Học trò miền núi sống thử

(Dân trí) - Có dịp qua thị trấn mua ti vi, chị Mận vào ký túc trường thăm con thì biết cô con gái đang học lớp 11 đang sống cùng người yêu. Đến tìm con, biết “con rể” là con trai ông trưởng bản, chị cười: “Con học xong là nhà ta có rể luôn”.

Sống thử để sớm… lập gia đình?

Nhà cách trường chưa đến 10 cây số, từ trước đi đi về về không sao nhưng đến cuối năm lớp 10, Thu, học sinh một trường cấp ba vùng cao thuộc tỉnh Phú Thọ nhất quyết đòi bố mẹ thuê phòng trọ gần trường để ở. Thu viện cớ: “Con yếu, phải giữ sức để học”.

Thật ra, Thu vừa "kết" một anh chàng trên cô một lớp, đang học bổ túc của TT Giáo dục Thường xuyên huyện nên cô quyết định sống với người yêu. Anh chàng xa nhà, đã có sẵn phòng trọ, giờ Thu chỉ việc vào “ở góp”.

Cũng như nhiều bạn cùng trường, Thu “đua” theo phong trào của những học sinh… xa nhà là chung sống cùng người yêu. Nhưng Thu quả là cô gái biết… lo xa khi nói lý do chính là: “Cứ sống với nhau để học xong cấp ba là cưới luôn. Chứ học hết cấp ba kiểu gì cũng ở nhà, mà lúc đó mới yêu thì đến khi nào mới lấy được chồng”.

Cuộc sống của tổ ấm học trò này khá đơn giản. Một buổi đi học, còn buổi lông bông chơi nhà bạn bè. Chuyện cơm nước cũng chẳng phiền hà, ăn quà vặt qua bữa là chính, còn không thì ăn cơm quán.

Cũng chẳng tốn kém như các anh chị sinh viên ở thành phố, vì ở quê cái gì cũng rẻ, tiền phòng, tiền điện cũng chỉ vài chục nghìn. Gần nhà nên nếu hết tiền, “vợ chồng” lại thay nhau đạp xe về xin bố mẹ ít trợ cấp.

Muộn hơn Thu một chút, Thuyên, trường Dân tộc Nội trú huyện (Lạng Sơn) mới quyết định đến phòng trọ của người yêu ở khi kỳ cuối lớp 12, sau hơn một năm rưỡi yêu nhau.

Vào lúc bạn bè cùng lớp đang đau đầu bài vở chuẩn bị “tác chiến” với kỳ thi tốt nghiệp và đại học thì Thuyên lại chọn thời điểm này để thực hiện…kế hoạch của mình.

Thuyên từng bày tỏ: “Cả hai đều xa nhà, yêu nhau cũng đã lâu nhưng lúc này em mới quyết định sống chung vì để cho có thai, học xong là… cưới luôn”.

Học xong sẽ cưới: Chẳng dễ

Hiện tượng học trò ở nhiều vùng miền núi sống chung với nhau khi học xa nhà không phải là hiếm. Chưa bị áp lực cơm áo gạo tiền nên những vụn vặt trong cuộc sống thường được giải quyết gọn nhẹ. Những rắc rối thường chỉ nảy sinh khi có… vấn đề lớn.

Cùng trường với Thuyên, trước đây có cặp “tình nhân” nàng lớp 11, chàng 12 nổi tiếng vì sau vài tháng sống thử với nhau họ được lên chức làm cha, làm mẹ.

Cô gái phải nghỉ học giữa chừng về nhà bố mẹ đẻ sinh con. Muốn cưới cũng chẳng được vì cả hai chưa đủ tuổi. Nhà trai hẹn chờ con mình học xong rồi sẽ cưới. Thế là “ông bố” vẫn hồn nhiên đi học xa nhà, đến cuối tuần lại về… thăm con. Đỗ tốt nghiệp, anh chàng được bố mẹ chạy cho một suất cử tuyển. Chẳng cần ra tay, “chiêu” này đã dứt chàng trai ra khỏi cô gái vì chỉ sau khi một năm đi học ở tỉnh về, chàng trai đã đưa bạn gái mới về nhà.

Cậu ta tuyên bố với… mẹ của con trai mình: “Hai đứa tao đều có ngành nghề lấy nhau mới hợp. Hơn nữa cũng sống chung với nhau rồi”.

Như Thuyên, thành công… kế hoạch mang thai vào cuối lớp 12 nhưng không lâu sau đó cô thi đỗ vào trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật của tỉnh, mong ước từ nhỏ của cô. Hối hận cũng đã muộn, cái thai trong bụng đã lớn, Thuyên phải “dẹp” việc học để cưới chồng sinh con như.. tính toán của mình.

Có biết bao nhiêu sơn nữ, may mắn hơn nhiều người khi có điều kiện ăn học nhưng rồi vướng vào yêu và sống thử để rồi phải gánh hậu quả đáng tiếc.

Khi sống với nhau, nếu có bị “dính” mà chưa thể cưới thì cũng rất ít người dám đến cơ sở y tế mà thường đi tìm các thầy lang băm để “giải quyết”. Đây cũng là hiểm hoạ chung của người dân miền núi.

Những câu chuyện đau lòng hậu sống thử của học trò miền núi chưa dừng lại ở đó. Do nhận thức còn hạn chế nên các em thường có những hàng động tiêu cực khi việc không được như mong muốn.

Các đây không lâu, T - một học sinh ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An đã tìm đến cái chết khá đau đớn là trốn vào rừng rồi treo cổ. Lý do là cô bạn gái cùng bản, cùng học với T nói lời chia tay và yêu một người khác.

Tuy nhiên, trước hiện tượng này, nhiều phụ huynh vẫn gần như… đứng ngoài cuộc dù con cái đi học cách nhà chỉ vài chục số. Thậm chí có người còn… khuyến khích con mình “sống” để mà “cưới”.

Có dịp qua thị trấn mua ti vi, chị Mận (có con học lớp 11 ở trường THPT P (Tuyên Quang) vào ký túc trường thăm thì mới biết con gái đang sống cùng người yêu. Đến tìm con, biết “con rể” là con trai ông trưởng bản, chị nói với coni: “Con học xong là nhà ta có rể luôn”.

“Con mình mà không học cấp ba, ở nhà nó cũng lấy chồng. Còn đi học nó “lấy trước” để khi hết học là có chồng luôn càng tốt”. - Suy nghĩ của chị Mận cũng là suy nghĩ của nhiều phụ huynh ở miền núi nên việc học trò miền núi sống chung với nhau cũng xem như… chẳng có chuyện gì.

Hoài Nam