Kẻ nổi loạn của đất nước Mặt trời mọc
Tuần qua, Takafumi Horie, một kẻ nổi loạn trên mạng thách thức những giá trị cổ truyền của Nhật Bản, đã gây xôn xao dư luận với lời tuyên bố muốn trở thành doanh nhân mạng số 1 thế giới. Anh ta là ai vậy?
Ngay bề ngoài của Takafumi Horie đã là một cái gai trong mắt xã hội Nhật trọng hình thức: tay thọc túi quần, tóc vuốt keo như lông nhím, áo len cũ xộc xệch... Với bộ dạng ấy, kẻ nổi loạn 32 tuổi xuất hiện trên tất cả các kênh truyền hình quan trọng trong nước.
Horie quả thật có nhiều kế hoạch vĩ đại để nhờ TV chuyển tải đến khán giả, nhất là giới trẻ. Đang là ông chủ của trang web Livedoor đầy thành công và đi đúng trào lưu trẻ trong nước, Horie trở thành người hùng sau cú ngoạn mục mua đứt kênh truyền hình tư nhân lớn nhất Nhật Bản là Fuji TV.
Giờ đây, không có màn ảnh nhỏ nào trong mỗi căn hộ Nhật Bản lại không là công cụ gián tiếp của Horie. Tất cả nhờ vào một lỗ hổng trong luật pháp nước này: Horie bí mật hoạt động bên ngoài thị trường chứng khoán và mua được đa số cổ phiếu của đài phát thanh NBS, đồng thời cũng là cổ đông chính của tập đoàn Fuji, qua đó có một sân khấu lớn hơn cho Livedoor được quảng bá rộng rãi ra nước ngoài.
Nói theo ngôn từ đương đại của Nhật, Horie là đại diện cho giới “tư bản sòng bạc” - những kẻ mới nổi, nhờ liều lĩnh mà chóng thành công.
Đối thủ của Horie là Hisashi Hieda, với 67 tuổi khả kính và là thủ lĩnh của Fuji TV, bao giờ cũng trong bộ comple sang trọng, mái tóc hoa râm rẽ ngôi thẳng tắp - vừa là biểu tượng vừa là thành lũy bảo vệ vương quốc Phù Tang cổ. Nhưng Hieda không có đông đảo giới trẻ sau lưng, những người đã chán “Công ty cổ phần Japan” - một tổ hợp keo sơn giữa doanh nhân và chính khách mà sau kỷ nguyên phát triển kinh tế thần kỳ nay chỉ còn nuối tiếc hào quang cũ.
Cuộc chiến giữa truyền thống và nổi loạn tạm kết thúc bằng một cú bắt tay hòa giải: Horie bán cổ phần NBS cho Fuji và Hieda cắn răng mua 15% cổ phần của Livedoor. Bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng, thế hệ của Hieda chắc chưa quên được cú sốc khi phải hạ mình tranh chấp với một đối thủ vắt mũi chưa sạch nhưng đáng gờm. Bởi vì, họ chợt ngộ ra rằng họ đang bị đe dọa bởi chính sách xâm chiếm đường vòng thông qua cổ phiếu.
Tại sao có không khí đầy mùi thuốc súng này? Khi Carlos Ghosn, một manager người Brazil xắn tay cải tạo tập đoàn Nisan, người Nhật dường như đã quen với sự có mặt của người nước ngoài trong cuộc sống kinh tế xơ cứng truyền thống. Nhưng Horie lại là người Nhật! Chưa kể đến mánh lới lợi dụng kẽ hở pháp luật, Horie còn gây thêm kẻ thù bằng cách nhạo báng những giá trị thuần Nhật như trung thành, vâng lời, kính trên nhường dưới…
Cựu thủ tướng Yoshiro Mori nói rõ ra lời: “Nếu có đủ tiền thì có lẽ mua tiên cũng được. Sức mạnh là trên hết - phải chăng đó là hệ quả của nền giáo dục hiện tại ở Nhật Bản?” Đối với Horie đó không phải là câu hỏi nữa là phương châm hoạt động.
Trong quyển sách của mình dưới đầu đề: “Hướng dẫn làm giàu: Kiếm 10 tỷ như thế nào?”, Horie đả phá mọi điều cấm kỵ của một dân tộc được giáo dục theo tinh thần Khổng Tử hàng nghìn năm.
Kẻ nổi loạn 32 tuổi này xuất hiện trên tất cả các kênh truyền hình quan trọng ở Nhật... |
Kính lão đắc thọ ư? “Những bài giảng đạo của người già là thức vô bổ nhất, họ chỉ sống lâu mà không có thông tin tử tế”. Hoặc nhận xét về việc trường học Nhật Bản cho học sinh tổng vệ sinh lớp học: “Ở nơi nào trên thế giới này còn lau nhà bằng giẻ? Các công ty thì đều đã thuê dịch vụ vệ sinh, còn về nhà thì đã có máy hút bụi”…
Bản thân con đường phấn đấu của Horie đã là một tấm gương xấu cho cuộc chạy đua học ngày học đêm để đặt chân tới các trường đại học hàng đầu - kỳ vọng lớn nhất của các bậc phụ huynh Nhật Bản với con em mình. Sau khi bỏ học giữa chừng ở Đại học Tổng hợp Tokyo, Horie khuyên sinh viên chỉ nên đọc những cuốn giáo khoa quan trọng nhất là đủ, thay vì đi nghe những bài giảng chán ngắt, hoặc tốt nhất là làm theo Horie: sáng lập một công ty rồi đi phân phát danh thiếp với tên mình là giám đốc!
Công ty interner Livin’ on the Edge (sau này đổi thành Livedoor) được Horie dựng nên khi mới 23 tuổi, chỗ tiền kiếm xổi không đủ cho các kế hoạch lớn nên Horie vay 590 triệu euro của Ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brother và được nhận ngay “danh hiệu” kẻ phản bội tổ quốc.
Thời đại mới không cho phép Nhật Bản bế quan tỏa cảng đối với các đầu tư nước ngoài như ngày xưa, ngót ¼ các công ty trên đất Nhật có chồng chéo ngầm với nhau, trên 1/5 cổ phiếu giao dịch ở Tokyo thuộc về các tập đoàn ngoại quốc. Việc chung vốn với nước ngoài không bị coi đồng nghĩa với mất mát, tuy nhiên, nước Nhật không vì thế mà ngày một ngày hai có thể bỏ được lối tư duy quốc đảo.
Cuộc chiến do Horie tiên phong khởi xướng khiến nước Nhật dè dặt hơn trong cuộc hội nhập tất yếu. Thay vì khẩn trương xúc tiến bộ luật mới để kêu gọi đầu tư nước ngoài và đơn giản hóa các thủ tục cho phép nước ngoài bỏ vốn tham gia vào các doanh nghiệp trong nước, chính phủ Nhật quyết định kéo phanh và thông báo rằng bộ luật này - hiện đang ở giai đoạn dự thảo - sẽ không ra đời trước năm 2007.
Theo Đức Lê
Thể Thao và Văn Hóa