"That Girl" - trào lưu sống hoàn hảo hay đầu độc tinh thần giới trẻ?

T.N

(Dân trí) - Trở thành "That Girl", nghĩa là bạn phải hoàn hảo ở tất cả mọi mặt, trào lưu này đang "làm mưa làm gió" trên TikTok và thu hút hơn 1,3 tỷ lượt xem.

Phái đẹp hướng đến sự hoàn hảo

Những "That Girl" buộc phải thức dậy vào khoảng 5-6 giờ sáng, tập thể dục, uống sinh tố và ghi lại lịch trình một ngày hoặc thiền định trước khi mọi người thức dậy. "Cô gái ấy" mặc đồ đã được là phẳng phiu, rồi tự làm bữa sáng vừa đẹp mắt lại vừa giàu dinh dưỡng.

That Girl - trào lưu sống hoàn hảo hay đầu độc tinh thần giới trẻ? - 1

Trào lưu "That Girl" đang được nhiều bạn trẻ yêu thích (Ảnh: Carol Yepes).

Trào lưu này tập hợp những cô gái trẻ làm video ghi lại thói quen hằng ngày của họ. Hashtag #ThatGirl thu hút hơn 1,3 tỷ lượt xem trên nền tảng TikTok. Trào lưu bắt nguồn từ một cô gái sáng tạo nội dung tên Emily Mariko. Cô thường chia sẻ quá trình nấu bữa sáng nếp sinh hoạt lành mạnh và lối sống tích cực.

Sara Elly (19 tuổi, sống ở Albuquerque, Mỹ), một content creator, đã bị hấp dẫn bởi trào lưu này vì nó khuyến khích người dùng tạo ra nhiều nội dung tích cực. "Điều thu hút tôi là nội dung tích cực được tạo thành từ một cộng đồng những người muốn khiến bản thân tốt hơn", cô nói.

Trở thành "That Girl" có nghĩa cô gái đó phải hoàn thiện bản thân, tập trung vào năng suất làm việc và sức khỏe tinh thần. Những người dùng TikTok quảng bá trào lưu này dựa trên tính thẩm mỹ bằng cách sắp xếp lịch sinh hoạt hoàn hảo, đáng mơ ước cùng những bức ảnh chụp bữa ăn đẹp mắt trên Instagram.

Olivia Eve Shabo (21 tuổi, đến từ New Jersey, Mỹ), cho biết: "Khi lần đầu tiên tôi thấy thuật toán TikTok của mình đã chuyển đổi thành nội dung về sức khỏe và lối sống, tôi bắt đầu cảm thấy bớt tội lỗi hơn khi lướt một cách vô thức. Tôi bị cuốn hút bởi một đoạn clip ngắn có thể thúc đẩy bản thân đứng dậy và vận động cơ thể, thức dậy sớm hoặc hoàn thành công việc".

Đối với những người làm công việc sáng tạo nội dung như Sara và Olivia, lối sống "That Girl" giúp họ cân bằng giữa năng suất và khả năng tự chăm sóc bản thân. Và mặc dù xu hướng khuyến khích tính kỷ luật nhưng chắc chắn nó không ủng hộ cách tiếp cận lối sống "chỉ làm không chơi".

Khơi gợi sự tự ti, hạ thấp giá trị bản thân

Aimee (30 tuổi, đến từ Swansea, xứ Wales) cho biết, cô cảm thấy trào lưu này "vừa yêu vừa ghét". Cô kể: "Lần đầu tiếp cận với xu hướng "That Girl" tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật chán nản. Nhìn những cô gái trên đó, cuộc sống của họ trở nên hào nhoáng và dễ dàng, tôi cũng muốn mình có điều đó. Tôi muốn thành "That Girl"".

Aimee cảm thấy được truyền động lực từ những nội dung này, quan tâm đến sự phát triển của bản thân, nhưng nó cũng khiến cô áp lực. "Tôi thấy bực bội và sớm nhận ra rằng tôi sẽ không bao giờ trở thành "That Girl" vì trong cuộc sống thực "cô gái ấy" chẳng hề tồn tại".

