Hoa hậu Hương Giang làm giảng viên, chia sẻ với người trẻ về... tiền
(Dân trí) - Hoa hậu đẹp nhất Châu Á 2009 Hương Giang là một trong những giảng viên của chương trình đào tạo "CEO GenZ" tại Trường ĐH Hoa Sen.
Cùng với nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, hoa hậu Hương Giang là một trong những giảng viên giảng dạy của chương trình "CEO GenZ" của Trường ĐH Hoa Sen và Viện phát triển lãnh đạo LDI.
Chương trình nhằm giải quyết những thách thức liên quan đến việc bắt đầu và điều hành thành công một dự án kinh doanh mới, xây dựng cho sinh viên tầm nhìn, tư duy, kiến thức và kỹ năng cần thiết của một nhà lãnh đạo, từ đó xây dựng cho chính mình tinh thần doanh chủ, sẵn sàng đương đầu thử thách và bứt phá.
Chia sẻ với sinh viên tại Talkshow của chương trình diễn ra vào ngày 22/6, Hương Giang kể, cô khởi nghiệp khi vừa tốt nghiệp đại học khi nhận thấy các bạn sinh viên và những người đang đi làm vẫn không biết quản lý tài chính cá nhân. Cô đặt mục tiêu thực hiện một chương trình về tài chính cá nhân nhưng sau hai năm vận hành thì lại ra công ty về... tổ chức sự kiện.
Những gì tưởng tượng lúc ban đầu và thực tế khác xa nhau bắt buộc cô phải quay ngược lại để hỏi "Mình là ai?" với những giá trị cốt lõi thế mạnh, điểm yếu, giá trị mình tạo ra, mình có thể làm được điều gì cho xã hội?
Nói về khía cạnh tiền bạc khi khởi nghiệp, hoa hậu đẹp nhất Châu Á 2019 cho rằng vốn không phải là yếu tố quan trọng nhất, thậm chí có thể xếp hàng thứ 3, thứ 4.
"Điều cần nhất khi khởi nghiệp là tìm ra cho mình được lý tưởng, tầm nhìn có thể thuyết phục người đồng hành cùng đi với mình. Không ai giỏi được tất cả mọi thứ, người làm chủ phải tìm được những người đồng đội chung chí hướng, đồng cam cộng khổ, nhất là giai đoạn đầu", nữ doanh nhân cho hay.
Trước câu hỏi, rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ hiện nay chạy theo mục tiêu "làm giàu", xem tiền bạc là thước đo của sự thành công, hoa hậu Hương Giang đồng tình với khía cạnh "Tiền bạc là yếu tố rất quan trọng, nếu không có tiền thì không ai làm được gì hết".
Tuy nhiên, theo Hương Giang, mỗi ngành nghề có một mục tiêu khác nhau. Với nhà giáo, mục tiêu là chất lượng dạy học, sản phẩm là ở mỗi học sinh, sinh viên. Với các bác sĩ là những công trình nghiên cứu, các bệnh nhân được chữa bệnh ra sao.
"Tiền là thứ đi cùng hành trình của tất cả mọi người, mọi ngành nghề nhưng không thể lấy tiền để làm thước đo cho mỗi người hay lấy đó làm mục đích, mục tiêu duy nhất.
Công việc cho chúng ta vốn sống, cái nhìn đa chiều chính là phần thưởng lớn nhất trong hành trình phát triển bản thân. Nhìn xa hơn đồng lương, doanh số mỗi tháng là con đường dài mình sẽ mang lại điều gì cho xã hội", hoa hậu Hương Giang bộc bạch.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Saigon Books, một trong những giảng viên của chương trình chia sẻ, ông từng ngộ nhận rằng mình là người tài giỏi và có thể làm được nhiều thứ. Cho đến khi khởi nghiệp, va chạm với thực tế ông mới nhận thấy những thói quen, tập tính của mình không phù hợp khi đưa vào khởi nghiệp, nhận thấy mình có nhiều thiếu sót.
Ông Quỳnh cho rằng, bên cạnh sự tự tin thì tất cả mọi người, nhất là doanh nhân khởi nghiệp cần tinh thần học hỏi, học từ sách, từ trải nghiệm, từ người xung quanh...
Về quan niệm "thành công là giàu có về tiền bạc" của nhiều bạn trẻ, doanh nhân Vũ Đỗ Tuấn Huy cho hay, ngay trong hội trường này, nhiều người đã rất giàu, sống đến đời con đời cháu cũng không xài hết. Họ không cần phải đi làm để kiếm tiền nhưng hàng ngày vẫn miệt mài lao động, thậm chí nhặt nhạnh từng hạt cà phê...
Theo ông Huy, tiền là giá trị giai đoạn ngắn hạn để tồn tại, để duy trì nhưng đồng tiền cũng có ranh giới rất mong manh giữa thành công và sự đánh đổi, nhiều người mất tất cả, tù tội cũng vì tiền.
"Chúng ta đừng chỉ học từ thành công của người khác mà quên học cả từ thất bại của người khác, trong đó có cả những thất bại vì bất chấp vì tiền", ông Huy nhấn mạnh.