45 năm thực hiện di chúc Bác Hồ

Khát vọng sánh vai các cường quốc năm châu sẽ là động lực cho thanh niên

Bản Di chúc của Người là lời căn dặn vô giá cho lớp lớp người Việt Nam. Người viết: “Cuối cùng, tôi muốn để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Thanh niên Việt Nam đã làm gì và nên làm gì để tiếp tục thực hiện lời dặn dò của Bác? PV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Bùi Thế Duy, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, người đã từng là Phó Giáo sư trẻ nhất của Việt Nam và là “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”.

 
Cống hiến
 

Cống hiến

 

Trong Bản di chúc của Bác Hồ, sau lời dặn đầu tiên về Đảng, về tinh thần đoàn kết, Bác viết về đoàn viên, thanh niên. Điều đó có ý nghĩa như thế nào về vai trò và vị trí của người trẻ trong trái tim Bác, thưa anh?

 

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đoàn viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa ‘hồng’ vừa ‘chuyên’. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

 

Các thế hệ trẻ Việt Nam, sau này, luôn tự hào về truyền thống của đoàn viên, thanh niên các thời kỳ trước. Qua Di chúc, Bác đánh giá cao về tính xung phong, không ngại khó của thanh niên. Nhưng đó cũng là lời nhắc nhở khi Bác viết “nói chung là tốt”, nhắc nhở rằng, vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng và hời hợt.

 

Thanh niên phải có cả hai cảm nhận khi tiếp nhận lời dặn dò của Bác: Vừa là tự hào vừa là ý thức phải luôn cố gắng vươn lên và rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Di chúc của Bác như một định hướng cho thanh niên ở mọi thời kỳ. Chỉ trong một câu, Bác cũng đã để lại bao hàm ý.

 

Sinh thời, Bác viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Đó là những gì Bác viết năm 1946 và cho đến những dòng di chúc này, Bác vẫn luôn khẳng định vai trò và đặt niềm tin lớn cho tuổi trẻ.

 
Cống hiến
 

Anh có nói đến việc vẫn còn một bộ phận thanh niên sống hời hợt, thiếu lý tưởng. Họ cần những đổi thay nào để tạo ra một cuộc sống ý nghĩa cho bản thân và cộng đồng?

 

Xã hội chúng ta đang biến đổi nhanh theo xu hướng vận động chung của thế giới. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chúng ta có mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Lý tưởng của thanh niên được hun đúc trong ngọn lửa lý tưởng chung của dân tộc, rất dễ nhìn nhận và rất dễ nắm bắt.

 

Tuy nhiên, trong thời kỳ mới, không phải thanh niên nào cũng hiểu rõ lý tưởng cách mạng là gắn liền xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Một thể hiện đơn giản của lý tưởng cách mạng trong thời kỳ mới là sự phấn đấu học tập, rèn luyện bản thân, làm việc đóng góp xây dựng đất nước.

 

Thời kỳ xây dựng đất nước và hội nhập, thanh niên có nhiều lựa chọn khác nhau cho cá nhân mình, cách thức tìm ra con đường để cống hiến cũng khác nhau. Đồng thời, với sự phát triển của công nghệ thông tin – truyền thông, giới trẻ đang được tiếp cận với một lượng thông tin đồ sộ một cách nhanh chóng, dồn dập, ảnh hưởng nhiều đến con đường đi của mỗi thanh niên.

 

Nếu không có sự dẫn dắt định hướng rõ ràng, thanh niên có thể đi sai đường. Nếu thông tin được lan truyền là thông tin tốt thì sẽ có ảnh hưởng tích cực đến một bộ phần lớn thanh niên. Ngược lại, nếu thông tin lan truyền không tốt thì cũng sẽ có những ảnh hưởng rất tiêu cực.

 

Bác Hồ từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ và to lớn”. Khi có những sự kiện lớn lao xảy đến thì tinh thần yêu nước thực sự đã tạo thành một làn sóng, thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân trong đó có thanh niên. Lúc ấy, lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ lại được khơi dậy, được cảm nhận rõ ràng.

 

Ngày nay, tuổi trẻ có nhiều cách, nhiều con đường để thể hiện lý tưởng và sự cống hiến của mình cho đất nước. Khi du học, tôi biết đến nhiều du học sinh chọn việc quay về để cống hiến cho Tổ quốc. Nhưng cũng có người ở lại nước ngoài tiếp tục làm việc, không có nghĩa là họ không muốn cống hiến cho Tổ quốc, mà có lẽ họ sẽ cống hiến theo cách riêng của họ.

