Hoa “guốc”
(Dân trí) - “Bốn năm trời bị câm, một mình với bóng mình, nhiều phen òa khóc. Buồn chán, tôi bỏ về quê Ứng Hòa - Hà Tây để làm bạn với những vật thể câm lặng, ấy là gỗ và những đôi guốc mộc. Rồi, may rủi vui buồn cứ đến và đi, nghị lực đã giúp tôi vượt lên số phận”.
Hoa “guốc” bắt đầu câu chuyện về cuộc đời thăng trầm với những rủi may kỳ lạ...
Họa mi ngưng hót
Chuyện bắt đầu từ việc phẫu thuật thanh quản vào năm 2001 không thành khiến chị mất tiếng hoàn toàn. Cô giáo Hoa phải chia tay giảng đường và những sinh viên yêu quý khi chị ở tuổi 30. Bốn ngoại ngữ mà chị từng thành thạo là tiếng Anh, Hàn, Nhật, Nga nay cũng vô nghĩa. Nỗi buồn bao trùm lên cuộc đời chị, người thân trong gia đình đã cố gắng nhưng cũng vô phương cứu chữa.
Cuộc đời đổ xuống đầu Hoa những bất hạnh. “Con chim họa mi” ngày nào từng đoạt giải giọng hát hay của trường đại học, từng làm nức lòng khách quốc tế khi đến thăm các làng nghề truyền thống ở Việt Nam nay ngưng tiếng hót. Số phận đã đánh cắp giọng nói của chị, mang đến những ưu phiền buồn tủi khiến chị chỉ còn biết khóc thầm tủi phận.
Buồn, Hoa bỏ phố về quê ngoại ở Ứng Hòa để quên đi ngày tháng tủi hờn ấy. Ngày ngày, chị thấy bà con làm guốc mộc bán hàng chợ, thu nhập chỉ lấy công làm lãi. Dân làng nghề làm ra guốc nhưng lại bế tắc ở khâu bán hàng. Chị nghĩ, bà con có tay nghề nhưng không có mẫu mã mới, vốn và đầu ra chưa có người đứng ra lo liệu…
Khi đó, chị cho rằng mình phải làm một cái gì đó để lấy lại niềm tin cho bản thân và giúp cho bà con khẳng định được vị thế của làng nghề truyền thống. Thế là, Hoa xoay xở tìm cách “xốc” làng nghề guốc truyền thống lên vai và mang đi nhiều nước trên thế giới.
Giấc mộng ấy là không tưởng đối với một cô gái ở tuổi 30, gầy đét, lại không nói được như Hoa. Nhưng bằng cố gắng của chính mình, Hoa đã từng bước làm được điều mình mong muốn và cải thiện chính cuộc đời mình.
Điều kỳ diệu của guốc
Lập thương hiệu cho guốc Việt. |
Năm 2004, lúi húi bên đống guốc mộc, Hoa lần tìm sự khác biệt của guốc cổ truyền để so sánh với guốc công nghiệp thì chẳng may ngã đập đầu vào đống guốc. Chấn thương sọ não khiến Hoa phải nằm viện một thời gian dài. Cú ngã rủi do ấy lại mang may mắn đến cho Hoa, chị bắt đầu bập bẹ nói được những tiếng đầu tiên.
Niềm vui như nhân lên khi chị nhận ra giá trị của những đôi guốc không chỉ dùng để đi trong nhà mà nó còn mang sắc màu thời trang, tôn vinh vẻ đẹp của các thế hệ phụ nữ trong cuộc sống hiện đại. Guốc có thể xuất hiện ở khắp ba miền, ở công sở, trên sàn diễn, ngoài phố… và ở nhiều nước trên thế giới.
Công ty Hoa Anh Đạt ra đời (3/2004) cũng từ cơ duyên ấy. Kể đến đây chị cười: “Mình cố vay mượn để lập ra công ty đó thôi, chứ mình còn khó khăn lắm. Nhiều khi bạn bè anh em cũng chưa tin lắm vào chuyện làm kinh tế của mình đâu. Vì mình không có sức khoẻ, không có vốn, lại bị câm thì ai tin mình làm được gì”.
Chị đã tạo dựng guốc Việt thành thương hiệu cho riêng mình để gây dựng niềm tin với bạn bè và thị trường. Những ý tưởng mới cũng từ đó hình thành, đó là sự ra đời của siêu thị guốc lớn nhất Việt Nam tại Giảng Võ, ý tưởng cho ra đời bộ sưu tập guốc thời trang theo màu xe hơi sang trọng…
Sự cố gắng vượt lên chính mình từ những đôi guốc mộc đã giúp cho Phạm Như Hoa tìm thấy niềm vui, tinh yêu thương của mọi người và tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ thông qua guốc Việt của mình.
Bài, ảnh: Huy Thủy