Hội chứng "thèm tin nhắn" sau chia tay

Hội chứng này thường xuất hiện trong các "khung giờ cao điểm" như lúc mới ngủ dậy, sắp ăn trưa, đang học bài hay trước khi đi ngủ.

Tại sao lại có hội chứng kỳ lạ này nhỉ?

 

Khi yêu, teen nhận được sự quan tâm, chăm sóc nhiều nhất. Với những bạn còn đang đi học, thì sự chăm sóc đó được gửi gắm qua các tin nhắn hoặc những cuộc điện thoại dài "bất tận".

 

Dần dần, những tin nhắn từ một người "đặc biệt" đã trở thành một thói quen trong sinh hoạt mỗi ngày, không-thể-thiếu của teen. Và điều gì xảy ra khi một ngày teen chia tay tình yêu, thói quen sinh hoạt ấy mất đi? Đó là khi căn bệnh “thèm tin nhắn” xuất hiện.

 

My My (18 tuổi) tâm sự: "Giai đoạn đầu mới chia tay, mình không thể chịu được việc thiếu đi sự chăm sóc quen thuộc và cả những tin nhắn tình cảm trước đây nữa".

 

Thậm chí, thói quen này "ăn sâu" đến mức ý nghĩ đầu tiên của teen khi có chuông tin nhắn hay chuông điện thoại là... liệu có phải người ấy đang gọi không luôn ấy.

 

Trước việc mất đi những thông điệp tình cảm quen thuộc, phần lớn bạn gái trong giai đoạn đầu cứ... nằm ôm gối, đợi cả ngày dài để được đọc một tin nhắn. Khi tin nhắn không đến thì bắt đầu chán nản, mất ngủ, rất hại đến sức khỏe.

 

Nhiều lúc, khi yêu nhắn tin cho nhau nhiều quá, đến khi chia tay, có bạn lại cứ thấy "cuồng tay cuồng chân", thèm được nhắn tin cho ai đó nữa cơ.

 
Khi bệnh nặng, bạn xử lý ra sao?
 

Khi "bệnh nặng", bạn xử lý ra sao?

 

Một cách phổ biến mà các bạn trẻ thường dùng là... nhắn tin với một người khác, bởi vì rõ ràng đã là thói quen thì rất khó bỏ, không thể cấm một người đang nhắn tin cả ngày liên tục bây giờ không được nhắn nữa.

 

Thường thì teen hay nhắn tin tâm sự với bạn bè, cũng có thể là một người quen sơ sơ và hơi cảm mến trước đó, có khi là một "cái đuôi" đã theo mình từ lâu. Thực ra thì việc này có thể giúp teen phần nào "lấp chỗ trống", nhưng bạn phải rất cẩn thận nếu nhắn tin cho những người khác giới để tránh việc hiểu lầm và gây ra xích mích không đáng có.

 

Bạn cũng nên nhớ một điều không nên làm, đó là việc tìm người khác để thay thế, để nhắn tin "à ơi", tán tỉnh nhé.

 

Mai Quyên (17 tuổi), một cô bạn từng "nghiện" nhắn tin nặng, kể lại: "Hồi mới chia tay bạn trai đầu tiên, mình không thể bỏ được thói quen nhắn tin "tách tách" cả ngày. Tay mình cứ cảm thấy bứt rứt không yên ý.

 

Lúc đó mình để status là "single", cũng có một anh nhắn tin quan tâm, hỏi han, thế là mình như "vớ được vàng", cũng nhắn tin suốt ngày để khỏa lấp thói quen của mình.

 

Đến lúc anh ý ngỏ lời... tỏ tình, mình mới giật mình hốt hoảng vì mình không hề có tình cảm với anh ý. Mình đành phải từ chối, anh ý rất buồn và sau đó mình không dám liên lạc với anh ý nữa".

 

Có một cách nữa giúp teen thoát khỏi hội chứng "thèm tin nhắn" rất... tự kỉ này, đó là việc ra ngoài, tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí, chứ không nằm bẹp cả ngày trên giường "chờ tin nhắn" nữa.

 

Bạn nên chủ động thay đổi cuộc sống của mình, chứ không phải là ngồi vò võ một chỗ và nhung nhớ về những gì đã là quá khứ, phải không nào?

 

Theo Hạnh Nguyễn

TTVN