Khi “chúa chôm” là “nhỏ bạn” của mình...

Phụng - một tân sinh viên quê ở Bình Thuận khóc bù lu bù loa. Đầu năm học đã gặp “hạn” lớn: số tiền gia đình cho tháng đầu tiên đêm qua còn trong hộc tủ, sáng nay đã “mọc cánh bay”!

Ra đi mẹ đã dặn rằng...

 

"Thật chẳng lường trước được. Mới ở với nhau có mấy bữa đâm ra nghi ngờ nhau. Nhưng phòng ký túc có tám đứa, chắc chắn sẽ có đứa lấy. Chứ ai vào đây!"- Phụng nói trong nước mắt. Nhưng để giữ tình cảm bạn bè, cô chỉ thông báo mất tiền rồi quan sát thái độ của từng người. Sau đó, cũng chẳng phải lục soát tìm kiếm hay báo ban quản lý ký túc làm gì. Cô xem đó như bài học đầu tiên được "nếm sớm" khi bước vào thời sinh viên.

 

Câu chuyện mất cắp lặt vặt thường xuyên xảy ra trong những ký túc xá đến những nhà trọ. Lớn thì là tiền bạc, phiếu cơm và nhỏ thì bánh xà phòng, lọ sữa rửa mặt hay có khi là áo quần.

 

Nhiều tân sinh viên ngơ ngác ôm túi hành lý vào ký túc xá sống chung với bạn bè, trong đầu cứ mang nỗi hoài nghi kèm theo lời dặn dò của gia đình ở quê: "Phải cẩn thận, biết đâu người tốt, kẻ xấu!". Nhưng rồi sống với bạn bè, nghi ngờ nhau mãi là chuyện chẳng hay ho gì. Vậy là tinh thần cảnh giác, chấp nhận "sống chung với lũ" được nêu cao.

 

Nhận diện “chúa chôm”

 

"Mình phải chuyển chỗ trọ. Trong nhóm bạn ở chung có người có máu ăn cắp. Mình biết rõ "thủ phạm" không thiếu gì cả. Con nhà giàu có, đủ đầy. Nhưng biết sao được, những người này tâm lý bất thường lắm. Thật khó giải thích!" - Thuỳ Tâm, sinh viên Đại học Đà Lạt, nói.

 

Tâm kể, cứ vài hôm là nhà trọ có người bị mất cắp. Người la làng và bức xúc cùng với "khổ chủ" có khi lại chính là "thủ phạm", hòng đánh lạc hướng mọi người. Nhưng một hôm, khi Tâm đi vắng và bất ngờ trở về nhìn qua vách ván phòng trọ thì thấy "thủ phạm" đang lục soát rương của một người bạn sơ ý để quên chìa khoá trong phòng. Khi "thủ phạm" vội vàng rút tiền trong rương bỏ vào túi thì Tâm xuất hiện và thế là không thể chối cãi được.

 

Không khí căng thẳng nảy sinh từ đó. Và không ai khác, Tâm phải báo lại với các bạn ở trong nhà trọ rồi chuyển nhà. Trong khi đó, "thủ phạm" chỉ nói xin lỗi, thậm chí khóc lóc ra vẻ ăn năn rồi lại đâu cũng vào đấy...

 

Hành động "chôm chỉa" trong giới sinh viên ở trọ có khi đơn giản, bắt đầu từ cái thói thích "thó" những đồ đạc bình thường. Ban đầu xuất phát từ đùa giỡn. Nhưng sau không kiềm chế nổi sự tham lam, rồi sinh ra lớn chuyện. Thật chẳng tốn bao nhiêu tiền để mua muỗng, đĩa, chén và... tăm xỉa răng. Nhưng các quán cơm sinh viên thường xuyên "thất thoát" những thứ này vì "thượng đế" sau khi ăn cơm thì thừa khi đông đúc lộn xộn, "lận vài món" đem về nhà xài tạm! Âu là chuyện cứ như vừa đùa vừa thật.

 

"Chúa chôm" muôn hình vạn trạng. Nhưng nhận diện rạch ròi là rất khó. Và giải pháp sống chung với "chúa chôm" quả không đơn giản chút nào. "Mình nghĩ có lẽ cần một tinh thần bao dung cho dễ sống. Còn nếu tình trạng xảy ra quá đáng thì phải lôi nhau ra trước ban quản lý ký túc xá để "xử" rồi cho những người này chuyển đi.

 

Ở ký túc xá như bọn mình cũng học hỏi nhiều điều hay. Dù hay mất lặt vặt, hay xảy ra chuyện này chuyện kia, nhưng cũng học được nhiều điều từ chuyện chung chạ, bạn bè!"- Mỹ Hạnh - sinh viên ký túc xá ĐH Luật TPHCM nói.

 

Bệnh lý?

 

Chuyện "chôm chỉa" xảy ra như cơm bữa khiến dân ký túc xá, ở trọ xem chuyện ở chung với "chúa chôm" là chuyện "hên xui". Hoá ra, chôm chỉa là một thứ bệnh lý gì đó mà người ta chưa lý giải được!"- Thiên Kim, một cựu sinh viên Đại học Khoa học xã hội & nhân văn nói.

 

Còn Hưng - sinh viên năm thứ 2 ĐH Kiến trúc thẳng thắn nói: "Chôm ở đâu thì không biết. Thật khó lường "tâm tánh" của "chúa chôm" và những chuyện rắc rối từ tính tham lam nhỏ nhen đến buồn cười. Thật tệ nếu bạn bè sống với nhau khó khăn vậy mà còn... chơi nhau!"

 

Theo Nguyễn Vinh
Sài Gòn Tiếp Thị