Hợp tác xã thanh niên “trăm triệu”

“Ở lại nông thôn, thanh niên cũng có thể làm giàu”, đó là câu nói của chủ nhân duy nhất giải thưởng Lương Định Của năm 2015 ở Bắc Giang. Anh là Phạm Văn Thưởng, sinh năm 1987, Chủ nhiệm HTX Hoàng Lan (Ngọc Châu, Tân Yên, Bắc Giang).

Trắng tay với bồ câu trắng

 

Anh Thưởng thừa nhận, mình không giỏi giang trong việc học. Thế nên, năm 2005, khi thi trượt đại học, anh quyết định tìm lối đi riêng cho mình. Khởi nghiệp bằng nuôi bồ câu nhưng dường như những chú chim này không thể làm cho ước mơ của chàng trai nghèo được cất cánh.

 

“Quả thật lúc đó em có đam mê với việc làm giàu ở quê hương. Em khá tin tưởng vào khả năng thành công của dự án”, Thưởng tâm sự.

 

Mới 18 tuổi, Thưởng phải xin tiền bố mẹ để lập nghiệp. Bố Thưởng không nghe, khuyên bảo con chăn nuôi ở quê khó lắm, bao nhiêu người đã thất bại vì chăn nuôi đấy thôi. Nhưng Thưởng kiên quyết, thậm chí kỳ kèo bố: “Cho con làm nốt cái chuồng này”.
 
Anh Phạm Văn Thưởng chăm sóc vật nuôi trong trại nhà mình.
Anh Phạm Văn Thưởng chăm sóc vật nuôi trong trại nhà mình.

 

Rồi Thưởng lại nuôi thêm gà đẻ. Thấy có lãi, bố Thưởng đồng ý “cấp” thêm vốn. Vậy là lúc đầu Thưởng có vài chục đôi bồ câu với khoảng gần 100 con gà đẻ.

 

Nghĩ rằng như vậy đã tạm ổn và có thể tin tưởng giao cho bố mẹ ở nhà trông nom giúp, cộng với tính của một anh trai làng bồng bột, Thưởng bán đàn gà đẻ được 30 triệu đồng rồi theo mấy người họ hàng vào Nam bán rau ở chợ đầu mối.

 

Đúng lúc ấy, dịch Newcaster ở nhà bùng phát. Cứ mấy hôm Thưởng lại gọi điện về, lại được nghe bố mẹ thông báo chết vài chú chim bồ câu. Xót ruột nhưng không thể làm thế nào được. Rồi cả đàn chết sạch, Thưởng trắng tay với dự án bồ câu.

 

Tìm được đường ra với thỏ

 

Năm 2008, tình cờ Phạm Văn Thưởng đọc trên mạng thấy nhiều mô hình nuôi thỏ rất lãi, theo tính toán, có thể lãi đến mấy triệu đồng/con/năm. Thế là Thưởng lại ham nuôi. Về quê, Thưởng tìm mua được 10 nái thỏ và bắt đầu hy vọng mới. Nhưng chẳng được bao lâu, cả đàn thỏ lăn ra chết. Con thì bị nấm, con thì bị ghẻ, con thì nóng chết, con thì lạnh chết.

 

Lúc ấy lại chẳng có ai nuôi cùng để học, mấy ông “gúc – gồ” (Google) cũng không có nốt nên Thưởng chỉ biết nhìn mấy con thỏ yêu thương lần lượt ra đi. Thưởng xách ba lô lên đường, vào Tây Nguyên làm rẫy để “đậy” lại số vốn đã mất và quyết tâm học cách nuôi thỏ.

 

Năm 2009, Thưởng trở về với vài chục triệu đồng trong tay và mua 20 nái thỏ. Lần này, Thưởng liên kết với một trại nuôi thỏ ở trong tỉnh để tìm phương pháp nuôi phù hợp. Thậm chí có thời gian, Thưởng về làm công nhân nuôi thỏ, mang cả mấy chục con thỏ nhà mình xuống nuôi cùng.

 

Với sự cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi, Thưởng được ông chủ trại thỏ rất quý. Sau thời gian ở đây, ông cấp cho Thưởng con giống, hướng dẫn kỹ thuật, cho vay tiền làm chuồng trại và nhận bao tiêu một phần sản phẩm.

 

Từ đó cho đến nay, Thưởng chuyên tâm vào nuôi thỏ nái. Có những lúc, trại thỏ của Thưởng đạt gần 100 con thỏ nái, thu nhập từ bán thỏ giống và thỏ thương phẩm đạt gần 100 triệu đồng/năm.

 

“Nuôi thỏ cần nhất là giữ nhiệt độ ổn định. Điều này em đã làm được nên thỏ ít bị bệnh. Còn các loại bệnh của thỏ như ghẻ, nấm thì giờ em đã tự chữa được nên có thể yên tâm để phát triển thêm nữa”, Phạm Văn Thưởng cho biết. 

 

Nhận thấy, sự liên kết có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Thưởng tìm hiểu và kết thân với nhiều thanh niên có cùng chí hướng làm giàu ở nông thôn. Có người cùng nuôi thỏ, có người nuôi bò, người bán thuốc thú y, cám… mỗi người một mảng. Khi nói chuyện, họ khá hợp nhau, chia sẻ với nhau trong công việc.

 

Đầu năm 2014, HTX Hoàng Lan ra đời với 7 thành viên do Phạm Văn Thưởng làm chủ nhiệm có 5 xã viên là thanh niên. Ngoài anh Thưởng, có nhiều bạn rất trẻ cùng tham gia như Dương Hoàng Minh Hiếu (SN 1997), Trần Đình Huy (SN 1987)… Vốn điều lệ của HTX là 300 triệu đồng.

 

Ngoài chăn nuôi thỏ với khoảng hơn 200 con thỏ nái, các thành viên còn tham gia: nuôi bò, thu mua nông sản, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cam Canh, bưởi Diễn, mít Thái…

 

Thưởng còn đang thử nghiệm việc nuôi gà ác, lấy giống từ tận Vĩnh Long ra với mong muốn cung cấp món gà ác tiềm thuốc bắc với giá bằng 2/3 thị trường hiện nay.

 

“Mỗi người một việc nhưng chúng em luôn hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Tuy mới là năm đầu tiên thành lập nhưng HTX đã đạt thu nhập khoảng 300 triệu đồng, tiến hành cấp giống và thu mua cà chua bi, dưa bao tử cho các hộ dân trong xã với diện tích khoảng 5 mẫu.

 

Năm ngoái, chúng em được vay của NHCSXH 100 triệu đồng, năm nay đã trả hết. Tuy nhiên, với chúng em, đây vẫn chỉ là những thành công bước đầu. Trước mắt, vẫn còn rất nhiều khó khăn chúng em phải vượt qua nhưng em tin tưởng HTX của bọn em sẽ có sự phát triển tốt”, Thưởng tâm sự.

 

Theo Nguyễn Trường

Tiền phong