 

Khi đã phát triển bản thân ở nước ngoài đến giai đoạn chín muồi, những người này có lẽ sẽ có những cống hiến quan trọng hơn rất nhiều, ví dụ như GS Ngô Bảo Châu. Chúng ta có thể nhìn lại Hồ Chí Minh thời trẻ để hiểu thêm điều này. Tuổi thanh niên của Bác cũng đau đáu những nỗi niềm được cống hiến cho đất nước. Và Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, cho đến khi có tầm kiến thức và hiểu biết toàn cầu, mới quay trở về dẫn dắt cả dân tộc đi lên.

 
PGS. TS Bùi Thế Duy, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

PGS. TS Bùi Thế Duy, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

 

Động lực đủ lớn

 

Thưa anh, niềm tin của Bác dành cho thanh niên là rất lớn. Thanh niên Việt Nam cần yếu tố gì ngay bây giờ để có thể bứt phá?

 

Theo tôi nghĩ, đó là cần có một động lực đủ lớn.

 

Trước hết, cần lấy môi trường quốc tế để so sánh. Khi sinh viên Việt Nam đi học các bạn luôn thấy sinh viên Ấn Độ, sinh viên Trung Quốc có nhiều người thành công hơn Việt Nam. Tự mỗi sinh viên đi du học đều có cảm nhận thua kém bạn bè: Thua kém về kiến thức, năng lực, kỹ năng và đặc biệt thua kém về sự phát triển chung kinh tế, khoa học kỹ thuật.

 

Đất nước chúng ta còn những ảnh hưởng từ hai cuộc chiến tranh, chúng ta đi sau rất nhiều nước trên thế giới. Và chính sự thua kém này, đã tạo thành động lực để tuổi trẻ thực sự muốn bứt phá.

 

Tôi đã biết những bạn du học thay đổi thế nào khi tìm ra những động lực cho cuộc sống của mình. Khi ở trong nước, họ là những cô cậu được nuông chiều, khi sang nước khác, họ sống theo đúng những nguyên tắc và thói quen, dù là nhỏ nhất trong việc xếp hàng, không vứt rác và giữ gìn trật tự công cộng.

 

Nếu người trẻ đang ý thức được mình tụt hậu những gì, họ sẽ biết cách lấp đầy các khoảng trống tụt hậu đó. Chúng ta không nên “tô hồng” và “ru ngủ” người trẻ. Thanh niên chúng ta còn thua kém so với các bạn, đất nước chúng ta còn nghèo và đi sau. Nếu chúng ta còn biết hổ thẹn vì điều đó, chúng ta sẽ có động lực đủ mạnh để vươn lên.

 
Nhưng thưa anh, người ta vẫn nói động lực đủ lớn vẫn chưa đủ, chúng ta cần một con đường đúng nữa
 

Nhưng thưa anh, người ta vẫn nói động lực đủ lớn vẫn chưa đủ, chúng ta cần một con đường đúng nữa?

 

Đúng thế! Với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, tuổi trẻ cần tìm ra những con đường phù hợp. Nhưng lời Bác dặn thì đúng với mọi giai đoạn lịch sử: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

 

Khi tôi là giám khảo của Hội thi Báo cáo viên toàn quốc, tôi đã đặt ra một vấn đề cho thí sinh bàn luận câu nói của anh Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng”.

 

Lý tưởng và con đường cách mạng càng không thể hiểu một cách cứng nhắc. Lấy ví dụ từ sự kiện Biển Đông. Nếu con đường cách mạng là đấu tranh bằng những hành động quá khích thì đó là cách hiểu sai. Khi chúng ta đã có chủ quyền độc lập thì con đường của chúng ta là phát triển và hội nhập. Chúng ta làm bạn với tất cả các nước.

 

 Trong giai đoạn phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, bạn không phải bước ra khỏi biên giới để giao lưu với bạn bè quốc tế. Mọi thanh niên bây giờ đều có thể giao tiếp với quốc tế. Bạn không thể xuất hiện trên một diễn đàn quốc tế, với toàn ký tự tiếng Việt và một tinh thần tự ti được. Hình ảnh của bạn sẽ là một phần của hình ảnh đất nước.

 

Đôi khi, lý tưởng không phải là chuyện cao xa và con đường thực hiện nó cũng không vời vợi như ai lầm tưởng. Bạn làm tốt công việc mình đang làm, học tốt chuyên ngành bạn đang theo đuổi, bù đắp những khoảng trống trong bản thân mỗi người thì đó đã là cách bạn sống đầy nhiệt huyết và lý tưởng.

 

Xin trân trọng cảm ơn anh!

 

Theo San Hải

Sinh viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm