Hội chứng "con cưng" không muốn...lớn

Được gia đình bao bọc quá kỹ khiến bản thân không muốn lớn lên, không ít người trưởng thành không biết tự xử lý các vấn đề của mình, luôn phụ thuộc vào người khác.

“Con cưng” tuổi 40

 

Ở tuổi 40, anh Bùi Hoàng Anh, kỹ sư ngành hàng không hiện sống tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), tuyên bố không lấy vợ khiến gia đình, bạn bè ngỡ ngàng.

 

Nhiều năm ròng, người thân quen ra sức “đánh mối” cho anh hết cô này, đám nọ nhưng chỉ sau thời gian làm quen, các cô gái lần lượt rời bỏ anh. Hoàng Anh cao ráo, đẹp trai, công việc ổn định, nhà mặt phố, có xe “4 bánh” đi làm, nên khi anh tuyên bố không lấy vợ, ai cũng hoài nghi anh gặp vấn đề giới tính. Nhưng mọi chuyện không phải vậy.

 

Hoàng Anh ngượng ngùng thổ lộ: “Tôi cũng yêu và đau khổ khi các cô gái rời bỏ nhưng nỗi sợ phải làm chồng, làm cha còn khủng khiếp hơn. Tôi không biết phải làm trụ cột gia đình thế nào khi mọi thứ từ nhỏ tôi được bố mẹ lo toan hết”.
 
 
Những người trẻ trưởng thành về mặt xã hội thường thành công trong cuộc sống. (ảnh: Hoài Anh)
Những người trẻ trưởng thành về mặt xã hội thường thành công trong cuộc sống. (ảnh: Hoài Anh)

 

Biết được lý do gốc ấy, bố mẹ Hoàng Anh dù đã ngoài 70 tuổi quyết định rời cậu ấm vào TPHCM ở với gia đình anh trai cả. Mẹ anh buồn nhất, bà khóc nhiều bởi vì thương con, chăm bẵm quá mức nên cậu ấm không thể tự lo toan việc riêng của mình. Trước khi tạm biệt con, bà động viên: “Con gắng tự lo cho mình. Khi nào lấy vợ, bố mẹ sẽ về bế cháu cho, đừng lo”.

 

Trái với mong muốn của cả gia đình, Hoàng Anh bị sốc, trầm cảm suốt nửa năm khi phải sống một mình trong căn nhà và khu vườn rộng cả trăm mét vuông giữa Hà Nội. Anh vụng về chọn quán ăn sau mỗi giờ đi làm về. Nhà cửa, quần áo luôn bừa bãi, khoảng sân trước nhà ngập rác bụi. Những chậu cây cảnh không ai chăm sóc héo úa, chết dần...

 

Năm năm từ ngày bố mẹ rời đi, ở tuổi 44, cuộc sống của Hoàng Anh càng sa sút hơn. Anh kiếm cớ ở lại cơ quan nhiều hơn, không vắng mặt trong bất cứ cuộc ăn nhậu nào. Nhiều lần anh ốm đau đến mức sốt cao phải nhờ hàng xóm gọi cấp cứu mới qua khỏi. Bố mẹ anh sốt sắng bay ra chăm sóc đến khi anh khoẻ lại. Dù vẫn rất thương anh, nhưng họ tuyên bố không trở lại Hà Nội.

 

Trai 30 tuổi còn... non!

 

Trong một chương trình học kỹ năng làm chủ cuộc sống, Bùi Ngọc Hạnh (SN 1987, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, cô vừa chia tay bạn trai 29 tuổi thuộc tuýp “không chịu lớn”.

 

Hai người trong giai đoạn hẹn hò, tìm hiểu nhau, nhưng khi Ngọc Hạnh mời anh đi dự sinh nhật bạn cô, anh giao hẹn muốn đi đâu thì đi, cứ 21h30 anh phải có mặt ở nhà vì sợ mẹ lo lắng. Trong bất cứ câu chuyện nào của hai người, bạn trai Hạnh thường nói: “Mẹ anh bảo thế... Để anh hỏi lại mẹ xem thế nào...” .

 

Đỉnh điểm sự rạn nứt là sau khi Hạnh và bạn trai ra mắt, làm quen hai bên gia đình. Mẹ của bạn trai đến tận nhà Hạnh đề nghị mẹ cô khuyên bảo con gái không nên rủ con trai bà ra đường vào buổi tối.

 

Trong mối quan hệ này, Hạnh quyết định không tiến xa hơn, vì: “Tất nhiên, mẹ bao giờ cũng là người quan trọng nhất và một anh chàng nghe lời mẹ cũng đáng hoan nghênh, nhưng cái gì cũng phải có giới hạn của nó”.

 

Tuấn Hùng (SN 1977, ở quận Hà Đông, Hà Nội) được nhiều bạn gái quý mến bởi tính tình cởi mở, không đua đòi và khá tâm lý. Bạn gái của Hùng (SN 1983), làm cùng cơ quan.

 

Những ngày đầu thấy mẹ Hùng thường gọi điện hỏi thăm con, bạn gái anh rất mừng khi biết anh có người mẹ tâm lý, quan tâm đến con. Nhưng trong lúc hai người “tình cảm”, mẹ Hùng thường gọi điện khuyên con trai điều này, nhắc nhở điều kia khiến cô bạn gái lúng túng.

 

TS Nguyễn Xuân Mai (Viện Xã hội học) cho biết, nói chung, những người như vậy khó thành đạt trong cuộc sống, ít có cơ hội về một cuộc sống hạnh phúc và thường mang lại những lo lắng, ưu phiền cho người thân của họ.

 

“Xã hội phát triển dựa trên sự trưởng thành và phát triển của giới trẻ. Nếu như hội chứng lan rộng, tất yếu sẽ ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển xã hội, cũng như sự gia tăng các hành vi lệch chuẩn”, TS Mai nói.

 

“Với những người ngoài 30 tuổi, nếu được chăm bẵm quá kỹ, sẽ rất khó thay đổi thói quen bởi vì trong hơn 20 năm trưởng thành, tự bản thân họ cũng không tự muốn thay đổi, vẫn thích sống kiểu bao bọc và có người khác lo hộ mình. Sự bao bọc quá tiêu cực của bà mẹ cũng chỉ là một phần, cái chính là bản thân người đàn ông đó cũng không muốn tự mình lớn lên”. (TS Tâm lý Nguyễn Kim Quý)

 

Theo Hiếu Mai

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm