Joe và mối duyên tình với Việt Nam
Joe hay Dâu chả còn xa lạ với bất cứ dân blog nào của Việt Nam, anh chàng Tây có ngôn ngữ Việt "hơi bị bụi" này còn đọc cả văn học chính thống của Việt Nam và đang định theo học... Thạc sĩ Văn học ở đây.
Hơn tất cả những “ông Tây rau muống” khác, trong những dòng nhật ký để ngỏ của mình, Joe bộc lộ một sự hiểu biết tường tận và ngộ nghĩnh về Việt Nam, một tình yêu tươi vui với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam - tình yêu không một chút nhuốm màu “hoài cổ” hay chuộng lạ. Và quan trọng hơn là những dòng nhật ký ấy vẫn được đều đặn viết mỗi ngày...
Trong một quán cà phê ở một ngõ nhỏ Hà Nội, giữa hai cuộc “chạy sô” - từ chính xác của Joe - chàng trai Canada này nói về mối duyên tình của mình với Việt Nam.
Chào Joe, đắt sô quá nhỉ, chạy một ngày mấy cơ quan liền...
Vâng, hôm nay là một ngày bận rộn, sáng tôi đi học ở trường, chiều đến văn phòng UNDP, tôi đang làm cố vấn truyền thông cho một dự án của họ. Xong ở đây bây giờ là tôi phải chạy ngay đến nhà in. Tôi đang phải theo dõi bản thảo cho một tài liệu của UNICEF.
Tôi cũng đang làm bán thời gian cho một dự án khác của tổ chức này. Sinh viên phải làm nhiều để kiếm tiền đi chơi chứ. Tôi còn làm thêm cho một tổ chức phi chính phủ (NGO) nữa, càng làm càng thấy... vui, vì được đi khắp nơi và học thêm được nhiều tiếng Việt.
Blog của Joe được nhiều người đọc và thích lắm, Joe thấy sao?
Mình cũng thích vì thấy nhiều người thích blog của mình, nhưng nói thật là cũng hơi... choáng, vì viết nhật ký mà lại được... nhiều người hâm mộ, lại còn có báo đăng lại và gọi đến lấy nhuận bút, như thế là... vượt quá mức yêu cầu rồi.
Đầu tiên chỉ định viết cho vui thôi mà. Mục đích chính là để tăng cường khả năng dùng và viết tiếng Việt, ai ngờ được là mọi người lại khoái chí nhảy vào bình luận rôm rả.
Friends list của tôi khi làm blog chỉ có khoảng 20 người, sau vài hôm đã là 300, hết cả mức cho phép. Có lẽ mọi người thích thú vì có một người nước ngoài mà lại viết blog bằng tiếng Việt, chứ không chắc đã phải vì tôi viết hay đâu.
Ai cũng tò mò là Joe học tiếng Việt ở đâu mà... vui tính thế?
Thì tôi cũng đã nói trong blog rồi. Học ở trường, nhiều thầy cô dạy hay lắm. Học bạn bè, học ở vỉa hè. À, riêng vỉa hè Hà Nội thì có thể nói là một trường học tiếng Việt miễn phí hoàn hảo, từ chị bán hàng nước đến anh xe ôm đều tình nguyện, vui vẻ và hào phóng dạy tiếng Việt cho mình.
Về chuyện này thì tôi rất tiếc cho các bạn nước ngoài ở Việt Nam, rất ít người trong số họ chịu học tiếng Việt một cách nghiêm túc, số người chịu tìm hiểu văn hóa của người Việt Nam lại càng ít hơn.
Trong khi họ không hiểu là không ở đâu trên thế giới mà người dân bản địa lại mến khách, dễ tính và tận tình chỉ dẫn cho người nước ngoài như ở Việt Nam. Cứ so sánh với các lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài sẽ thấy họ bắt chuyện với người bản địa khó hơn nhiều, đơn giản vì... mọi người bận quá, vội vã quá, không ai quan tâm đến ai.
Ở Việt Nam, chỉ cần anh ngỏ ý muốn được giúp đỡ là sẽ có người giúp anh ngay, tất nhiên là đôi lúc sự giúp đỡ ấy cũng... hơi bị phiền toái - À, mà cái này gọi là “lệch pha” về văn hóa thôi mà.
Cứ la cà với tiếng Việt ở hè phố thế Joe không sợ ngôn ngữ của mình sẽ bị “nôm na” quá à?
