Hội chứng "Mất trí nhớ kỹ thuật số" đáng báo động ở thế hệ trẻ

Cẩm Vân

(Dân trí) - Theo nhận định của bác sĩ, trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người trong độ tuổi 40-50 phàn nàn về các vấn đề suy giảm trí nhớ, chứng hay quên.

Hội chứng Mất trí nhớ kỹ thuật số đáng báo động ở thế hệ trẻ - 1

Nghiện smartphone có thể gây ảnh hưởng tới khả năng tiếp nhận thông tin mới của mọi người (Photo: Getty/Thinkstock).

Việc suốt ngày đi tìm đồ vật, thất lạc chìa khóa xe hay không nhớ một sự việc nào đó là điều hết sức tự nhiên và bình thường trong cuộc sống, bởi não bộ của con người xử lý mọi thứ theo những cách khác nhau và chủ yếu cho phép chúng ta nhớ lại những sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi tình trạng này kéo dài và liên tục tái diễn, đặc biệt là với giới trẻ?

Tiến sĩ Kaustubh Mahajan, chuyên gia tư vấn thần kinh tại Bệnh viện Fortis SL Raheja Mahim (Ấn Độ) cho biết, có nhiều tác nhân gây ra tình trạng mất trí nhớ phổ biến ở lớp trẻ hiện nay.

"Một số nguyên nhân được cho là do hậu quả của việc sống trong đại dịch, nơi mọi người phải đối mặt với những áp lực lớn, bệnh tật, cách ly và thời gian sử dụng thiết bị điện tử gia tăng do phải làm việc tại nhà. Thiếu chế độ ăn uống hợp lý, ngủ không đủ giấc và việc sử dụng một số loại thuốc cũng có thể dẫn đến các triệu chứng mất trí nhớ".

Bác sĩ Mahajan cũng cho biết, trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người trong độ tuổi 40-50 phàn nàn về các vấn đề suy giảm trí nhớ, hay quên, dẫn tới suy giảm nhận thức nhẹ.

Ông chia sẻ rằng hội chứng "Mất trí nhớ kỹ thuật số" là hiện tượng mà "bộ não nhanh chóng mất khả năng ghi nhớ bởi con người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ để lưu trữ dữ liệu".

Tiến sĩ Mahajan cảnh báo rằng việc nghiện sử dụng điện thoại thông minh có thể làm suy giảm khả năng lưu trữ thông tin mới cũng như hình thành ký ức mới của não bộ.

"Sự phân tâm là một trong những tác nhân chính dẫn tới vấn đề này. Khi chúng ta làm nhiều việc cùng lúc trên điện thoại di động, chúng ta chỉ tập trung một nửa vào việc học một kỹ năng mới. Do đó, thông tin khó có thể được lưu trữ trong bộ nhớ dài hạn".

Hội chứng Mất trí nhớ kỹ thuật số đáng báo động ở thế hệ trẻ - 2

Trong thời gian dịch bệnh, chúng ta không có nhiều cơ hội giao tiếp xã hội (Photo: Getty/Thinkstock).

"Nghiện sử dụng điện thoại thông minh có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Chúng ta cần ngủ sâu để giải độc tố cho não bộ, từ đó, bộ não có thể tham gia vào quá trình lưu trữ thông tin mới. Vì vậy, việc giấc ngủ bị gián đoạn sẽ làm giảm khả năng lưu trữ thông tin cũng như cản trở quá trình hình thành ký ức mới của não bộ", bác sĩ Mahajan giải thích.

Làm thế nào để vượt qua hội chứng "Mất trí nhớ kỹ thuật số"?

1. Không sử dụng điện thoại di động trước khi đi ngủ.

2. Tắt tất cả các thông báo, gỡ cài đặt những ứng dụng không cần thiết.

3. Thay vì sử dụng GPS, hãy in bản đồ chỉ đường của Google và cố gắng tìm điểm đến.

4. Mỗi tuần có một ngày không sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử nào .

5. Sử dụng tai nghe hoặc loa lớn trong khi gọi điện thoại, đặc biệt khi chất lượng mạng thấp và điện thoại đang hoạt động ở mức tối đa.

Tác động của đại dịch

Bác sĩ Mahajangiải thích thêm rằng chúng ta đã không thể thực hành giao tiếp xã hội kể từ khi đại dịch bùng phát. Thay vì đi làm, đi lại trong văn phòng, di chuyển tới các địa điểm khác nhau để hội họp cũng như tiếp xúc với mọi người thường xuyên thì chúng ta lại bị bó hẹp trong phòng kín, dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính cho các cuộc họp trực tuyến kéo dài. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của não.

Thuốc men

"Một số loại thuốc kê đơn và không kê đơn có thể tiềm ẩn nguy hại hoặc gây mất trí nhớ như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine, thuốc chống lo âu, thuốc giảm đau nửa đầu, thuốc ngủ, thuốc giảm đau sau phẫu thuật, cùng với việc sử dụng rượu, thuốc lá hoặc ma túy", bác sĩ Mahajan.

Ăn uống lành mạnh

Các thực phẩm giàu protein và chất béo rất quan trọng đối với hoạt động của trí não. Đặc biệt, sự thiếu hụt vitamin B1 và B12 có tác động xấu đến trí nhớ.

Để khắc phục, hãy thử tuân theo những gợi ý sau:

- Có chế độ ăn uống cân bằng

- Học kỹ năng mới

- Học ngôn ngữ mới

- Tập thể dục

- Ngủ đủ giấc

Theo indianexpress.com