Học cao vẫn khó kiếm tiền
Với bất kỳ cô gái Ấn Độ nào, được giống như Kinjal Bhuptani hẳn là điều tốt. Cô đang học cao đẳng kinh doanh tại thủ đô tài chính Ấn Độ, một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng Bhuptani không ảo tưởng thế.
Cô có lẽ sẽ không được chia sẻ sự giàu có chung của cả nước, bởi sau khi tốt nghiệp, cô sẽ chẳng thể kiếm được công việc với mức lương 100.000 USD/năm ở Goldman Sachs hay Microsoft. Tương lai của Bhuptani là đi gõ cửa từng nhà để bán thẻ tín dụng, kiếm 4 USD mỗi ngày.
Sai lầm của Bhuptani, nếu có thể gọi là sai lầm, là cô đã không thi vào các trường danh giá nhất của Ấn Độ như Học viện Quản trị hay Viện Công nghệ thông tin. Những người tốt nghiệp ở đó ra sẽ nhận được những tấm séc nặng tiền từ Wall Street và quản lý những công ty lớn nhất thế giới.
Xếp hạng hai, thấp hơn một bậc so với sinh viên học ở những nơi danh giá trên, là 11 triệu sinh viên Ấn Độ thuộc 18.000 trường đại học và cao đẳng khác. Họ chỉ được đào tạo một cách kém cỏi, họ tiếp nhận kiến thức thụ động và ít được rèn luyện các kỹ năng mà thị trường cần. Đó là nhận xét của các nhà giáo dục và kinh doanh. Hầu như tất cả các sinh viên này bị xem là không thể dùng được, theo đánh giá của các công ty đa quốc gia và địa phương.
"Cứ như thể chúng tôi chưa từng được học hành gì", Bhuptani than phiền.
Những người chỉ trích cho rằng hệ thống giáo dục Ấn Độ đang khiến hàng triệu sinh viên bị tụt vào lớp đáy trong một nền kinh tế hai lớp, khiến đất nước không tận dụng được nhân tài và khiến sinh viên mất cơ hội hưởng thành quả của cuộc cải cách kinh tế.
Vấn đề lớn nhất, theo các chuyên gia, là môi trường trong lớp học, thứ môi trường khiến những sinh viên tuổi 20 hóa thành trẻ con, chỉ im lặng ghi chép và giữ kỷ luật, không dám phân tích, tranh luận và thuyết phục người khác.
Họ cũng thiếu những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm: nói tiếng Anh chuẩn không bị pha âm sắc địa phương, thiết kế và trình bày bằng Power Point, viết một cách logic, làm việc theo nhóm và nắm lấy những cơ hội lãnh đạo.
"Đó hiển nhiên là vấn đề sống còn đối với các sinh viên", Kiran Karnik, chủ tịch Hiệp hội các công ty phần mềm và dịch vụ, nơi quy tụ nhiều công ty hàng đầu của Ấn Độ, phát biểu. Năm ngoái, hiệp hội này ra báo cáo cho biết chỉ có 10% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Ấn Độ được các công ty nước này cho là dùng được.
Ấn Độ là một trong những quốc gia hiếm hoi, nơi bạn càng học cao càng dễ thất nghiệp. Tỷ lệ người tốt nghiệp cao đẳng và đại học thất nghiệp lên đến 17%, cao hơn so với người chỉ tốt nghiệp trung học (số liệu thống kê năm 2001).
Trong khi sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, nhiều công ty trên khắp Ấn Độ than phiền rằng họ không kiếm được nhân viên giỏi. Nghịch lý này được các chuyên gia giáo dục giải thích là do sự thiếu kinh nghiệm của sinh viên. Hàng nghìn trường cao đẳng và đại học của Ấn, mỗi năm nuốt vào lòng hàng triệu sinh viên, và cho ra sản phẩm là chừng ấy người có bằng tốt nghiệp nhưng lại không được tuyển dụng.
Sự khác biệt giữa sinh viên trường "xịn" với các trường "tầm tầm" lớn đến mức kinh ngạc. St. Stephens College - trường nổi tiếng nhất nhì Ấn Độ - có trong danh sách cựu học viên những nhân vật nổi tiếng như tiểu thuyết gia, quan chức hàng đầu của LHQ, và cả một cựu tổng thống Pakistan.
P. Jacob Cherian, quyền hiệu trưởng của trường, cho biết sự khác biệt lớn nhất là nhà trường của ông tập trung vào đào tạo các kỹ năng lãnh đạo và giao tiếp, những kỹ năng mà các trường khác vốn không quan tâm. Cũng như ở các trường đại học phương Tây, sinh viên của ông có nhiều cơ hội gặp và nghe các nhân vật nổi tiếng nói chuyện.
Ở các trường tầm tầm, việc học hành rất vất vả và khắc nghiệt. Thầy giáo sẵn sàng đuổi một học sinh đến muộn hai phút. Trong giờ học, nếu chẳng may bị bắt gặp nói chuyện riêng, sinh viên có thể bị phạt đứng cả giờ học. Trường Hinduja (Mumbai) nơi Bhuptani theo học nằm trong một khu vực giàu có nhất ở Ấn Độ, nhưng nó vẫn là loại hai, vô danh tiểu tốt, điển hình cho một loạt các trường đại học và cao đẳng khác.
"Cái mà thị trường lao động cần và cái mà trường dạy chúng tôi hoàn toàn khác nhau", Sohail Kutchi, một sinh viên học ngành thương mại, phát biểu.
Sinh viên cho biết họ không được học kỹ năng giao tiếp hiệu quả, cho dù những công việc chính mà họ được cho là sẽ đảm nhận là chuẩn bị hồ sơ, trả lời điện thoại và trình bày. Họ chỉ có rất ít cơ hội làm việc theo nhóm hoặc thảo luận. Và cho dù đây là ngôi trường nói tiếng Anh, các giáo sư vẫn dùng sai ngữ pháp và phát âm nặng âm sắc địa phương.
Đối với những công ty đang có ý định tuyển sinh viên mới ra trường, kiểu giáo dục đó quả không phải là cái họ muốn. Trong khi đó thì các hãng ở Ấn Độ lại đang trong giai đoạn cần rất nhiều người. Chẳng hạn, riêng năm nay Infosys sẽ tuyển 25.000 nhân viên mới, được lựa chọn trong tổng số 1,5 triệu ứng viên.
Trong số hàng triệu người bị loại, chắc chắn sẽ có những sinh viên giỏi giang, bị loại chỉ vì thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu tự tin và chưa có cơ hội trải đời, giám đốc nhân sự của Infosys là Mohandas Pai nói.
"Anh có thể rất thông minh", ông bình luận về các ứng viên, "nhưng vì anh học ở một nơi biệt lập, anh không nói giỏi tiếng Anh. Anh lại không được rèn luyện kỹ năng trình bày, thế thì anh trượt".
Theo T. Huyền
Vnexpress/IHT