À, thì mình sẽ học cả tiếng Việt “kinh điển” nữa chứ. Đã đọc xong Cánh đồng bất tận rồi nhé. Hơi bị hay! Dù phải toát mồ hôi hột và tra từ điển không biết bao nhiêu lần. Bà nhà văn này dùng nhiều từ ngữ Nam bộ quá, mà tôi thì mới đi Sài Gòn có ba lần thôi.
Lê Vân yêu và sống thì dễ đọc hơn - vì nó “sến” hơn mà. Nhưng đọc cũng thấy hay hay. Văn học Việt Nam thì theo tôi hay nhất là Chí Phèo. Nam Cao viết lâu rồi mà đọc vẫn không thấy cũ.
Nhân vật này cũng lạ quá sức lạ, ở văn học phương Tây nhiều anh hùng và mỹ nhân quá, như Chí Phèo thật hiếm. Truyện Kiều thì tôi thú nhận là quá sức tôi. Tôi đã đọc bằng tiếng Anh để hiểu được nội dung, nhưng đọc thơ của Nguyễn Du thì tôi... vất vả lắm, cứ một câu thì phải mất... ba tiếng đồng hồ đấy.
Nhưng tôi hi vọng với đà tiến bộ trên... blog mà mọi người đang động viên thế này, ba năm nữa tôi sẽ đủ trình độ tiếng Việt để thi vào lớp cao học về văn học Việt Nam của Trường ĐH KHXH&NV.
Trong nhật ký mở của mình, thấy rõ là Joe hơi bị “tích cực” quá, toàn khen Việt Nam thôi, hay là đã kịp sợ “mất lòng chủ nhà”?
Ồ, tôi chả sợ gì cả. Tôi không khéo léo lấy lòng đâu. Tôi thừa khả năng viết những chuyện “tiêu cực” ấy chứ. Nhưng tôi thuộc loại người yêu đời. Tôi ghét mấy người “giám đốc công ty than” lắm.
Cái gì cũng than thở: Trời nắng, trời mưa, bụi bặm, công việc vất vả... than thở thế thì cuộc đời chẳng đáng sống nữa. Lại còn hay phê bình mọi người. Tôi thích nhìn cuộc sống vui vẻ, tích cực kia.
Thôi thì tôi sẽ cố gắng “cân đối tỉ lệ” là ba khen - một chê nhé. Theo tôi, cuộc sống như thế là cân bằng đấy.
Người nước ngoài đến Việt Nam có nhiều mục tiêu khác nhau, người sang Việt Nam để du lịch, người sang để kiếm tiền, có người sang để dạy, người sang để học. Còn Joe?
Tôi cũng học. Nhưng chính xác hơn là tôi học trong khi sống. Tôi làm việc, kiếm tiền để sống ở Việt Nam vui hơn và dễ chịu hơn. Tôi đã tốt nghiệp ngành biểu diễn và cả ngành truyền thông ở Canada.
Tôi sang Việt Nam chơi và quyết định ở lại vì... bún ốc ngon quá. Đó là tôi nói chơi thôi. Thật sự thì tôi thích sống ở đây, nói thích không đủ, hơn cả thích nữa.
Tôi thích làm việc ở Việt Nam, thích chơi ở Sài Gòn và sống ở Hà Nội. Và tôi vẫn sẽ viết blog bất cứ lúc nào có thể, viết để yêu đời và yêu Việt Nam hơn, tôi cũng muốn mọi người chia sẻ điều đó với tôi.
Đã thử xuất hiện với một tư cách khác: MC trong chương trình hòa nhạc lớn chào mừng APEC, Joe có định đi tiếp con đường đó không?
Ồ, không. Đó chưa phải là làm MC mà chỉ là người dịch tiếng Anh thôi mà. Làm MC phải khác cơ. Tôi đã học qua ngành biểu diễn, tôi lại rất thích mục đích vui vẻ của chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trên VTV3, vì vậy tôi đang định rủ một số bạn bè nước ngoài thạo tiếng Việt tham gia một số tiểu phẩm hài do tôi nghĩ ra.
Chúng tôi sẽ tự dàn dựng rồi thuê địa điểm biểu diễn. Bằng tiếng Việt, tất nhiên. Cho vui thôi mà, để thử sức mình nữa. Nếu mà lại được công chúng Việt Nam ủng hộ bằng cách... cười thì tuyệt vời quá.
Theo Việt Hoài
Tuổi Trẻ