Hỏi mua lại thẻ ATM - Chiêu lừa đảo mới
Thẻ ATM hiện rất phổ biến và được các bạn sinh viên sử dụng rộng rãi. Lợi dụng điều này, một số kẻ lừa đảo tìm mua lại thẻ ATM không dùng đến của sinh viên để thực hiện hành vi lừa đảo.
Không dùng thì bán?
Hòa Thanh (trường CĐ Kinh tế TP. HCM) kể lại: “Hôm ấy, mình uống nước với bạn trước cổng trường thì có một anh trẻ tuổi, trông rất lịch sự, đến bắt chuyện.
Anh này cho biết, anh đang cần chuyển tiền cho người thân mà thẻ ATM mới bị mất nên ngỏ ý hỏi tụi mình có thẻ ATM nào không dùng đến thì bán lại cho anh, thẻ không có tiền trong tài khoản càng tiện.
Mình cũng tính móc cái thẻ ATM trong balô ra đưa, vì thẻ của ngân hàng Đông Á này mình chưa dùng tới. Bạn mình níu tay mình lại, hỏi anh kia: Thẻ của ngân hàng nào cũng được à? Anh kia “ừ” ngay. Tụi mình tìm cớ thoái thác rồi vào trong trường. Sau đó một vài bạn cho biết, từng là nạn nhân của chiêu lừa mới đó”.
Kẻ gian gợi ý mua lại thẻ ATM của bất kỳ ngân hàng nào, với giá từ 100.000 - 300.000 đồng/chiếc. Trên các trang mạng xã hội, nhiều kẻ lừa đảo còn lập hẳn những trang cộng đồng để mua lại thẻ.
Đối tượng mà những người này nhắm đến chủ yếu là sinh viên, những bạn chưa có kiến thức nhiều về các hành vi lừa đảo tài chính, lại hay kẹt tiền nên sẽ có nhu cầu bán thẻ ATM chưa hoặc không còn dùng đến.
Thuỳ Trinh (trường ĐH Sài Gòn) chia sẻ: “Mình ít dùng thẻ ATM lắm. Chỉ có một thẻ dùng thường xuyên khi gia đình chuyển tiền. Mỗi lần có ngân hàng nào đến trường tổ chức làm thẻ miễn phí mình cũng làm thử.
Bây giờ, mình có đến 3, 4 thẻ ATM của nhiều ngân hàng mà chưa bao giờ xài tới. Có lần, mình thấy một nick Facebook nhắn tin hỏi có muốn bán thẻ không? Họ đưa giá 100.000 đồng/thẻ, có bao nhiêu thẻ dư cứ bán lại, họ mua hết.
Mình nghi ngờ nên hỏi họ mua để làm gì mà cần nhiều vậy. Họ trả lời lấp lửng: Là dân kinh doanh nên cần nhiều để giao dịch. Mình nhấc điện thoại hỏi một người quen làm việc trong ngành ngân hàng. Anh ấy nhắc ngay, đó chính là hành động của bọn lừa đảo”.
Tuyệt đối không bán
Thẻ ATM được làm ra với mục đích giao dịch thông qua ngân hàng mà chủ sở hữu thẻ đã đăng ký. Dù có sử dụng thẻ hay không, trên thực tế, thẻ đó đã được cấp cho chính người đăng ký. Khi thẻ ATM có dấu hiệu chuyển tiền, giao dịch bất hợp pháp thì chủ thẻ phải chịu trách nhiệm.
Lợi dụng điều này, những tên tội phạm thường mua lại thẻ để thực hiện các giao dịch bất chính. Nếu cơ quan chức năng phát hiện thì cũng chỉ truy tìm chủ thẻ chứ khó thể biết ai là người trực tiếp thực hiện giao dịch.
Hoàng Thanh chia sẻ: “Do chưa rõ về hình thức lừa đảo mới này, mình đem chuyện gặp người mua thẻ ở cổng trường kể lại cho bố. Bố mình nói, nếu người ta dùng thẻ của mình để chuyển tiền, rút tiền không hợp pháp, tiền lừa đảo thì mình sẽ bị công an gọi lên giải trình…”.
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP. HCM đã triệt phá một đường dây mua bán thẻ ATM bất hợp pháp.
Không chỉ dùng thẻ ATM, những tên tội phạm còn dùng điện thoại, giả danh cảnh sát để lừa đảo. Đường dây hoạt động của các băng nhóm này liên quan cả đến những người ngoại quốc.
Bằng việc giả danh cảnh sát, nói với nạn nhân rằng, tiền trong tài khoản tiết kiệm là tiền phi pháp, những tên tội phạm đã yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào tài khoản ATM để điều tra.
Và khi nhận được tiền, chúng rút ra ngay, trong khi đó, nạn nhân vẫn nghĩ rằng, bên cơ quan công an đang điều tra “giúp” mình, để chứng minh mình không phạm pháp. Khi công an thật vào cuộc thì chỉ có thể tìm ra chủ thẻ là các sinh viên đã bán thẻ cho người khác với giá vài trăm ngàn đồng.
Hình thức lừa đảo này không chỉ diễn ra tại TP. HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… Với mỗi lần lừa đảo, bọn tội phạm có thể thu về số tiền hàng chục triệu đồng, thậm chí, có vụ đã lừa lên tới hàng tỷ đồng.
Tóm lại, như Thuỳ Trinh (trường ĐH Sài Gòn) chia sẻ: “Có thể chúng ta chưa hiểu hết chiêu trò tinh vi của bọn tội phạm nhưng bất cứ những thứ gì mang tên chúng ta và do chúng ta quản lý thì đều không nên tùy tiện bán cho người lạ”.
Theo Vũ Phương
Sinh viên Việt Nam