Kế hoạch Tết ấm cúng của “viên ngọc” làng điền kinh Quách Thị Lan

(Dân trí) - “Tết đến, thường mình hay mua quần áo về cho bố mẹ, năm nay đã đặt cho bố mẹ mỗi người 2 cái áo. Bố mẹ ở nhà làm nông cũng có đồng ra, đồng vào nhưng mà thương vì nhà hai anh em đều tập luyện xa nhà. Tết âm về sẽ mua thêm hoặc gửi tiền để bố mẹ thích gì sẽ tự mua”, vận động viên Quách Thị Lan kể về kế hoạch Tết 2019.

quach-thi-lan (1).jpg

Tết về thăm thầy cô, mua áo cho bố mẹ và gói bánh chưng

Dịp cuối năm, các giải đấu cuối cùng của vận động viên điền kinh Quách Thị Lan cũng đã kết thúc.

Năm nay là một năm thành công của Lan khi cô giành được 1 HCB và 1 HCĐ tại ASIAD 2018, cũng là tấm HCB đầu tiên của Điền kinh Việt Nam tại giải đấu lớn này.

Ngồi trò chuyện cùng Quách Thị Lan ngày cuối năm, khác với vẻ ngoài mạnh mẽ trên đường chạy, Lan có giọng nói nhỏ nhẹ, dễ thương khác hẳn với ngoại hình cô sở hữu.

Chia sẻ về lịch tập luyện cuối năm, Lan cho biết cô đang chuẩn bị nộp đơn để tiếp tục việc học tập đại học ở Từ Sơn (Bắc Ninh) sau khoảng thời gian tạm gác vì bận thi đấu, việc tập luyện tạm thời cũng được chuyển qua đây để tiện cho việc đi lại.

Nữ vận động viên trẻ vẫn còn nhớ cách đây 2 cái Tết, cô có một năm phải ăn Tết xa nhà vì dính lịch tập huấn để chuẩn bị cho giải đấu quan trọng.

Đó là năm 2016, Lan cùng anh trai phải ăn Tết ở Mỹ, nhớ lại kỷ niệm này cô kể: “Hai anh em chỉ nấu cơm ăn như ngày bình thường rồi gọi điện về cho bố mẹ.

Tuy trong lòng buồn nhưng vẫn có anh có em nên nỗi buồn vơi bớt, bố mẹ ở nhà buồn hơn khi cả hai đứa con đều không về”.

Năm nay, việc học và tập luyện xong sớm, Lan sẽ có nhiều thời gian hơn bên gia đình.

Khoảng thời gian cận Tết cô sẽ tranh thủ đi thăm thầy cô dạy mình ở tỉnh, mua quà cho bố mẹ, sắm sửa dọn dẹp nhà cửa để đón Tết Nguyên đán bên gia đình.

“Được nghỉ Tết mình sẽ về tỉnh thăm thầy cô trước rồi về nhà vì 1 năm chỉ có dịp Tết mới có thời gian đi thăm thầy cô.

Những ngày trước Tết sẽ về gói bánh chưng cho gia đình, dọn dẹp trang trí nhà cửa. Cả năm bận tập luyện không có thời gian về nhiều nên Tết sẽ là thời điểm để mình tranh thủ đi thăm, chơi họ hàng.

quach-thi-lan (2).jpg

Thành tích nổi bật của VĐV Quách Thị Lan

Tết thường thường mình hay mua quần áo về cho bố mẹ, năm nay cũng đã đặt cho bố mẹ mỗi người 2 cái áo. Bố mẹ ở nhà làm nông cũng có đồng ra, đồng vào nhưng mà thương vì nhà hai anh em đều tập luyện xa nhà cả. Tết âm sẽ về mua thêm hoặc gửi tiền để bố mẹ thích gì sẽ tự mua”, Lan tỉ mỉ lên kế hoạch cho dịp Tết sắp tới.

Ấu thơ hướng nghiệp thể thao, ước mơ làm giáo viên thể dục

Để có thể đứng ở đỉnh cao như hiện tại, cũng như rất nhiều VĐV khác, Quách Thị Lan cũng phải trải qua quãng thời gian dài khổ luyện, thi đấu các giải học sinh, sinh viên.

Thế nhưng có một điều đặc biệt, nếu như những người khác đến với thể thao là cái duyên, “nghề chọn người” thì với Lan mục tiêu từ nhỏ của cô là trở thành một vận động viên và nếu không theo thể thao cô vẫn ước mơ trở thành một giáo viên dạy thể dục.