Vấn đề chính của trào lưu "That Girl" là nó đặt ra những tiêu chuẩn không thể đạt được - không chỉ là tiêu chuẩn sắc đẹp mà còn là lối sống mà hầu như không thể theo được trong thời gian dài.

Quá trình chuẩn bị bữa trưa của một "That Girl" (Video: TikTok).

Michelle Scott, một nhà trị liệu tâm lý và chuyên gia về rối loạn ăn uống tại TRC Group, cho biết: "Mọi người thường xem những nội dung như thế này trên mạng khi họ đang trải qua một giai đoạn khó khăn và đang tìm kiếm một giải pháp hoặc một câu trả lời. Điều này có thể tốt cho sức khỏe, giống như khi chúng ta nghe nhạc để tìm kiếm sự kết nối, nhưng nó sẽ trở nên tiêu cực khi chúng ta cảm thấy như mình đang thiếu một thứ gì đó trong cuộc sống của chính mình".

Scott chỉ ra rằng nhiều hoạt động mà "That Girl" khuyến khích có thể hữu ích cho những người đang vật lộn với vấn đề tinh thần, chẳng hạn như viết nhật ký và thiền định. Chúng không phải là những thói quen xấu".

Lindy (24 tuổi, đến từ Gloucestershire, Anh), cho biết: "Tính thẩm mỹ rõ ràng và sắc nét khiến cuộc sống của tôi trở nên lộn xộn và hỗn loạn". "That Girl" đã phá hỏng giá trị bản thân của cô. Đó là nội dung gây nghiện nhưng thuật toán TikTok cứ liên tục hiển thị với cô.

Scott nói: "Khi chúng ta rơi vào tình trạng đau khổ về cảm xúc, bộ não của chúng ta sẽ tìm kiếm câu trả lời, ngay cả khi những câu trả lời đó không lành mạnh. Nhưng nếu những câu trả lời đó không thực sự hiệu quả với chúng ta, nó có thể ngăn cản ta xử lý chấn thương tinh thần".

Scott nói thêm rằng việc trở thành "That Girl" có nghĩa là tuân theo một phong cách thẩm mỹ cứng nhắc, một thứ hoàn toàn thiếu sự đa dạng. Lola (28 tuổi, đến từ London, Anh) nhanh chóng thoát khỏi xu hướng này vì nó "vẽ nên một bức chân dung phi thực tế về sự phát triển cá nhân".

"Bạn cần tự hỏi bản thân khi sử dụng những nội dung như thế này, bạn đang nhìn vào khía cạnh thẩm mỹ hay ý nghĩa rộng hơn về các giá trị?", Scott nói thêm.

Alex (20 tuổi, đến từ Manchester, Anh), nhận ra rằng trào lưu "That Girl" có sự liên quan với chứng rối loạn ăn uống mà anh đã phải vật lộn trước đó. "Những video này thường liên quan đến việc giảm cân và chống lại sự lười biếng, tôi không nghĩ rằng chúng khuyến khích ăn uống lành mạnh".

Scott đã làm việc với nhiều phụ nữ mắc chứng rối loạn ăn uống và họ nói rằng nội dung như các video "That Girl" có thể có khả năng gây hại. "Mạng xã hội không tạo ra chứng rối loạn ăn uống nhưng nó cho chúng ta phương tiện để nhìn ra thứ mà chúng ta có thể muốn trở thành nếu chúng ta không cảm thấy hài lòng về bản thân".

Nhiều cô gái trẻ cho rằng, trào lưu "That Girl" là một cách để khám phá giá trị bản thân, trong khi một số khác lại tự ti, đánh giá thấp chính mình vì nó. Dù bạn có là "That Girl" hay không thì hãy cứ chấp nhận con người thật của mình.