Học trò Hà Nội “hẹn hò” hàng rong

Nộm - Đường Thành, caramen - Hàng Than, cháo - Thành Công, chè - Nam Đồng... Teen Hà Nội có thể vẽ một tấm bản đồ về hàng rong ngõ hẻm, hè phố. “May mà chỉ cấm hàng rong đi trên đường, không thì... Hà Nội sẽ chán lắm!!!”

Vỉa hè “đệ nhất quán”

Đấy là tên gọi vui cho một cái ngõ nhỏ phố Hàm Long, nơi cứ chiều chiều lại tíu tít đồng phục học sinh líu ríu: “Cô ơi cho cháu đĩa ngải cứu, cô ơi cho cháu đĩa há cảo 5 người ăn”.

Hà Phương cùng nhóm bạn của mình đều là dân “chuyên ăn” nên kể cả những nơi “tận cùng của Hà Nội”, Phương và các bạn quyết nếm bằng được. Và rồi thì “trót iu” cái “tổ hợp hàng rong này”. Ở đây có nhiều thứ cho “một bữa no nê”.

Vừa nói bạn vừa chỉ một quán chè lèo tèo một chiếc bàn và vài cái ghế nhỏ: “Quán này phong cách tây, buffet đấy”, chỉ với 5 nghìn đồng là bạn có thể tự lựa đỗ xanh, đỗ đỏ, bột lọc... vào cốc của mình.

“Bọn tớ hay được điểm cao nên hay phải “khao” nhau lắm”, Hà Phương hếch mũi. Một buổi sáng mẹ cho 10-20 nghìn đủ để cô bạn ăn một cái bánh mì ngon và thêm hộp sữa, vài thứ nho nhỏ nữa. Nhưng cứ dành lại để buổi chiều lành lạnh sau khi tan học, có thể “góp dưa” cùng tụi bạn ăn lạng xoài dầm ớt, ngồi bên lò rán của cô, chú bán hàng bánh khoai, bánh chuối, vừa xuýt xoa vừa cắn miếng bánh to nóng sực, miệng và tay cũng lem nhem đầy mỡ.

“Uh! Thì thỉnh thoảng vẫn Gloria jean’s, Highlands nhưng ngồi vỉa hè thì thường xuyên hơn”. Đâu phải lúc nào cũng xông xênh để ngồi ở những vị trí đẹp nhất Hà Nội và thưởng thức tách cafe với giá xấp xỉ 50 nghìn. Chẳng thế mà quán Hồng Trà vỉa hè Phan Chu Trinh, quán caramen tại Hàng Than vẫn đông khách.

Mai Hương (DHS Úc) và Huỳnh Lan (DHS Malaysia) đã hẹn nhau tết này về Hà Nội, về sớm để rình “ăn sáng bún ốc Triệu Việt Vương, ngon và nhớ lắm lắm!”. Hai bạn còn nói sẽ “rủ thêm tụi tây con về Việt Nam” để thưởng thức những thứ này với lí do: “Không sang nhanh thì hết hàng rong Hà Nội, Hà Nội không còn là Hà Nội”.

Trước đây sống ở gần khu Văn Miếu và sau này sang Malaysia sống với mẹ của mình, kí ức của Huỳnh Lan là những nắm xôi mẹ mua về ở Cửa Nam hay những bát cháo trai mua ngay trước cửa nhà mỗi khi đói. “Sang Malaysia mỗi khi hết tiền mình hay cùng bạn bè vào KFC, KFC ở đây thì rẻ nhất nhưng cũng không ngon”, vậy nên đợt vừa rồi về Tết Dương lịch chơi, bạn bè rủ vào KFC thì bạn cứ lắc đầu quầy quậy, chỉ đòi “lang thang phố và ngồi vỉa hè thôi”.

Những bài học thương yêu từ vỉa hè

Giới trẻ ngày nay sướng. Teen thành phố được sở hữu những món đồ hi-tech nhiều hơn. mà còn hay đòi hỏi đồ “đẹp và độc”. Nhưng vẫn nghe được những câu chuyện có từ thời “ba mẹ ngày xưa được ông bà cho ăn bát bún vỉa hè đã thích rồi, chúng mày bây giờ sướng quá”.

Hàng ngày “chat” với nhau bởi YM online, Mes offline và SMS. Nhưng đến trường vẫn được giao một đề tập làm văn “cũ”: “Em hãy làm một bài văn về cảm xúc với tiếng rao sáng của một bác bán hàng rong đường phố”. Đó là thứ văn hoá được nuôi dưỡng từ rất lâu và Hà Nội sẽ không thể nào “đủ” nếu thiếu đi điều đó!

“Bố tôi không bao giờ cho phép con gái rút một mớ tiền nhăn nhúm trong túi ra và đưa cho người bán hàng ven chợ, bất kể đó là ai và họ bán cái gì”. Bởi vì, “họ không xin ai, họ chỉ là những người khó khăn”.

Huỳnh Lan vì học giỏi và gia đình khá giả nên tuy còn nhỏ nhưng đã được đi du lịch nhiều nước. Cô bạn bảo, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có hàng vỉa hè, gần Việt Nam hơn là Băng-cốc (Thái Lan) có khu Siam Square mở đến tận 10h đêm “đông kinh người, toàn quần áo đẹp và rẻ”. Những nước đó đều phát triển hơn Việt Nam. Cô nhỏ này hay đọc báo mạng và biết thông tin: “Hà Nội sẽ cấm hàng rong, em thấy hụt hẫng lắm. May mà trong ngõ hẻm vẫn còn được bán. Không thì... Hà Nội sẽ chán lắm”.

Theo Nani
Kênh 14.vn