Học du lịch, ra... dọn phòng
Bước chân vào các khách sạn lớn đến các khách sạn vừa và nhỏ, đâu cũng thấy có đội ngũ nhân viên, trẻ khoẻ nhanh nhẹn. Hỏi ra mới biết, đó là những sinh viên ngành du lịch mới ra trường. Mục sở thị mới thấy hành trình vào đời của họ cũng lắm gian truân.
Việc dễ kiếm
“Chắc tao phải học lại ngành khác thôi. Cái nghề này bán sức giá bèo quá, lại bị miệt thị. Có lẽ tao nhầm nghề rồi” - Huệ gọi điện tấm tức.
Thi năm thứ nhất, Huệ không đậu ĐH, là con nhà thuần nông, gia đình lại gặp nhiều khó khăn, Huệ đành bằng lòng với trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật ở tỉnh, khoa Du lịch, với hi vọng học vài năm ra trường tự tìm việc kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình.
Tốt nghiệp bằng khá với số điểm xếp “top 5” trong lớp, Huệ hí hửng đi xin việc với hi vọng sẽ được “trọng dụng”. Sau một tháng bôn ba ở thành phố, Huệ đành ngậm ngùi vào làm chân phục vụ cho một khách sạn tư nhân. Công việc chính của Huệ hàng ngày là dọn phòng, dẫn khách lên phòng, ngoài ra còn phải kiêm luôn chức lễ tân, lau dọn, vệ sinh…
“Biết tiền có trong túi của họ nhưng phải biết làm sao để họ tự tay lấy ra và trả cho mình một cách vui vẻ để lần sau họ còn đến. Vì thế, khách yêu cầu bất kể lúc nào cũng phải có mặt, có khi 1-2 giờ sáng cũng phải chiều phục vụ khách.
Gặp phải khách côn đồ, làm sai một chút họ chửi như tát nước vào mặt, thỉnh thoảng lại bị nắm tay, ghẹo chân là bình thường. Bực nhưng cũng phải nhịn nhục vì uy tín khách sạn, không có bị đuổi việc” - Huệ tâm sự.
Khác với Huệ, gia đình có điều kiện, có cơ hội nhưng Thăng lại bỏ mặc tất cả để học ngành du lịch vì đam mê, dù bố mẹ ra sức phản đối. Sau 3 năm học CĐ Du lịch Hà Nội, được đánh giá là SVgiỏi nhưng long đong mãi, Thăng cũng chỉ xin được vào làm tiếp tân cho một khách sạn tư nhân.
3 năm ra trường, lương 800 nghìn/tháng không đủ nuôi thân, hàng tháng Thăng đành về xin thêm bố mẹ để nộp tiền nhà. Biết mình đã chọn nhầm nghề nhưng cũng đành “câm như thóc” vì nói ra sợ bố mẹ mắng, vì sĩ diện bản thân.
Khó dứt
Khi nhu cầu đời sống ngày càng cao, các khách sạn lớn nhỏ đua nhau mọc lên. Khách sạn có 2 loại: khách sạn tư nhân và khách sạn nhà nước, được phân cấp theo thứ hạng nhất định theo từng tiêu chuẩn 5 sao, 4 sao, 3 sao…
Theo đánh giá của các nhân viên trong ngành thì ở các khách sạn tư nhân, thu nhiều nhưng chi quá ít, số lượng nhân viên quá ít so với lượng công việc và số phòng khách lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác. Nhiều khách sạn tư nhân không đạt sao nào nhưng số phòng hoạt động khoảng 50-60 lượt phòng/ngày. Trong khi đó, hệ thống nhân viên đảm nhận tất cả các công việc từ lễ tân, bảo vệ, dọn phòng, giặt là… chỉ 5-6 người.
Mỗi khách sạn đòi hỏi một yêu cầu khác nhau nên rất phức tạp, đòi hỏi các nhân viên phải có lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng cao.
Ở khách sạn Hoàng Gia, Ami, Á Đông... tại TP Vinh, Nghệ An, quy định thời gian làm việc buổi sáng từ 6h30-11h30, buổi chiều từ 13h-17h30. Với mức lương thử việc 500nghìn/tháng. Các khách sạn ở Hà Nội có vẻ “xông xênh” hơn một chút với giá 800 nghìn, đủ cho hai tháng nhà trọ theo kiểu sinh viên, còn tiền ăn... chưa tính.
“Nếu đem so sánh với việc cuốc đất, nhặt cỏ ở quê thì 500.000 đồng cũng gọi là được, nhưng nếu đem so sánh với số tiền bỏ ra ăn học và công sức thực tế thì quá bèo”. Hiên - một sinh viên mới ra trường đang thử việc cho hay. Ngoài ra các ngày lễ tết, 26/3, 30/4, Noel... khách đông phải làm tăng ca nhưng lương thì vẫn không nhúc nhích.
“Tối từ 15-30 phòng, chỉ có một lễ tân, một bảo vệ, 2 dọn phòng, làm xong lúc nào nghỉ lúc đó. Các phòng hầu như hoạt động hết công suất nên phải trực 24/24h”. L. Nhân viên khách sạn Á Đông tâm sự.
Hầu hết, những sinh viên đi làm đúng nghề đã học này, nhận thấy không phù hợp “như mình tưởng và mình nghĩ”, mức thu nhập lại chưa thỏa đáng. Nhưng số lượng người chuyển sang nghề khác chỉ là con số đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, phần lớn vẫn phải trụ lại để kiếm tiền nuôi thân vì “tiếc tiền ăn học”, “xấu hổ với gia đình bạn bè”, không có điều kiện chuyển nghề.
Theo Dương Sinh
Vietnamnet