“Ngày còn nhỏ, quê hương của mình là cái nôi của thể thao, thấy các anh chị theo nghề vận động viên, mình cũng nuôi ước mơ sau này sẽ trở thành một vận động viên như thế, được đi tập và thi đấu như các anh chị.

Nếu không theo thể thao thì mong muốn ngày nhỏ của mình vẫn là được làm cô giáo dạy thể dục”, Quách Thị Lan tâm sự.

quach-thi-lan.jpg

Hai anh em Quách Công Lịch và Quách Thị Lan đều theo nghiệp thể thao

Được biết, năm lớp 6 Lan bắt đầu tham gia thi đấu các giải của học sinh, nhận thấy tiềm năng của cô học sinh mới cấp 2 nhưng đã cao 1m65, lên lớp 9 Lan được gọi vào tập luyện chuyên nghiệp tại Từ Sơn 2 năm, năm 2013 tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia và năm 2014 chính thức được gọi lên tuyển.

“Mình từ một vận động viên nhảy xào rồi chuyển sang 7 môn phối hợp, với lợi thế tốc độ, sức bền sẵn có mình được thầy cô tin tưởng chuyển sang chuyên chạy. Sau 1 năm tập luyện, mình bắt đầu có thành tích và dấu ấn năm 2012 là thời điểm mình có thành tích tốt nhất khi đó”, Lan kể.

Hơn 8 năm tập luyện và thi đấu, năm 2018 là năm Quách Thị Lan cảm thấy hài lòng nhất với bản thân khi ở đấu trường ASIAD, vượt qua các đối thủ tầm cỡ châu lục, cô giành 1 HCB nội dung sở trường 400m rào và 1 HCĐ nội dung 4x400m. Hiện tại ngoài 3 nội dung: 400m, 400m rào, 4x400m, cô đang thử sức với nội dung 200m.

Giống như rất nhiều vận động viên khác, điều khiến Lan sợ hãi nhất chính là chấn thương. Nếu như trước khi vào thi đấu bị tâm lý, chỉ cần đặt chân vào bàn đạp cô sẽ gạt bỏ tâm lý để thi đấu hết sức mình nhưng với chấn thương, thực tế không ít lần khiến nữ vận động viên thi đấu không tốt, thậm chí không thể thi.

“Cổ chân của mình bị chấn thương nhiều nhất vì yếu, nếu tập nặng, cường độ chạy đường vòng nhiều sẽ dễ dính chấn thương, hầu như mỗi năm đều có chấn thương cả”, cô kể.

Có những chấn thương đi theo cả đời nhưng đau vẫn đau, tập vẫn tập và thi đấu vẫn thi đấu. Với Quách Thị Lan đó là bị cơ mông sâu do tập luyện chạy rào và chạy cường độ cao khi theo đuổi sự nghiệp thể thao.

Chấn thương này theo cô đã nhiều năm vì không thể điều trị dứt điểm, một phần do cường độ tập luyện đang ở thời điểm đỉnh cao, Lan chỉ có thể giảm cơn đau bằng cách xoa dầu nóng và tiếp tục thi đấu.

Tình yêu với thể thao đã ngấm vào máu của Lan để khi chấn thương phải nghỉ tập “cơn khát” ra sân tập luyện vẫn thôi thúc trong lòng phải cố gắng vượt qua, cố gắng hết mình: “Nhiều lúc thèm lắm, thấy người khác tập mình cũng muốn ra sân thế nên tập luyện hay thi đấu chỉ mong đừng chấn thương để được thi đấu như mọi người”.

Năm mới, mong muốn của Lan là hoàn thành việc học để tập trung tập luyện mà theo cô “tập đến khi nào không tập được nữa thì thôi”. Bên cạnh Lan gia đình, bạn trai luôn ủng hộ, dõi theo với mong muốn cô hết mình “để sau này khỏi phải hối hận”.

Bật mí về kế hoạch sắp tới, Quách Thị Lan cho biết nếu may mắn năm 2019 sẽ cố gắng đạt chuẩn để tham gia giải vô địch thế giới vào tháng 7, chuẩn bị cho tháng 4 giải vô địch châu Á và quan trọng nhất tháng 12 là SEA Games.

“Thi đấu SEA Games chưa lần nào mình giành được HCV cá nhân cả nên SEA Games năm nay sẽ là một giải đấu quan trọng của mình”, Lan quyết tâm.

Kim Bảo Ngân