữa công tác giảng dạy và nhiệm vụ trọng tài
Năm 2003, tại SEA Games 22 cũng tổ chức tại Việt Nam, thầy Tùng lần đầu tiên được lựa chọn làm thống kê kỹ thuật (VIS) trong các trận đấu bóng chuyền. Sau 19 năm, cảm xúc vừa tự hào, vừa hồi hộp vẫn nguyên vẹn như lần đầu.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, suốt thời gian qua, thầy Tùng cũng như nhiều trọng tài khác không có cơ hội được tham gia các giải thi đấu bóng chuyền. Trong khi đó, Luật bóng chuyền đã có một số thay đổi để phù hợp hơn với tình hình dịch. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên các trận đấu bóng chuyền tại SEA Games áp dụng công nghệ Challenge Eyes hỗ trợ các trọng tài trong công tác điều hành giải (tương tự như công nghệ VAR trong bóng đá) giúp tránh sai sót xuất hiện trong trận đấu, phù hợp với bóng chuyền hiện đại ngày nay.
Để chuẩn bị cho SEA Games 31, thầy Tùng vì thế phải tìm hiểu rất kỹ tất cả điểm mới của Luật bóng chuyền; tìm hiểu, làm quen với công nghệ Challenge Eyes. Đặc biệt, do không được thuận lợi như trọng tài tại các nước nói tiếng Anh, để có thể sử dụng hoàn toàn tiếng Anh mà không cần phiên dịch hỗ trợ khi bắt chính, thầy đã dành thời gian học lại ngoại ngữ trước khi thực hiện nhiệm vụ tại giải đấu.
Về vấn đề cân bằng giữa việc giảng dạy tại trường Đại học Hà Nội với nhiệm vụ tham gia công tác trọng tài tại SEA Games 31, thầy chia sẻ, rất may mắn là vì nhà trường luôn chú trọng, quan tâm đến các hoạt động phụng sự cộng đồng. Vì vậy, khi thầy Tùng được lựa chọn và cử làm trọng tài tại các giải đấu và tại SEA Games 31, thầy cô, lãnh đạo Nhà trường đều tích cực ủng hộ. Trong SEA Games vừa qua, trường Đại học Hà Nội cũng góp tới 1.350 sinh viên trong tổng số 3.000 tình nguyện viên phục vụ Đại hội.
"Nhân đây, tôi cũng xin gửi lời cám ơn tới các thầy cô lãnh đạo Nhà trường đã luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi tham gia làm tốt chức trách, nhiệm vụ được Liên đoàn Bóng chuyền tin tưởng giao phó. Cảm ơn các thầy cô là đồng nghiệp trong Bộ môn Giáo dục Thể chất - Quốc phòng và các đơn vị đã hỗ trợ trong suốt thời gian qua", thầy Tùng bộc bạch.
Những kỷ niệm đáng nhớ
Tại SEA Games 31, mỗi trong tài được phân công 4 nhiệm vụ: làm trọng tài chính; làm trọng tài thứ 2; làm trọng tài dự bị lúc cần thiết và Challenge Eyes. Thầy Tùng làm trọng tài bắt chính 2 trận đấu, trên tổng số 28 trận đấu của toàn giải.
Theo thầy, so sánh giữa các giải đấu bóng chuyền trong nước và SEA Games 31, cách thức tổ chức giải đấu cơ bản tương tự nhau, đều phải tuân thủ theo các quy định của môn bóng chuyền. Sự khác biệt nằm ở quy mô và tinh thần giải đấu. Giải đấu bóng chuyền tại SEA Games 31 là giữa đội bóng các quốc gia với nhau nên tính chất gay cấn, hồi hộp, quyết liệt hơn. Với công nghệ Challenge Eyes, đội ngũ trọng tài đỡ vất vả hơn vì các đội thi đấu được quyền khiếu nại nếu thấy pha bóng, tình huống đó trọng tài bị nhầm lẫn.
Thời gian diễn ra giải đấu Bóng chuyền của SEA Games 31, thầy Tùng có cơ hội được làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều trọng tài đến từ các nước khác nhau. Kỷ niệm đáng nhớ với thầy là những khi đưa đoàn trọng tài đi thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Quảng Ninh, của Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà. Bên cạnh đó là kỷ niệm về những trận đấu chật kín khán giả.
Thầy tâm sự, ở SEA Games 31, môn bóng chuyền có 7 đội nam và 5 đội nữ tham gia thi đấu, tổng số 28 trận tại Nhà thi đấu Đại Yên, phường Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên không chỉ người dân Quảng Ninh, người dân trên cả nước đều rất yêu thích bóng chuyền và tham gia cổ vũ nhiệt tình.
"Đại Yên là nhà thi đấu đa năng hiện đại bậc nhất cả nước với sức chứa lên tới 5.000 chỗ ngồi, nhưng có những trận thi đấu chật kín, nhiều người dân muốn được vào xem và cổ vũ cũng không còn chỗ để chen vào. Người dân rất nhiệt tình, hòa nhã, hiếu khách", thầy Tùng nói.