Học nấu ăn - con gái lép vế?
(Dân trí) - Chuyện các “boy” đi học nấu ăn ngày càng phổ biến. Lớp Nấu ăn K10D9, trường Cao Đẳng Du lịch mà Quân theo học có số nam sinh chiếm khá áp đảo so với nữ sinh.
Dương thịnh âm suy...
Dù là con trai nhưng từ nhỏ Quân đã thích nấu ăn. Sở thích ấy khiến Quân nuôi ý định theo học lớp nấu ăn chứ không phải một ngành “hot” nào khác sau khi tốt nghiệp cấp ba.
Lúc đầu, bạn bè và gia đình không ai ủng hộ Quân học ngành nấu ăn vì cho rằng ngành này chỉ hợp với con gái. Nhưng mọi người đã bị thuyết phục sau vài lần trổ tài tại gia của Quân.
Quân chỉ là một trong số nhiều “boy” theo học nấu ăn. Duy Bình, cựu sinh viên lớp nấu ăn trường Cao Đăng Du lịch cho biết “Con trai bây giờ đi học nấu ăn nhiều lắm. Khóa mình học hầu hết toàn con trai. Riêng lớp mình có tới 32 bạn nam, chỉ có 12 bạn nữ”.
Khác với Quân, Chiến học viên lớp chế biến món ăn trườn Hoa sữa đi học nấu ăn để duy trì truyền thống gia đình. Cả nhà làm trong nhà hàng nên dù là con trai, bố mẹ Chiến vẫn động viên cậu theo học nấu ăn. Mới đầu Chiến chỉ định chiều lòng bố mẹ, nhưng rồi những món ăn đã cuốn hút cậu lúc nào không biết.
Còn Bảo An, sinh viên trường Đại học Bách khoa, đang theo học tại một trung tâm nấu ăn với lý do cực kì lãng mạn: "Bạn gái mình rất thích ăn các món bánh Châu Á, nên mình quyết định cho nàng bất ngờ, tự mình sẽ làm một cái bánh thật to tặng nàng trong ngày sinh nhật sắp tới. Và vì hơn thế mình muốn chia sẻ chuyện bếp núc với nàng sau này".
An chia sẻ khi đăng ký đi học phải lấy hết cam đảm vì nghĩ học nấu ăn chỉ phù hợp với con gái nhưng cậu bất ngờ khi thấy lớp 10 người chỉ có hai bạn nữ.
Nghề “dinh dưỡng" bây giờ đã không còn là độc quyền của giới nữ. Thầy Nguyễn Huy Thuần, giảng viên chuyên ngành chế biến món ăn, Cao Đẳng Du Lịch Hà Nội cho biết: "Hầu như bếp trường trong các nhà hàng lớn đều là nam. Con trai học nấu ăn bao giờ cũng nhanh và sáng tạo hơn con gái". Thầy cho biết thêm, trong những cuộc thi về chế biến món ăn tại trường Cao đẳng du lịch Hà Nội, thông thường số nam dự thi và chiếm giải hơn học viên nữ rất nhiều.
Duy Bình giờ làm ở nhà hàng VineWine cũng cho biết: "Chỗ mình là nhà hàng chuyên về món ăn Thái, hầu hết toàn đầu bếp nam thôi, chỉ có hai bạn nữ làm bên salat và món trộn".
...và ưu thế vượt trội
Không những lợi thế trong công việc, con trai giỏi chuyện "bếp núc" dường như lại ăn điểm trước các bạn gái hơn. Minh Thư, K10D9 tâm sự: "Nhìn các bạn nam lớp em nấu ăn, thấy các bạn ấy gần gũi và đáng yêu kinh khủng".
Việc "xâm chiến lãnh địa" trên "thương trường bếp" của các bạn nam thế mà lại khá "được việc". "Bố mẹ mình ngăn cấm chuyện tình cảm của mình và bạn trai mình chỉ vì bạn ấy ở xa quá. Nhưng nhờ tài nấu ăn, dần dần, bạn trai mình đã "cưa đổ" phụ huynh nhà mình, vì yên tâm "Cái Linh nhà mình mai sau khỏi lo bị thiếu chất", Linh, Đại học công nghiệp tâm sự về cậu bạn trai học nấu ăn của mình.
Khi được hỏi nấu ăn trước là nghề của nữ, giờ học có thấy ngại không, Tuấn, đang theo học lớp nấu ăn hệ trung cấp K10D9, Cao đẳng du lịch chia sẻ “Nấu ăn bây giờ không phân biệt nam nữ, nó cũng là nghề giống như mọi nghề khác thôi, mình không thấy ngại, thậm chí lớp mình con trai còn chiếm đa số".
Có một điều đáng nói, nếu trong thời gian học trên trường, con trai học nấu ăn có vẻ hụt và lười hơn, thì ra trường, đi làm trên thực tế, con trai lại được việc hơn con gái rất nhiều. Đa số các bạn nữ học nấu ăn xong, hầu hết chỉ làm trong bếp lạnh, còn bếp nóng và bánh, cũng như đứng chảo, đứng bếp, những công việc chính, đầu bếp nam đảm nhiệm toàn bộ.
Nếu khéo léo và chịu khó để ý, các bạn, đặc biệt là những bạn nam sẽ dễ dàng lên cao trong công viêc hơn, và sở hữu mức lương khá cao là chuyện khỏi phải bàn trong nghề này. Chính vì thế: "Mình chọn nấu ăn vì thấy đây là nghề của thể kiếm ra tiền", Tuấn K10D9 cho biết.
Nếu ngày xưa, nói đi học nấu ăn, người ta chỉ nghĩ tiêu cực là việc đi “rửa bát” cho thiên hạ, thì bây giờ, nấu ăn đã được liệt vào một trong những nghề mang tầm nghệ thuật cao. Và con trai đi học nấu ăn bây giờ, không còn là "của hiếm".
Lệ Cẩm - Minh Huệ