Khi chuyên viên tư vấn bị sốc
Qua nhiều năm làm công tác tư vấn, cô Diệp đã nhiều phen “hết hồn” với thế giới tâm lý phong phú của các em....
Nhiều trường trung học ở TPHCM đã quan tâm đến công tác tư vấn tâm lý học đường. Thế nhưng các em học sinh vẫn ngần ngại trong việc chia sẻ với chuyên viên tư vấn về những vướng mắc của mình.
Những năm gần đây, nhiều trường trung học ở TPHCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thượng Hiền, Hà Huy Tập, Bình Quới Tây... đã quan tâm hơn đến công tác tư vấn tâm lý học đường. Các phòng tư vấn được lập ra ngay trong trường nhằm giúp các em có nơi giải tỏa những vướng mắc về tâm sinh lý, về những khó khăn trong học tập, trong các mối quan hệ gia đình, thầy trò, bạn bè...
Vào phòng tư vấn là “có vấn đề” ?
Cô Nguyễn Thị Tuyết Xuân, giáo viên kiêm công tác tư vấn học đường Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, tâm sự: “Học sinh cũng như người lớn, đều có rất nhiều vấn đề khúc mắc trong cuộc sống. Tuy nhiên, các em còn nhỏ, vốn sống còn ít ỏi nên đôi khi loay hoay không biết cách nào giải quyết những vấn đề đó”.
Cô Lâm Thị Diệp, Trường THCS Bình Quới Tây, người đã làm công tác tư vấn tâm lý học đường nhiều năm, kể: “Có lần một em vào phòng tư vấn tâm sự với tôi về chuyện hiểu lầm giữa em và cô bạn thân. Bây giờ, em muốn làm hòa với bạn mà không biết phải làm sao, nhờ cô chỉ cách giùm. Một thời gian sau, vô tình gặp lại em, tôi hỏi tình hình thế nào rồi. Em cười lỏn lẻn rằng đã làm hòa với bạn rồi, nhưng có điều, từ khi vào gặp cô tới nay, em liên tục bị bạn bè chọc ghẹo là “có vấn đề” nên mới phải đi gặp tư vấn viên khiến em rất mắc cỡ và không dám gặp cô nữa”.
Đây không phải trường hợp cá biệt mà tâm lý chung của các em hiện nay vẫn còn rất ngại ngần, dù rất muốn nhưng sợ bạn bè dị nghị nên cứ đi qua, đi lại phòng của chuyên viên tư vấn liên tục nhưng cuối cùng đành... đi luôn. Hiểu được điều này, nhiều chuyên viên tư vấn đã khéo léo lôi cuốn các em đến với mình bằng cách tạo ra những trò chơi ngay tại phòng tư vấn, rủ các em vào phòng chơi trò chơi, ca hát... để các em cảm nhận được sự gần gũi. Quen thân rồi, những em có tâm sự sẽ dễ dàng “khều” chuyên viên tư vấn ra một góc để giãi bày.
Khi chuyên viên tư vấn bị sốc
Nhiều người cho rằng ở độ tuổi của các em nếu có vướng mắc thì cũng chỉ là những chuyện đơn giản như bức xúc do bị ba mẹ mắng oan, bạn bè hiểu lầm hoặc kết quả học tập kém do không có phương pháp học tập... Thế nhưng, qua nhiều năm làm công tác tư vấn, cô Diệp đã nhiều phen “hết hồn” với thế giới tâm lý phong phú của các em. Một lần, có một nữ sinh lớp 6 đến phòng tư vấn đưa một lá thư, bảo rằng của chị gái song sinh gởi, tâm sự với cô về mối tình đơn phương với một thầy giáo trẻ. Em nữ sinh đó còn giải thích rằng do chị gái ngại ngùng nên không dám gặp cô, sợ bị cô chê cười.
Sau vài lần trao đổi qua thư, cô Diệp muốn gặp chị gái của cô bé để tư vấn trực tiếp, nhưng cô bé lại bảo do ba mẹ ly dị từ nhỏ, em sống với mẹ, chị sống với ba đã có vợ khác, hai chị em không hề biết nhau, mãi gần đây vô tình gặp lại mới nhận ra nhau. Một lần, em đi học ngang nhà chị, ghé vào thì phát hiện chị uống thuốc ngủ tự tử nên kịp thời đưa đi cấp cứu. Nghe qua hoàn cảnh rất éo le của em, cô Diệp ái ngại và tiếp tục nhiệt tình tư vấn qua thư.
Nhưng càng về sau, cô càng phát hiện nhiều điều lạ lùng nên đã tìm hiểu, cuối cùng mới biết nữ sinh đó không hề có chị gái song sinh nào cả mà tất cả chỉ là do em tự “sáng tác” ra để che giấu nỗi ngại ngùng của mình, sợ cô cười vì mình còn quá nhỏ mà đã đem lòng yêu thầy giáo. Một lần khác, cô nhận được một lá thư mà mới đọc câu đầu đã khiến cô sửng sốt: “Một người có thể làm lại cuộc đời được không?”. Đó là lá thư của một em trước đây học lực khá nhưng về sau ngày càng sa sút, trở nên xa lánh bạn bè, ít gần gũi với người thân. Em bế tắc trước cuộc sống và bày tỏ ý định muốn “làm lại cuộc đời”. Cô đã phải sát cánh động viên giúp em học sinh này vượt qua được nỗi buồn chán để tiếp tục đến trường.
Theo thạc sĩ cộng đồng Nguyễn Thị Oanh, các em còn nhỏ nên đôi khi thổi phồng vấn đề lên, coi những vướng mắc của mình là cực kỳ to lớn nên cảm thấy bất lực. Khi gia đình không có điều kiện gần gũi tìm hiểu và giúp đỡ, các em sẽ cảm thấy chới với, không có chỗ dựa. Khi phòng tư vấn học đường phát huy được vai trò của mình là chỗ dựa tinh thần cho các em thì chắc chắn sẽ giúp các em tìm lại được ý nghĩa trong cuộc sống, tránh được những lầm lạc không đáng có.
Theo Người Lao Động