Học sinh cấp 3 sáng tạo bộ cảm biến giúp giảm tai nạn giao thông

Phan Linh

(Dân trí) - "Giải pháp đảm bảo an toàn giao thông bằng bộ cảm biến thông minh khi điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp điện" là 1 trong 37 sản phẩm đoạt giải Tuổi trẻ sáng tạo tiêu biểu toàn quốc năm 2020.

Sản phẩm được Sở Giao thông vận tải Tỉnh đánh giá là "đột phá"

Nhóm bạn Tạ Nhật Anh, Phan Bùi Đức Hải, Vũ Thảo Ngân (cùng sinh năm 2003, học sinh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - Hòa Bình) từng bị sốc khi nhìn thấy nhóm thanh niên đua xe nẹt pô, bốc đầu, thả hai tay và chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm. Từ hiện thực này, nhóm bạn Nhật Anh bắt đầu có ý tưởng nghiên cứu "Bộ cảm biến thông minh khi điều khiển mô tô-xe máy-xe đạp điện".

Ban đầu, Nhật Anh nhận một vài ý kiến không mấy tích cực về dự án này, như: "Không thật sự hiệu quả lắm"; "Tương lai xã hội phát triển, mọi người sẽ chọn ô tô nhiều hơn là xe máy nên ý tưởng này không khả quan"...

Nhưng em vẫn kiên trì với ý tưởng này và mạnh dạn đề xuất để được thầy cô giáo hướng dẫn, định hướng cụ thể. Nhật Anh rất vui khi tìm được hai người bạn đồng hành Đức Hải và Thảo Ngân.

Học sinh cấp 3 sáng tạo bộ cảm biến giúp giảm tai nạn giao thông - 1
Hình ảnh mô phỏng công trình nghiên cứu sơ khai của nhóm tác giả khi dự thi "Khoa học kỹ thuật" cấp tỉnh.
Học sinh cấp 3 sáng tạo bộ cảm biến giúp giảm tai nạn giao thông - 2
Sau 5 tháng nâng cấp và nghiên cứu thêm, nhóm tác giả đã nâng lên mô hình hoàn thiện và gọn nhẹ hơn so với bản mô phỏng sơ khai.

Theo thiết kế, khi bộ cảm biến thông minh này được lắp trên phương tiện mô tô-xe máy, xe đạp điện sẽ ngăn chặn triệt để tình trạng điều khiển xe bằng một tay. Từ đó, bắt buộc người điều khiển phương tiện phải tuân thủ quy định lái xe bằng cả hai tay và không sử dụng điện thoại khi lái xe.

Bộ cảm biến tích hợp chức năng cảnh báo quá tốc độ, cảnh báo chướng ngại vật xung quanh người tham gia giao thông để người điều khiển chủ động trước những va chạm không đáng có.

Nhận xét về công trình sáng tạo của nhóm học sinh cấp 3 này, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình cho rằng: "Đây là một sản phẩm có sự đột phá, mang tính thời sự, có trách nhiệm với cộng đồng.

Dự án hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học, đặc tính kỹ thuật như một tính năng mới, khi hoàn thành có thể giới thiệu đến các nhà sản xuất để xem xét nghiên cứu áp dụng".

Học sinh cấp 3 sáng tạo bộ cảm biến giúp giảm tai nạn giao thông - 3

Nhóm tác giả trẻ bắt đầu ý tưởng từ sự việc rất đời thường của con người khi tham gia giao thông.

Tín hiệu khả quan của sản phẩm khi đưa vào thử nghiệm thực tế

Bộ cảm biến thông minh được chế tạo, lắp đặt, thử nghiệm trên các loại xe số, xe ga, xe đạp điện đều cho thấy hoạt động bước đầu ổn định và hiệu quả.

Cụ thể, nhận xét đánh giá sau khi chạy thử nghiệm trên một số loại mô tô, xe máy của 20 người là những cư dân sinh sống tại tổ 8 phường Đồng Tiến, Tân Thịnh thành phố Hòa Bình là: Hoạt động ổn định 20/20 người cho điểm tốt; Dễ sử dụng 19/20; Khắc phục triệt để việc lái xe 1 tay 20/20; Hệ thống cảnh báo đáp ứng yêu cầu 20/20.

Bên cạnh đó, dự án nhận được những ý kiến góp ý cần phải nâng cấp thêm một số nội dung như tích hợp thêm cảnh báo va chạm trước, sau và hai bên cho mô tô, xe máy và xe đạp điện.

Ngoài ra, nhóm tác giả cũng đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng khi nhận được một số ý kiến phản biện của người dân khi được trải nghiệm thực về dự án: "Nếu xe tôi bị hỏng, tôi dùng tay vừa đẩy xe vừa thả một tay thì thiết bị này sẽ như thế nào?"...

Chia sẻ về cách giải quyết vấn đề này, Nhật Anh nói: "Chúng em đã tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa trong phần code lập trình để hạn chế rủi ro khi có tình huống bất ngờ".

Học sinh cấp 3 sáng tạo bộ cảm biến giúp giảm tai nạn giao thông - 4

Thầy hướng dẫn Bùi Văn Thiện đồng hành cùng Nhật Anh (tác giả chính của dự án) tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc 2020.

Học sinh cấp 3 sáng tạo bộ cảm biến giúp giảm tai nạn giao thông - 5
Nhật Anh - Tác giả chính của dự án Bộ cảm biến thông minh.

Nhóm tác giả chia sẻ thêm với PV Dân trí về quá trình hoàn thiện sản phẩm: "Xuất phát từ việc lên ý tưởng, nhóm đã gặp phải một số khó khăn thời gian đầu là không biết bắt đầu từ đâu, quá trình thử nghiệm như thế nào để an toàn cho người tham gia.

Hơn nữa, chúng em lại sống ở Hòa Bình, một nơi không tiếp cận được nhanh công nghệ thông tin như các thành phố phát triển khác nên đôi khi cũng "bí" trong quá trình nghiên cứu.

Hơn một năm dành cho dự án, với tổng chi phí linh kiện, phụ kiện để chúng em hoàn thành sản phẩm hoàn chỉnh là 480.000 đồng. Đây là một mức giá nếu đưa ra thị trường sản xuất đại trà có thể sẽ được tối giản hơn bởi các nhà sản xuất sẽ hợp tác và mua đồng loạt linh kiện, phụ kiện giá thành rẻ.

Điều mong muốn nhất của chúng em đó là trong tương lai, sản phẩm sẽ nhận được sự quan tâm, phê duyệt của cơ quan quản lý để các nhà sản xuất hãng xe có thể lắp ráp với giá thành phù hợp cho tất cả mọi người từ đó cải thiện tối đa những con số tai nạn giao thông không mong muốn".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm