Hôn nhân ngắn ngủi của thế hệ con một Trung Quốc

Những người sinh ra trong các gia đình một con tại Trung Quốc bắt đầu đến tuổi kết hôn. Nhiều người hăm hở lập gia đình để rồi thấy rằng hôn nhân dường như không dành cho họ.

Khi When Tian Tian ở tỉnh Liaoning làm album ảnh cưới cho người bạn cùng lớp đại học là Wang Yan chỉ 2 tháng sau lễ cưới, cô mới biết rằng cô dâu đã ly dị ngay sau tuần trăng mật. Wang xóa tan sự hoài nghi của Tian và tuyên bố: "Thật may mắn là chúng tôi không có con nên khỏi phải rắc rối khi chia tay".

Wang và vị tân lang 24 tuổi của cô nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi vì nửa kia. Không ai muốn nhượng bộ và họ cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt như ai sẽ giặt quần áo hoặc ai sẽ pha trà.

Zhang Sining, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học nhân văn Liêu Ninh, cho biết cuộc hôn nhân ngắn ngủi như trên tiêu biểu cho thế hệ 8X ở Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát với sự tham gia của 160 đôi ở độ tuổi dưới 30 cho thấy tỷ lệ ly hôn là 24,5% khi cả hai người đều là con một và là 8,4% khi chỉ một người là con một. 

Các gia đình một con rất phổ biến ở Trung Quốc cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 khi chính sách một con được đưa vào áp dụng. Ông bà và cha mẹ của những đứa trẻ này yêu chiều họ và tạo nên một thế hệ của những "tiểu hoàng đế", Zhang cho hay. Sự ích kỷ của bản thân và can thiệp quá sâu của cha mẹ đe dọa tính bền vững trong hôn nhân của họ.

Khoảng 87% những người là con một cảm thấy áp lực phải tìm vợ hoặc chồng để làm vui lòng cha mẹ và 58% thừa nhận phụ huynh chính là lý do họ chia tay bạn đời. 55% số người được hỏi cho biết cha mẹ can thiệp vào cuộc sống hôn nhân của mình.

"Chúng tôi đang có nguy cơ chia tay vì bố mẹ tôi lúc nào cũng sẵn sàng gây chiến chỉ vì chuyện ăn uống", Hu Jia, 25 tuổi ở tỉnh Gansu, cho hay.

"Mẹ anh ấy ngày nào cũng đến kiểm tra xem tôi có nấu món yêu thích cho con trai bà ấy không, trong khi bố tôi liên tục đề nghị chúng tôi đến ăn cơm cùng để tôi khỏi phải vào bếp và còn vấn đáp xem chồng tôi có chăm sóc tôi tử tế không".

Cuộc khảo sát này còn cho thấy 92% các đôi vợ chồng con một muốn ở cách xa bố mẹ. Các vị phụ huynh quá bao bọc con cái thường tìm cách bênh con mình thay vì dạy chúng hợp tác với nhau, Zhang Dasheng, giám đốc một trung tâm tư vấn tâm lý ở Hắc Long Giang, bình luận.

Thêm một lý do nữa, những người con một đã quá quen với sự chăm bẵm của cha mẹ. "Họ thường không thỏa mãn với sự chăm sóc của nửa kia và dẫn đến thất vọng hoặc nghi ngờ", Zhang nói.

Theo Ngọc Sơn
Vnexpress /Xinhua